Phóng to |
Đồ trang sức bằng vỏ ốc trưng bày trong Bảo tàng Hải dương học ở Ryukyu - Ảnh: Trần Đức Anh Sơn |
Phóng to |
Tháng 10-2010, tôi sang Okinawa (Nhật Bản) dự hội thảo “Nghiên cứu so sánh về tàu thuyền trong thời cận đại ở Lưu Cầu, Việt Nam và Triều Tiên” do Viện Nghiên cứu về tương tác văn hóa (Đại học Kansai) phối hợp với Đại học Ryukyu tổ chức.
Nghiên cứu của các học giả Nhật Bản và Hàn Quốc trình bày tại hội thảo cho thấy các quốc gia này đã có những chính sách nhất quán trong chiến lược khai thác biển và xây dựng nền văn hóa biển trong suốt diễn trình lịch sử của họ. Các chính sách này góp phần tạo nên tâm lý hướng biển, kích thích hoạt động khai thác biển và nuôi dưỡng lòng tự hào về thành tựu chinh phục biển cho các thế hệ người dân Nhật Bản và Hàn Quốc.
Bảo tàng văn hóa biển
Tôi rất thích một chi tiết trong tham luận của tiến sĩ Lee Chul Han thuộc Viện Nghiên cứu quốc gia về văn hóa hải dương ở Mokpo (Hàn Quốc), nói về một loại thuyền cổ của Triều Tiên, gọi là geobukseon (thuyền rùa). Đây là loại thuyền chiến bọc sắt đầu tiên của châu Á do đô đốc Yi Sun Sin của Triều Tiên phát minh, được sử dụng trong những cuộc hải chiến chống lại thủy quân Nhật Bản các năm 1592-1598.
Người Triều Tiên rất tự hào về geobukseon nên ngay từ buổi đầu lập quốc, Chính phủ Hàn Quốc đã in hình của loại thuyền rùa này lên tờ giấy bạc 10 won. Ông Chung Ju Yung, người sáng lập Tập đoàn Hyundai, đã sử dụng hình ảnh chiếc thuyền geobukseon in trên giấy bạc này như một “bảo chứng quốc gia” để vay 80 triệu đôla của Ngân hàng Barclays (Anh) nhằm phát triển công nghiệp đóng tàu của Hyundai và biến Hyundai thành một thương hiệu toàn cầu trong lĩnh vực này.
Người Nhật Bản cũng có những chính sách khôn ngoan trong việc bảo tồn và phát huy nền văn hóa biển ở Okinawa. Trong lịch sử, người Ryukyu coi hải thương và khai thác biển là những nghề chính để mưu sinh. Biển ảnh hưởng toàn diện lên đời sống kinh tế, xã hội và văn hóa của vương quốc Ryukyu. Nền văn hóa biển ấy được người Ryukyu bảo tồn và tiếp nối qua nhiều thế hệ; được tái hiện một cách sống động, thông qua các hiện vật, tư liệu thành văn, phim ảnh và những tổ hợp kiến trúc phục dựng trong các bảo tàng về văn hóa biển ở Okinawa.
Khi đưa chúng tôi đi thăm Bảo tàng Okinawa, hướng dẫn viên của bảo tàng đã mở đầu bài thuyết minh bằng những câu rất ấn tượng: “Một quốc gia biển phải có những bảo tàng về văn hóa biển. Bảo tàng Okinawa là một bảo tàng như thế. Chúng tôi rất tự hào về nền văn hóa biển của vương quốc Ryukyu. Nền văn hóa ấy đang được trưng bày và bảo tồn hiệu quả trong bảo tàng này”.
Nhưng Bảo tàng Okinawa không phải là nơi duy nhất bảo lưu nền văn hóa biển của người Ryukyu. Ở Okinawa còn có Bảo tàng Hải dương học và Bảo tàng Tàu thuyền, là những nơi trưng bày tất cả những gì liên quan đến biển. Đó cũng là những nơi “trình diễn” và tái hiện cách thức người Ryukyu sống chung với biển trong suốt hàng trăm năm qua.
Ông Tetsuya Yasuda, một kiến trúc sư người Ryukyu, nói với tôi: “Người Ryukyu tự hào về truyền thống văn hóa biển của mình. Nền văn hóa ấy thể hiện trong đời sống, trong kiến trúc, trong ngôn ngữ cũng như trong các món ăn. Nền văn hóa ấy được lưu giữ và phát huy giá trị trong các bảo tàng, được thể hiện thông qua hoạt động gìn giữ và bảo tồn những di tích, di sản có liên quan đến biển, đến nghề đi biển và nền văn hóa biển đang hiện hữu ở Okinawa”.
Sống chung với biển
Từ bao đời nay, biển đã đóng vai trò to lớn trong đời sống kinh tế, xã hội và văn hóa Việt Nam. Biển mang lại nguồn sống và in đậm dấu vết trong đời sống văn hóa của nhiều cộng đồng người Việt, nhưng biển cũng tiềm ẩn nhiều tai ương, bất trắc.
Hiện nay biển và văn hóa biển có vai trò mũi nhọn trong lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, đặc biệt là an ninh quốc phòng. Nhà nước chủ trương xây dựng Việt Nam thành một quốc gia biển, nhưng chúng ta chưa có một chính sách đắc dụng và hiệu quả trong việc xây dựng hình ảnh quốc gia biển cho đất nước.
Những chính sách được thực thi trong thời gian qua dường như tập trung đầu tư cho nguồn vốn và kỹ thuật để khai thác biển, mà chưa chú ý đến việc xây dựng và bảo tồn một nền văn hóa biển, liên quan đến tri thức, ứng xử và tâm thế của người Việt với biển. Cả nước chưa có một bảo tàng nào về nghề đi biển và văn hóa biển của người Việt Nam.
Không thể chỉ lưu giữ truyền thống văn hóa biển ở trong ký ức của các cộng đồng cư dân duyên hải, mà phải bảo tồn nền văn hóa ấy trong các bảo tàng quy mô và hiện đại do Nhà nước đầu tư, trong các chính sách phát triển văn hóa do Nhà nước chủ trương. Muốn có một “vị thế đại dương” cho quốc gia, trước hết cần phải bảo tồn nền “văn hóa biển cận duyên” hiện hữu trong cộng đồng nhưng đang đối mặt với nguy cơ mai một.
Những làng chài ven biển ngày một ít dần, nhường chỗ cho những khu nghỉ mát 5 sao. Những chiếc thuyền đánh cá nằm bờ ngày một nhiều bởi những hiểm nguy do thiên tai và nhân tai luôn rình rập trên vùng biển của Tổ quốc. Niềm tự hào về một truyền thống văn hóa biển, về thành tựu khai thác và chinh phục biển của người Việt không được nuôi dưỡng, chăm sóc và trao truyền cho các thế hệ kế cận thì ước vọng về một quốc gia biển sẽ khó thành hiện thực.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận