Các container của Singapore tại cảng Hải Phòng của Việt Nam - Ảnh: REUTERS
Trong báo cáo công bố ngày 11-10, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng GDP thực của châu Á sẽ đạt 4% trong năm 2022, thấp hơn mức 6,5% của năm 2021. Đây là lần thứ tư trong năm nay tổ chức này giảm kỳ vọng tăng trưởng của châu Á.
Các nền kinh tế châu Á mới nổi sẽ tăng trưởng 4,4% trong năm nay và 4,9% vào năm 2023, giảm lần lượt 0,2 điểm phần trăm và 0,1 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 7.
IMF giải thích việc hạ thấp kỳ vọng tăng trưởng của châu Á là do tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại. Nền kinh tế số 1 châu lục và số 2 thế giới dự kiến đạt tăng trưởng 3,2% trong năm nay so với mức tăng 8,1% vào năm 2021.
Báo cáo của IMF cũng dự đoán GDP thực của nhóm 5 nền kinh tế mới nổi trong ASEAN gồm Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan (ASEAN-5) dự kiến sẽ tăng trưởng 5,3% trong năm nay so với mức 3,4% vào năm 2021.
Tăng trưởng của nhóm này dự kiến chậm lại còn 4,9% vào năm 2023 do nhu cầu yếu hơn ở các đối tác thương mại lớn như Trung Quốc, khu vực đồng euro và Mỹ.
Việt Nam đứng đầu ASEAN-5 với tăng trưởng dự báo đạt 7% trong năm 2022 so với mức 2,6% của năm 2021, nhưng sẽ giảm xuống còn 6,2% trong năm 2023.
Singapore được xếp vào nhóm các nền kinh tế phát triển của châu Á cùng với Nhật Bản, Hàn Quốc. Tăng trưởng của đảo quốc sư tử dự báo lần lượt giảm còn 3% và 2,3% trong năm 2022, 2023. Đây là mức giảm đáng kể so với 7,6% của năm 2021.
Nền kinh tế Nhật Bản sẽ tăng trưởng 1,7% trong năm nay, không thay đổi so với dự báo hồi tháng 7 và 1,6% vào năm 2023, giảm 0,1 điểm phần trăm.
"Một cuộc khủng hoảng nợ ngày càng gia tăng ở các nền kinh tế (mới nổi) sẽ đè nặng lên tăng trưởng toàn cầu và có thể dẫn đến suy thoái toàn cầu", IMF cảnh báo, đồng thời cho rằng việc đồng đôla Mỹ mạnh lên sẽ khiến tình hình thêm trầm trọng.
Báo cáo cũng đề cập đến nguy cơ ngày càng tăng của suy thoái toàn cầu, kêu gọi các nhà hoạch định chính sách chống lạm phát, bảo vệ những người dễ tổn thương nhất trước chi phí sinh hoạt tăng cao, hỗ trợ các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận