27/07/2020 22:13 GMT+7

Indonesia vượt 100.000 ca nhiễm sau 1 tháng thiết lập 'bình thường mới'

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Tổng số ca mắc COVID-19 tại Indonesia đã vượt mốc 100.000 vào ngày 27-7, chỉ một tháng sau khi nước này nới lỏng giãn cách xã hội và thiết lập trạng thái bình thường mới. Các chuyên gia cảnh báo đại dịch tại Indonesia có nguy cơ vượt kiểm soát.

Indonesia vượt 100.000 ca nhiễm sau 1 tháng thiết lập bình thường mới - Ảnh 1.

Người dân Indonesia đeo khẩu trang tại một ga tàu điện ngầm ở thủ đô Jakarta - Ảnh: REUTERS

Số liệu của Bộ Y tế Indonesia cập nhật chiều 27-7 cho thấy trong vòng 24 giờ trước đó đã ghi nhận thêm 1.525 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 100.303 người, trong đó có có 4.838 người đã tử vong.

Tuy nhiên, Hãng thông tấn AFP của Pháp lại lo ngại con số trên thực tế có thể còn cao hơn bởi Indonesia là một trong những nước có tỉ lệ xét nghiệm COVID-19 thấp nhất thế giới.

"Không được buông xuôi", Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhấn mạnh trong cuộc họp nội các ngày 27-7. Ông kêu gọi tinh thần chiến đấu cho tới khi có một loại vắcxin ngừa COVID-19 hiệu quả xuất hiện.

Kể từ khi thiết lập trạng thái bình thường mới để hồi sinh nền kinh tế, trung bình mỗi ngày Indonesia ghi nhận hơn 1.000 ca nhiễm mới. 34/34 tỉnh thành của xứ vạn đảo có trường hợp mắc COVID-19, kể cả những nơi xa xôi hẻo lánh như quần đảo Maluku hay Papua ở cực đông.

Hội Chữ thập đỏ Indonesia ngày 27-7 đã phải lên tiếng cảnh báo đại dịch đang có nguy cơ "vượt tầm kiểm soát" tại Indonesia. Tổ chức này cho biết đang nỗ lực tuyên truyền người dân thay đổi thói quen thường ngày, giữ khoảng cách và đeo khẩu trang cùng với vệ sinh sạch sẽ để phòng tránh lây nhiễm.

Hội Chữ thập đỏ Indonesia cho hay đã huy động được 7.000 tình nguyện viên trên cả nước đi vận động người dân. Con số này vẫn rất khiêm tốn so với dân số 270 triệu người của Indonesia.

Theo AFP, việc Indonesia đứng trước nguy cơ "vỡ trận" chỉ sau một tháng là do nhiều địa phương ở Indonesia, trong đó có cả đảo du lịch Bali, đã phản đối các lệnh giãn cách xã hội. Thậm chí có nơi còn không muốn tiến hành xét nghiệm COVID-19 cho người dân.

Những người chống đối chính phủ của ông Widodo thì cho rằng nguyên nhân thực sự là do chính sách "bình thường mới" của chính quyền. Nhóm này tin rằng việc mở cửa các văn phòng ở thủ đô Jakarta là nguyên nhân khiến tình hình trở nên tồi tệ.

"Con số 100.000 ngàn của ngày hôm nay sẽ báo động chính phủ, buộc họ phải thực sự nghiêm túc hơn nữa trong việc xử lý đại dịch", người phát ngôn Hiệp hội Bác sĩ Indonesia Halik Malik đặt vấn đề.

Theo vị này, trong những tháng gần đây, "người dân đã mất cảnh giác hơn trước virus bởi những câu chuyện của Chính phủ Indonesia về trạng thái bình thường mới". Những điều đó khiến người dân nghĩ rằng tình hình đã được kiểm soát nhưng thực tế thì không.

WHO: Đóng cửa biên giới không phải là cách chống COVID-19 bền vững

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, cho rằng chỉ khi người dân tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp như đeo khẩu trang, tránh nơi đông người và vệ sinh sạch sẽ, thế giới mới có thể đánh bại COVID-19. Ông khẳng định những chỗ nào ca nhiễm tăng đột biến là do không làm những điều trên.

Cũng trong họp báo chiều 27-7, một chuyên gia khác của WHO là Mike Ryan đã kêu gọi các quốc gia nghĩ về chiến lược chống dịch COVID-19. Ông này cho rằng việc các nước cứ đóng cửa biên giới không phải là cách bền vững bởi các nước cần phải phát triển kinh tế.

Indonesia buộc người nước ngoài kẹt lại vì COVID-19 phải rời đi trong 30 ngày Indonesia buộc người nước ngoài kẹt lại vì COVID-19 phải rời đi trong 30 ngày

TTO - Kể từ ngày 13-7, người nước ngoài mắc kẹt ở Indonesia do COVID-19 bắt buộc phải rời khỏi nước này trong vòng 30 ngày theo quy định mới nhất.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên