13/03/2021 13:07 GMT+7

Ít nhất 6 người biểu tình Myanmar thiệt mạng, thêm nhiều cảnh sát chạy sang Ấn Độ

ANH THƯ
ANH THƯ

TTO - Truyền thông Myanmar ngày 13-3 đưa tin 6 người biểu tình thiệt mạng trong các vụ nổ súng của cảnh sát trong ngày hôm nay. Hơn 200 người Myanmar, phần lớn là cảnh sát và gia đình, đã vượt biên giới sang Ấn Độ.

Ít nhất 6 người biểu tình Myanmar thiệt mạng, thêm nhiều cảnh sát chạy sang Ấn Độ - Ảnh 1.

Người biểu tình hô vang khẩu hiệu phản đối chính quyền quân sự Myanmar tại thành phố Mandalay ngày 13-3 - Ảnh: REUTERS

Tính đến chiều 13-3, đã có ít nhất 6 người biểu tình tại Myanmar thiệt mạng được cho là bị lực lượng an ninh bắn chết.

Kênh truyền hình DVB News của Myanmar cho biết 2 người biểu tình đã thiệt mạng khi cảnh sát nổ súng vào một đám đông tập trung bên ngoài văn phòng cảnh sát quận Thaketa, thuộc thành phố Yangon lớn nhất quốc gia Đông Nam Á này. Đám đông này yêu cầu cảnh sát thả những người đã bị họ bắt giữ.

Hãng tin Reuters ngày 13-3 cũng dẫn nguồn tin địa phương cho biết 3 người đã thiệt mạng và nhiều người khác bị thương khi cảnh sát nổ súng vào một nhóm biểu tình ngồi tại Mandalay, thành phố lớn thứ hai của Myanmar.

Một người biểu tình khác thiệt mạng tại thị trấn trung tâm của Pyay. "Lực lượng an ninh đã chặn xe cứu thương tiếp cận người biểu tình bị thương và chỉ cho qua sau đó", một người biểu tình 23 tuổi ở Pyay kể với hãng tin Reuters. "Do xe cứu thương bị chặn như thế nên đến khi vào cứu người bị thương thì đã quá trễ, một người đã chết sau đó".

Các nhà hoạt động Myanmar cũng kêu gọi thêm nhiều cuộc biểu tình phản đối đảo chính hơn trong ngày hôm nay 13-3, ngày giỗ của một sinh viên thiệt mạng năm 1988 và làm dấy lên phong trào phản đối chính phủ lúc bấy giờ, theo Hãng tin Reuters.

Các apphich lan truyền trên mạng xã hội kêu gọi mọi người xuống đường để phản đối chính quyền quân sự và kỷ niệm ngày giỗ của sinh viên Phone Maw - người bị lực lượng an ninh Myanmar bắn chết năm 1988.

Cái chết của sinh viên Maw và một sinh viên khác sau đó vài tuần làm dấy lên các cuộc biểu tình toàn quốc chống chính quyền quân sự lúc bấy giờ, hay còn gọi là chiến dịch 8-8-88. Ước tính khoảng 3.000 người đã thiệt mạng khi quân đội đàn áp chiến dịch này.

Hiệp hội Hỗ trợ tù nhân chính trị (AAPP) cho biết hơn 70 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình ở Myanmar kể từ khi quân đội nước này tiến hành đảo chính vào ngày 1-2, bắt giữ bà Aung San Suu Kyi và các lãnh đạo cấp cao khác của quốc gia Đông Nam Á này.

Trong một diễn biến liên quan, tổng cộng 264 người Myanmar đã trốn chạy sang bang Mizoram ở đông bắc Ấn Độ, bao gồm 198 cảnh sát và gia đình của họ, tính đến hết ngày 12-3. Một cảnh sát Myanmar cho biết giới chức quân đội Myanmar đang "đánh đập và tra tấn" người biểu tình, theo Hãng tin AFP.

"Lý do để từ Myanmar sang Ấn Độ là bởi vì tôi không muốn phục vụ trong chính quyền quân sự. Lý do thứ hai là nếu tôi từ bỏ chính quyền quân sự và tham gia cùng mọi người, tôi tin chúng tôi có thể chiến thắng cuộc chiến chống lại chính quyền quân sự" - một trong các cảnh sát nói.

Cảnh sát này cho biết ông đã chứng kiến cảnh sát bắt giữ nhiều người, kể cả những người không tham gia biểu tình mà chỉ đứng bên ngoài quan sát hay chụp ảnh.

Mỹ cho 1.600 công dân Myanmar đang ở Mỹ tiếp tục ở lại Mỹ cho 1.600 công dân Myanmar đang ở Mỹ tiếp tục ở lại

TTO - Chính phủ Mỹ ngày 12-3 thông báo sẽ cấp cơ chế bảo vệ tạm thời với những người Myanmar đang bị kẹt lại nước này vì tình hình bạo lực bất ổn đang diễn ra trong nước.

ANH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên