Kết quả đánh giá học sinh quốc tế (PISA): Bất ngờ dễ hiểu

TS GIÁP VĂN DƯƠNG
TS GIÁP VĂN DƯƠNG

TT - Xếp thứ 17 trên 65 nước và vùng lãnh thổ trong Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA), học sinh phổ thông VN dường như đã gây bất ngờ cho cả người làm giáo dục trong và ngoài nước.

Khảo sát PISA: Việt Nam được đánh giá cao tại Đông Nam ÁHọc sinh Việt Nam vượt học sinh Mỹ

dJl1tuY9.jpgPhóng to
Lịch học kín mít khiến học sinh lớp 9 của một trường THCS ở TP.HCM phải tranh thủ ăn lót dạ khi vào lớp học thêm tối 5-12 - Ảnh: Như Hùng

Tuy nhiên, với cá nhân tôi, kết quả này không hề gây ngạc nhiên. Lý do: với lịch học chính khóa và học thêm dày đặc như ở VN, cộng với chương trình khá nặng, và chương trình tập huấn, chuẩn bị chỉn chu cho kỳ thi, thậm chí đã tổ chức thi thử trước đó một năm thì việc đạt kết quả như vậy là hiển nhiên.

Học để thi

Giáo dục VN có trọng tâm là học để thi. Toàn bộ guồng máy giáo dục vận hành để phục vụ một mục tiêu duy nhất là thi cử. Thi từ khi vào lớp 1, thi vào lớp 6, thi vào lớp 10, thi lên đại học. Kỳ thi nào cũng căng thẳng và cạnh tranh. Nên kết quả kỳ thi PISA này chúng ta thấy học sinh VN học giỏi, rất giỏi, chứ chưa chắc đã giỏi theo cách hiểu của quốc tế.

Điều này cũng phù hợp với văn hóa châu Á nói chung khi các nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore... đều đạt thứ hạng rất cao.

Nếu để ý kỹ hơn, bảy nước và vùng lãnh thổ dẫn đầu kỳ thi này đều là các nước hoặc vùng lãnh thổ có nền giáo dục truyền thống Nho giáo, bất chấp trình độ phát triển thật sự của các nước này chỉ bằng hoặc thấp hơn khối Âu - Mỹ.

Điều đó cho thấy truyền thống học để thi, đặc trưng cơ bản nhất của cái học trong truyền thống Nho giáo, có ảnh hưởng quyết định đến thứ hạng của kỳ thi này.

Nhưng trong số các nước và vùng lãnh thổ của Nho học truyền thống, VN đứng hạng cuối cùng, tách biệt những 10 bậc. Vì thế, thứ hạng cao của VN cũng không nên lấy làm mừng. Kể cả khi đạt thứ hạng cao nhất như Trung Quốc cũng không nên lấy đó làm vui. T

hoát khỏi nền giáo dục Trung Quốc để đi du học ở các nước có thứ hạng PISA thấp hơn, hằng năm vẫn là mơ ước của hàng triệu gia đình người Trung Quốc.

Giỏi nhưng làm việc... kém

Với việc đánh giá ba môn toán, khoa học và đọc hiểu, rõ ràng PISA không đánh giá hết năng lực của học sinh. So với các đề xuất của UNESCO: học để biết, học để làm, học để định hình bản thân và học để chung sống với người khác, thì những nội dung đánh giá của PISA chỉ nhắm vào một phần nhỏ của học để biết, mà chưa xét đến các khía cạnh khác của việc học.

Việc đánh giá chỉ nhắm vào học sinh 15 tuổi cũng là một hạn chế của PISA. Với lứa tuổi này, các em vẫn chưa được coi là trưởng thành. Kiến thức của các em còn rất xa mới đáp ứng được đòi hỏi của mọi lĩnh vực đời sống thực tế: kinh doanh, quản trị, văn hóa, nghệ thuật... Vì thế, nếu có một kỳ thi tương tự PISA nhưng đánh giá ở lứa tuổi trung bình cao hơn, ví dụ lứa tuổi 20 dành cho sinh viên các trường đại học, hoặc dành cho nhóm người đang là lao động chủ lực của nền kinh tế, 30 tuổi chẳng hạn, thì chắc chắn kết quả sẽ thấp hơn rất nhiều.

Điều này được gián tiếp xác nhận bởi tình trạng sinh viên VN ra trường không làm được việc, nếu đi du học thì gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng các đòi hỏi của nền giáo dục tiên tiến: phản biện, sáng tạo, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, thực hành tốt...

Theo báo cáo của Tổ chức Năng suất châu Á (APO) năm 2012, năng suất lao động của người VN thấp hơn Mỹ khoảng 20 lần. Có điều gì bất hợp lý ở đây khi học sinh ta học giỏi hơn họ mà năng suất làm việc lại kém họ đến 20 lần? Như vậy cái giỏi của ta có phải chỉ là giỏi học, giỏi thi chứ không phải là giỏi làm việc. Và cái học của ta cũng chỉ nhằm để đi thi chứ không phải để làm việc. Vì thế, ngay cả với việc đánh giá thế nào là giỏi cũng cần phải xem xét lại.

Vậy nên với kết quả thi PISA như vậy, VN chỉ nên vui nhẹ. Nếu tự ru ngủ bởi kết quả này, giáo dục sẽ đánh mất cơ hội tự đánh giá lại mình và bỏ qua nhu cầu bức thiết phải cải cách để phát triển.

* Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển:

Không phải đánh giá toàn diện

PISA không đánh giá được toàn bộ năng lực của người học mà chỉ tập trung vào ba năng lực toán, đọc hiểu và khoa học. Việc ta xếp thứ 17 chỉ là trong phạm vi đánh giá của PISA chứ không phải đánh giá toàn diện. Vì hiện chưa có một “thước đo” tương tự như PISA đánh giá năng lực toàn diện của người học. Nhưng dù chưa có, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận nếu đánh giá toàn diện năng lực người học thì VN còn yếu. Việc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT mà chúng ta đang hướng tới cũng đặt ra những giải pháp để khắc phục cái yếu này.

Cái được khi tham gia PISA là được đặt mình vào cùng một thước đo chung với các nước. Chúng ta đang trong quá trình hội nhập nên cần biết mình đang ở đâu, biết được học sinh mình có thể hội nhập hay không trong điều kiện thế giới phẳng, giao lưu về lao động và công nghệ? Nếu mình không đáp ứng được nghĩa là không hội nhập được. PISA góp phần trả lời cho học sinh chúng ta đang ở mức nào, yếu ở đâu, cần bổ sung gì?

Lâu nay thi, kiểm tra đánh giá từng người học chứ không đánh giá được đơn vị, địa phương, cả nước tốt ở chỗ nào, yếu chỗ nào về chất lượng và có những yếu tố nào ảnh hưởng đến chất lượng. Tham gia PISA sẽ giải quyết được điều đó. Từ phân tích kỹ báo cáo của PISA, để xem những nguyên nhân ảnh hưởng để cải thiện điều kiện làm giáo dục, phù hợp với đất nước, với vùng miền để nâng cao chất lượng.

Vĩnh Hà ghi

__________

“Một thước đo tin cậy”

DqkQ2wnl.jpg

Bà Lê Thị Mỹ Hà - Ảnh: Lê Chung

Khẳng định kỹ thuật đánh giá của PISA do Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) khởi xướng và chỉ đạo là rất đáng tin cậy, bà Lê Thị Mỹ Hà - giám đốc quốc gia PISA VN - cho rằng kết quả đánh giá PISA 2012 của VN là khách quan, chính xác.

Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ sau kết quả PISA 2012 của VN gây bất ngờ nhưng cũng khiến nhiều người băn khoăn, nghi ngờ, bà Lê Thị Mỹ Hà cho biết:

- Đây là năm đầu tiên VN tham gia đánh giá PISA. Tôi nghĩ rằng đây là một quyết định dũng cảm, bởi kết quả đánh giá của VN sẽ được so sánh trên cùng một thước đo với 64 nước và vùng lãnh thổ khác và chúng ta có thể biết mình ở vị trí nào trong mặt bằng chung đó. Cá nhân tôi đã nghĩ có thể VN sẽ xếp ở khoảng thứ 40/65 nước thôi. Rất khó có thể dự đoán được kết quả, Bộ GD-ĐT và những người trực tiếp thực hiện cần phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy chuẩn, nguyên tắc PISA đặt ra. Nếu có bất cứ sai sót hay phát hiện tiêu cực nào, OECD sẽ hủy kết quả.

* Đánh giá lần này chỉ áp dụng đối với trên 500.000 học sinh ở độ tuổi 15 của 65 quốc gia, khu vực, vùng lãnh thổ. Cách lựa chọn học sinh, trường, địa phương để làm mẫu đánh giá như thế nào để đảm bảo khách quan và đại diện được cho các vùng miền khác nhau của VN?

- VN có trên 5.000 học sinh được chọn làm đại diện mẫu tham gia khảo sát, chúng tôi không được phép chọn trường, chọn học sinh, mà phải tuân thủ phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên của PISA.

VN có trách nhiệm cung cấp danh sách trường, học sinh cho OECD, mẫu khảo sát chính thức PISA 2012 có đại diện đủ các khu vực nông thôn, thành thị, miền núi. Phần mềm trên máy của PISA sẽ lựa chọn ngẫu nhiên trường, học sinh cần đánh giá. Các trường tham gia PISA có học sinh độ tuổi 15 ở các trường THPT, THCS, trung tâm giáo dục thường xuyên, phổ thông dân tộc nội trú, trường nghề.

* Việc tổ chức cho học sinh làm bài thi thế nào? Nội dung đề thi có dựa vào chương trình giáo dục của VN không?

- Nội dung đánh giá nằm trong chuẩn chung của OECD áp dụng với tất cả quốc gia tham gia. Vì đây là đánh giá với đối tượng học sinh 15 tuổi nên PISA xây dựng khung năng lực chung mà theo họ, học sinh 15 tuổi cần đạt được chứ không dựa theo chương trình giáo dục của quốc gia nào.

Đề gốc ra bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, các nước tham gia có trách nhiệm dịch ra tiếng nước mình. Việc dịch đề thi cũng phải thực hiện trên cơ sở những cam kết nghiêm ngặt về tính chính xác, tính bảo mật. PISA có một tổ chức kiểm soát ngôn ngữ độc lập kiểm duyệt để đảm bảo sau khi dịch không bị tăng, giảm độ khó, không sai sót. Việc này nhằm đảm bảo công bằng trong kết quả đánh giá giữa các quốc gia.

Có 13 mã đề thi, đảm bảo trong một phòng thi chỉ có nhiều nhất ba học sinh chung mã đề. Mỗi học sinh sẽ được phát một quyển đề thi chừng 55-60 trang, mỗi đề thi trung bình từ 50-60 câu hỏi, nên với thời gian 2 giờ/môn, học sinh chỉ có thể dành cho mỗi câu 1-1,5 phút.

* Có lạc quan quá không khi cho rằng kết quả đánh giá PISA biểu thị chất lượng giáo dục phổ thông VN? Bà có suy nghĩ gì khi có nhiều người cũng từng cho rằng kết quả thi Olympic quốc tế, khu vực hay tỉ lệ tốt nghiệp THPT quốc gia hằng năm cũng biểu thị cho chất lượng giáo dục phổ thông?

- Kết quả thi Olympic cũng đáng tự hào nhưng kết quả đó không phải là đại diện cho chất lượng giáo dục chung vì số học sinh dự thi rất ít, cách tổ chức thi cũng nhằm phát hiện học sinh có năng khiếu đặc biệt. Còn thi tốt nghiệp THPT quốc gia chỉ là kỳ thi nhằm công nhận phổ cập chương trình phổ thông. Và vì quyền lợi cá nhân, nhiều học sinh chịu áp lực lớn có thể nảy sinh tiêu cực.

Còn với đánh giá PISA, không có trường nào, học sinh nào, địa phương nào được “chấm điểm thi đua”, được nâng, giảm quyền lợi nên động cơ tiêu cực sẽ không nảy sinh như ở kỳ thi tốt nghiệp. Với PISA, VN lần đầu tiên được “đo” chung một thước đo với thế giới. Chúng ta trước đây vẫn hay hỏi nhau “giáo dục phổ thông VN đứng hàng bao nhiêu trên thế giới?”, nhưng chúng ta không trả lời được. Trên cùng một quy chuẩn, một mặt bằng, ta sẽ nhìn thấy mình rõ hơn.

Mẫu tham gia PISA là mẫu đại diện cho các quốc gia/ vùng kinh tế, nên kết quả PISA được công bố chính là nói lên chất lượng giáo dục của các quốc gia/vùng kinh tế, không chỉ VN.

TS GIÁP VĂN DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên