Nhà máy Intel Việt Nam tại Khu công nghệ cao TP.HCM - Ảnh: H.Đ
Đó là nhận định của ông STEVE LONG, tổng giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Nhật Bản của Tập đoàn Intel, trong trả lời phỏng vấn với Tuổi Trẻ. Đánh giá về cơ hội nêu trên của Việt Nam, ông cho biết:
- Các nguồn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn luôn là động lực chính thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng, với mức tăng 7,8% so với năm trước (giai đoạn tháng 1 đến tháng 3). Chính phủ Việt Nam cũng tiếp tục tích cực ủng hộ các sáng kiến chuyển đổi số, đào tạo lực lượng lao động chuyên môn cao và tham gia một loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Tất cả đều là những yếu tố then chốt để thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài và củng cố vị thế dẫn đầu của Việt Nam tại khu vực Đông Nam Á.
Cùng Việt Nam xây dựng chuỗi cung ứng cân bằng
* Ông có thể cho biết cơ hội hợp tác của doanh nghiệp Việt với Intel trong chuỗi cung ứng toàn cầu?
- Hiện nay, chất bán dẫn đang dần trở thành một phần không thể thiếu ở nhiều nơi trên thế giới. Đây cũng là một yếu tố hiện diện trong nhiều lĩnh vực trọng tâm như giáo dục, tài chính, sản xuất, y tế, giao thông vận tải và quốc phòng an ninh. Chúng ta đang chứng kiến lượng nhu cầu vô tận dành cho các sản phẩm điện toán trên khắp mọi lĩnh vực.
Các sản phẩm bán dẫn cao cấp hỗ trợ nhân loại đạt được nhiều thành tựu vượt trội nhờ vào "siêu cường công nghệ", rồi kết nối rộng khắp và trí tuệ nhân tạo - tất cả đều làm bùng nổ nhu cầu dành cho chất bán dẫn.
Về việc xây dựng chuỗi cung ứng cân bằng toàn cầu của Intel trong tương lai, chúng tôi mong muốn được hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình triển khai chiến lược này.
Một trong những triết lý của chúng tôi là hợp tác và phát triển các hệ sinh thái tại các quốc gia có sự hoạt động của Intel. Trong mười năm qua, danh sách nhà phân phối của Intel tại Việt Nam đã tăng từ 20 lên 200 đơn vị.
* Intel đã có nhà máy sản xuất lắp ráp và kiểm định tại Việt Nam (Intel Products Việt Nam - IPV), ông có thể cho biết đóng góp của IPV trong cuộc khủng hoảng chip toàn cầu hiện nay?
- Tôi rất vui khi nói rằng trong suốt thời gian đại dịch hoành hành, IPV đã duy trì hoạt động với công suất tối đa. Song song đó, chúng tôi cũng nỗ lực đảm bảo và ưu tiên sự an toàn cho đội ngũ nhân viên cũng như chấp hành nghiêm ngặt các chính sách về sức khỏe tại Việt Nam.
Trên thực tế, tính đến cuối năm 2021, IPV đã vận chuyển hơn 3 tỉ sản phẩm đến với khách hàng của Intel trên toàn thế giới sau 15 năm đi vào hoạt động.
* Ông đánh giá thế nào về cuộc khủng hoảng chip toàn cầu hiện nay và ảnh hưởng của nó đến Việt Nam?
- Phải nói rằng sự thiếu hụt chip hiện nay là vấn đề xảy ra trên phạm vi toàn cầu và được dự đoán sẽ còn kéo dài đến năm 2024, mặc cho những nỗ lực để đảm bảo cung cấp đủ các tấm bán dẫn theo nhu cầu dự kiến.
Tuy nhiên, tình trạng này sẽ được cải thiện khi ngày càng có nhiều nhà sản xuất bán dẫn (fabs - semiconductor fabrication plant) trực tuyến từ Intel và các thương hiệu khác trong ngành dự kiến xuất hiện vào giai đoạn nửa sau của thập niên này.
Với nền kinh tế trẻ đang trên đà phát triển, cùng với sự lớn mạnh của các nỗ lực số hóa đa lĩnh vực, Việt Nam vẫn đang cho thấy một lượng nhu cầu lớn dành cho thị trường chip. Trong bối cảnh đó, Intel giữ vững cam kết đóng vai trò then chốt trong nỗ lực hỗ trợ Việt Nam xây dựng nền tảng công nghệ bền vững, từ đó thúc đẩy quá trình chuyển đổi số.
Mong muốn ở Việt Nam: con người tài năng
* Intel mong muốn gì ở Việt Nam để tiếp tục đầu tư và phát triển?
- Có một điều chắc chắn rằng khi mở rộng hoạt động tại Việt Nam, chúng tôi sẽ tìm kiếm những nhân tài đất Việt về với Intel để thúc đẩy sự phát triển của công ty tại khu vực. Không chỉ tuyển dụng những tài năng trong ngành sản xuất và kỹ thuật, Intel còn tìm kiếm những lập trình viên sáng giá để tạo ra những tiến bộ rõ rệt trong lĩnh vực phần mềm.
Đối với một công ty như Intel, điều quan trọng vẫn là tìm kiếm những tài năng công nghệ có thể thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp trong tương lai. Để giải quyết thách thức này trong thời gian lâu dài, chúng tôi cần đi đến quan hệ hợp tác với các bên liên quan tại địa phương.
Ví dụ, chúng tôi có quan hệ đối tác lâu dài với Chương trình Liên minh hợp tác giáo dục ngành kỹ thuật (HEEAP) của Trường Kỹ thuật Ira A. Fulton, giữa Chính phủ Việt Nam, USAID (Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ) cũng như với các ngành công nghiệp và học viện. Tất cả các hợp tác trên nhằm tăng cường hệ thống giáo dục tại Việt Nam kể từ năm 2008.
Chính những mối quan hệ này đã đem đến tác động tích cực cho lực lượng lao động trong nước nói chung và Intel nói riêng.
Cho đến nay, 95% lực lượng lao động tại Intel là người Việt Nam, họ điều hành nhà máy sản xuất ở nhiều vị trí từ chuyên viên sản xuất, trưởng bộ phận cho đến đại diện ban quản trị. IPV cũng can thiệp sâu rộng vào các hoạt động nghiên cứu và hợp tác sản xuất với các trung tâm nghiên cứu của Intel trên toàn thế giới.
3 tỉ
Đó là số sản phẩm nhà máy sản xuất lắp ráp và kiểm định tại Việt Nam của Intel cung cấp trong 15 năm qua.
Phù hợp để sản xuất công nghệ cao
Bên cạnh môi trường chính trị - xã hội ổn định, lĩnh vực thương mại ngày càng tự do hóa, chính sách đầu tư và lực lượng lao động trẻ đầy tài năng là những yếu tố khiến Việt Nam trở nên vô cùng hấp dẫn trong mắt các công ty đa quốc gia như Intel. Hoạt động sản xuất của Intel tại Việt Nam rõ ràng đã giúp làm rạng danh đất nước trên bản đồ những quốc gia đầu tư vào công nghệ cao.
Có thể thấy, Việt Nam đã sở hữu đủ cơ sở hạ tầng và chính sách cần thiết để hỗ trợ các hoạt động sản xuất công nghệ cao tiên tiến.
Nhà máy lắp ráp và kiểm định lớn nhất
IPV (nhà máy sản xuất lắp ráp và kiểm định tại Việt Nam của Intel - Intel Products Việt Nam) là nhà máy lắp ráp và kiểm định lớn nhất trong mạng lưới Intel và là một trong 10 cơ sở sản xuất của Intel trên toàn thế giới.
Intel đã tuyển dụng hơn 2.800 người lao động để đáp ứng nhu cầu khách hàng toàn cầu, đồng thời cung cấp 7.000 đầu việc. Bên cạnh đó, IPV vẫn giữ vị thế số 1 khi nói về khoản đầu tư công nghệ cao đến từ Mỹ.
Mời tham gia diễn đàn "Xây dựng nền công nghiệp tự chủ"
Dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu đang tạo thời cơ chưa từng có cho các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và ngành công nghiệp nói riêng.
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều thách thức lớn đòi hỏi cả doanh nghiệp, người lao động và cơ quan quản lý phải vượt lên. Để tăng nội lực của ngành công nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng, từ đó tăng thu nhập cho người lao động và tiềm lực của đất nước, Tuổi Trẻ mở diễn đàn "Xây dựng nền công nghiệp tự chủ".
Kính mời các doanh nghiệp, hiệp hội chia sẻ kinh nghiệm phát triển, những vướng mắc cần tháo gỡ và các đề xuất. Tuổi Trẻ cũng rất mong nhận được bài vở phân tích, chia sẻ trải nghiệm kèm những sáng kiến từ chính những người làm trong ngành công nghiệp, quý bạn đọc, chuyên gia nhằm thúc đẩy "xã hội sản xuất", giúp phát triển nền công nghiệp nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng.
Các bài viết vui lòng gửi về địa chỉ email: dangdv@tuoitre.com.Việt Nam
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận