13/12/2022 15:41 GMT+7

IMF: Nợ toàn cầu vẫn cao hơn nhiều so với mức trước đại dịch

GIA MINH
GIA MINH

TTO - Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết nợ toàn cầu hiện ở mức 235.000 tỉ USD, vẫn còn cao hơn nhiều so với trước đại dịch COVID-19.

IMF: Nợ toàn cầu vẫn cao hơn nhiều so với mức trước đại dịch - Ảnh 1.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết nợ toàn cầu hiện ở mức cao. Trong ảnh là giám đốc phụ trách các vấn đề tài chính của IMF - Vitor Gaspar - Ảnh: REUTERS

IMF cho biết tổng nợ công và nợ tư nhân (nợ toàn cầu) đã giảm 10% xuống còn 247% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu vào năm 2021, từ mức cao nhất là 257% vào năm 2020.

Tính theo đồng USD, nợ toàn cầu tiếp tục tăng đạt mức kỷ lục 235.000 tỉ USD vào năm 2021.

Nếu so với mức nợ toàn cầu chiếm 195% GDP năm 2007 - trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, mức nợ toàn cầu năm 2021 còn quá cao.

Tỉ lệ nợ dự kiến ​​sẽ giảm hơn nữa ở hầu hết các quốc gia vào năm 2022 do tăng trưởng GDP danh nghĩa. Tuy nhiên, năm 2023 sẽ thách thức hơn do dự báo suy giảm kinh tế ở nhiều nền kinh tế và chi phí trả nợ tăng cao, giám đốc phụ trách các vấn đề tài chính của IMF Vitor Gaspar nói.

Người cho vay toàn cầu cho biết nợ tư nhân, bao gồm các nghĩa vụ phi tài chính của doanh nghiệp và hộ gia đình, đã giảm 6% xuống 153% GDP vào năm 2021, dựa theo dữ liệu của 190 quốc gia.

Báo cáo cho biết nợ công năm 2021 giảm 4% xuống còn 96% GDP, là mức giảm lớn nhất trong nhiều thập kỷ.

Động lực nợ rất khác nhau giữa các nhóm quốc gia. Các nền kinh tế tiên tiến chứng kiến ​​mức giảm nợ lớn nhất, với cả nợ công và nợ tư nhân giảm 5% GDP vào năm 2021, tiếp theo là kết quả tương tự ở các thị trường mới nổi, ngoại trừ Trung Quốc.

Tuy nhiên, các quốc gia có thu nhập thấp chứng kiến ​​tổng tỉ lệ nợ của họ tiếp tục tăng vào năm 2021, do nợ tư nhân cao hơn, với tổng nợ lên tới 88% GDP.

Ông Paulo Medas, giám sát tài chính của IMF, cho biết mức nợ ở các nước có thu nhập thấp hiện đang ở mức cao nhất kể từ khi xóa nợ vào những năm 1990 và đầu những năm 2000.

Ngày càng có nhiều lo ngại về khả năng trả nợ của các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, với ước tính khoảng 25% các quốc gia có thị trường mới nổi và hơn 60% các quốc gia có thu nhập thấp đang hoặc sắp lâm vào cảnh túng quẫn vì nợ nần.

IMF: Thách thức lớn nhất với các nước hiện nay là giảm lạm phát IMF: Thách thức lớn nhất với các nước hiện nay là giảm lạm phát

TTO - Ngày 10-11, phát biểu tại một hội nghị ở Washington, Mỹ, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho biết thách thức lớn nhất mà các ngân hàng trung ương phải đối mặt hiện nay là giảm lạm phát.

GIA MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên