01/11/2018 14:16 GMT+7

Học trò nói xấu thầy cô, giám thị xử thế nào cho đúng?

SONG NGHI
SONG NGHI

TTO - Cô giáo vô tình xem điện thoại thấy học trò nói xấu, liệu cô có vi phạm quyền riêng tư? Và cách xử lý các em nên thế nào cho thỏa đáng?

Học trò nói xấu thầy cô, giám thị xử thế nào cho đúng? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: AP

Việc một số em học sinh lập nhóm nói xấu giáo viên và bị đuổi học ở Thanh Hóa là câu chuyện đáng buồn. Các em làm sai và bị kỷ luật là tất nhiên, nhưng bản thân tôi có 3 điều băn khoăn.

Giám thị thế nào thì không vi phạm quyền riêng tư?

Theo thông tin từ phía nhà trường, trong lúc trực giám thị, giáo viên vô tình phát hiện trên điện thoại của một em học sinh cuộc nói chuyện trên Facebook của các em với nội dung nói xấu thầy cô, nhà trường. 

Như vậy, mặc dù vô tình, cô giáo đã xem lén điện thoại của học sinh, vi phạm sự riêng tư của học sinh.

Việc xem điện thoại học sinh trong trường hợp này là cần thiết nhưng phải đúng luật. Lẽ ra nhà trường phải mời phụ huynh hoặc người giám hộ và học sinh lên, yêu cầu học sinh tự tay mở điện thoại (dù là điện thoại không khóa) để ghi nhận sự việc.

Mọi nội dung giáo viên xem đều phải trước mặt học sinh, và giáo viên chỉ được xem nội dung vi phạm. Tất cả cần được ghi nhận bằng văn bản, được phụ huynh ký tên xác nhận.

Hiện nay nhiều giáo viên vẫn có thói quen lục soát đồ dùng học sinh như một biện pháp quản lý mà quên rằng sự riêng tư và nhân phẩm các em cần được tôn trọng triệt để.

Thế nào là nói xấu?

Cần thẳng thắn với nhau rằng, do chịu ảnh hưởng văn hóa phong kiến, cho đến giờ xã hội Việt Nam vẫn còn phổ biến tư tưởng người lớn đúng, trẻ con sai. Sự áp đặt đôi khi nặng nề đến mức người lớn không chấp nhận sự tranh luận của trẻ con, coi đó là hỗn.

Trong sự việc ở Thanh Hóa, các em học sinh đã nói gì trong nhóm chat? Thầy cô có đọc kỹ nội dung các em trao đổi để cân đong đo đếm một cách thận trọng: Có bao nhiêu phần trăm sự thật trong câu chuyện của các em? 

Liệu toàn bộ nội dung các em nói đều là bôi nhọ, vu khống? Có phải cách hành xử của giáo viên khiến học sinh hiểu lầm không? Có phải tất cả những gì các em nói nghịch ý nhà trường đều là nói xấu?

Nếu các em không hiểu lầm mà thực sự ngỗ ngược, hỗn láo, thầy cô và ban giám hiệu cần phân tích, giải thích để các em hiểu và thấy được lỗi của mình. Nếu không làm được như vậy thì đối với các em, việc kỷ luật đơn giản chỉ là sự trả đũa của người lớn.

Kỷ luật: cảm hóa hay trừng phạt?

Kiểu túm tụm nói xấu ai đó, gồm cả giáo viên, nhà trường của học trò không phải bây giờ mới có, chỉ khác ở phương tiện thể hiện, từ lời nói gió bay sang văn bản trên điện thoại.

Do đó, khi bị nói xấu, các thầy cô nên tìm hiểu tường tận nguyên nhân khiến các em bức xúc để những việc như vậy không xảy ra nữa.

Bản thân các giáo viên bị nói xấu nên gặp các học sinh trao đổi thẳng thắn, cầu thị và tôn trọng. Cần dùng tình cảm người thầy để hóa giải những hiểu lầm nếu có. Và nếu trong những điều các em nói có vài chuyện là đúng thì liệu giáo viên có đủ dũng cảm để thẳng thắn thừa nhận điều đó với các em không?

Dán nhãn "hỗn láo" và đuổi học, điều đó quá dễ nhưng rõ ràng học sinh sẽ không tâm phục khẩu phục. Kỷ luật quá mức, các em có cảm giác bị đẩy ra rìa xã hội và nghĩ rằng thầy cô đang trả đũa mình thì nhà trường đã thất bại hoàn toàn. 

Đẩy một học sinh đang tuổi thiếu niên ra khỏi nhà trường trong tâm lý ấm ức, ức chế không phải là điều hay. Một năm sau, liệu em học sinh này còn muốn quay lại trường hay gia nhập luôn vào "đội quân" trẻ em nổi loạn?

Tôi mong là ở góc độ cá nhân, giáo viên bị nói xấu cũng nên mở lòng với nhóm "nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò này".

Đuổi học vì nói xấu thầy cô là Đuổi học vì nói xấu thầy cô là 'vội vã, chưa đảm bảo tính giáo dục'

TTO - Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc nhận định việc Trường THPT Nguyễn Trãi (TP Thanh Hóa) buộc thôi học 7 học sinh vì nói xấu thầy cô trên Facebook là "vội vã", cần phải đi từ nguồn gốc căn bản vụ việc.

SONG NGHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên