05/11/2018 18:15 GMT+7

'Kênh' nào cho học sinh góp ý thầy cô?

NGỌC HÙNG (Huế)
NGỌC HÙNG (Huế)

TTO - Vụ việc học sinh lập nhóm chat nói xấu giáo viên ở Thanh Hóa đang dần khép lại với mức kỷ luật mới được đưa ra: giảm từ đuổi học 1 năm xuống đuổi học 1 tuần.

Kênh nào cho học sinh góp ý thầy cô? - Ảnh 1.

Tranh vẽ mừng Ngày nhà giáo Việt Nam của học sinh tiểu học TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

Đúng - sai, phải - trái vẫn đang trên đà tranh luận, phản biện. Vậy nhưng, chúng ta dễ dàng nhận ra sự nóng vội cũng như án "phạt" quá nặng dành cho lứa tuổi "nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò".

Học sinh nói xấu giáo viên, phản bác giáo viên, bôi nhọ giáo viên thời nào cũng có, là việc không nên có và đáng phê phán. Chỉ có điều trong thời đại công nghệ số, mặt trái của lứa tuổi ẩm ương có cơ hội bộc lộ, phát triển nhiều hơn. Các em lập nhóm kín để bình luận và để xả bao bực bội, ấm ức về thầy cô trên lớp.

Các em rất dễ a dua, hùa theo với số đông để đưa ra những bình luận tiêu cực, lời lẽ phản cảm, thậm chí là học đòi sử dụng ngôn ngữ tục tĩu… Chính lúc này, vai trò của người thầy lại cực kỳ quan trọng để định hướng nhận thức, uốn nắn hành vi của các em.

Lẽ tất nhiên chẳng ai muốn nghe người khác nói xấu về mình. Tâm lý chung của con người là vậy, dẫu có sai mười mươi đi chăng nữa người ta vẫn thích nghe lời nói ngọt "lọt đến tận xương".

Nhưng chính những lời nói thật, thật đến chua chát lại là "liều thuốc" mà mỗi người cần để thức tỉnh, tự điều chỉnh ý thức, hành vi của bản thân.

Đôi khi chính những lời nói xấu sau lưng lại là lời nói thật nhất mà chúng ta cần lắng nghe, thấu hiểu và thầm cảm ơn chính những "sự thật mất lòng" đó.

Quan hệ thầy - trò bao lâu nay vẫn là mối quan hệ nhạy cảm. Dẫu trường học thân thiện và khoảng cách thầy - trò được kéo gần đến đâu đi chăng nữa thì vẫn tồn tại những khoảng trống khó có thể lấp đầy.

Học sinh là những đứa trẻ đang đến trường để học tri thức, kỹ năng, nhân cách. Mọi thứ đều chưa hoàn thiện trong con trẻ. Sự thiếu hụt về kiến thức, yếu kém về kỹ năng và hạn chế về nhân cách ấy cần vai trò hướng dẫn, uốn nắn của giáo viên.

Bởi vậy, người thầy phải vừa "dạy" vừa "dỗ", vừa "rèn" vừa "giũa" những "viên ngọc" còn hết sức thô sơ trong người học. Có "viên ngọc" dễ mài giũa, có "viên ngọc" khó vào khuôn nếp bởi cá tính riêng và cái tôi cá nhân mạnh mẽ.

Lúc ấy, người thầy cần hơn bao giờ hết đức kiên nhẫn, tính bao dung và lòng vị tha vô bờ bến. Đừng bao giờ tự biến mình thành một "máy dạy", "thợ dạy" vô tri vô giác, thiếu cảm xúc, hao hụt nhiệt huyết! Có như thế chúng ta mới có thể cải biến, điều chỉnh những lời nói xấu của học sinh sau lưng chúng ta theo hướng tích cực.

Bước qua được ranh giới ác cảm, thù hằn với những lời nói xấu sau lưng từ học trò không phải là điều dễ dàng. Vậy nhưng, khi ta đủ bình tĩnh để lắng lòng lại, đủ bao dung để nhìn nhận một cách thấu đáo bản chất của mấy lời "phê bình", "góp ý" (dẫu thiếu thiện chí của học sinh), có lẽ ta phải thầm cảm ơn những câu từ ấy.

Hãy đối thoại với các em, để thầy được nói, để trò được trình bày! Những mâu thuẫn, xích mích, "lệch pha" trong nhận thức, suy nghĩ, hành động giữa thầy và trò cần được tháo gỡ trong một môi trường dân chủ thực sự!

Vai trò của dân chủ trong học đường một lần nữa được đặt ra ngay trong chính vụ việc này: Nhà trường đã tạo môi trường thân thiện để học sinh được góp tiếng nói của mình? Giáo viên đã thật sự lắng nghe tâm tư các em? Và "kênh" thông tin nào đủ an toàn, đáng tin cậy để con trẻ góp ý, phản biện?

Giảm mức kỷ luật học sinh vụ nói xấu thầy cô trên mạng xã hội Giảm mức kỷ luật học sinh vụ nói xấu thầy cô trên mạng xã hội

TTO - Hội đồng kỷ luật Trường THPT Nguyễn Trãi, TP Thanh Hóa vừa quyết định giảm mức kỷ luật đối với các học sinh có hành vi nói xấu thầy cô giáo trên mạng xã hội.

NGỌC HÙNG (Huế)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên