Các hoạt động ngoại khóa của trường học ở Mỹ đa số đều có hội phụ huynh tham gia hỗ trợ, vừa tiết kiệm chi phí vừa tạo sự gắn kết giữa gia đình với nhà trường - Ảnh: N.T.HẢI
Thời điểm này, các trường phổ thông hoàn tất chương trình, tổ chức kiểm tra học kỳ I, xếp loại đánh giá học lực và hạnh kiểm học sinh.
Có thầy cô chủ nhiệm dịp họp phụ huynh lớp để báo cáo kết quả học kỳ I (hoặc qua sổ liên lạc) là đem học sinh vi phạm kỷ luật, các em có kết quả thấp trong học kỳ I ra... "đấu tố". Học sinh xấu hổ, phụ huynh bức xúc, có phụ huynh lúc tan họp (hay nhận được kết quả qua sổ liên lạc), về nhà là trút đòn roi lên con em mình.
Những học sinh này ở nhà thì bị phụ huynh mắng mỏ, đến lớp thì thầy cô trách cứ, các em tìm đến đâu bây giờ? Game online, Facebook, Zalo,..., ở đó người tốt thì ít nên có em trượt dài, nông nổi... Vì vậy hiệu trưởng nên hướng dẫn giáo viên chủ nhiệm đầy đủ, nhắc nhở họ cẩn trọng, khi thật cần thiết mới khéo léo trao đổi riêng với từng phụ huynh, khen hay chê học sinh cũng ngọt ngào.
Cũng có thầy cô dùng điểm kém, xếp loại hạnh kiểm trung bình, yếu để phạt học sinh vi phạm nội quy trường, lớp. Cách làm này thật ra là bạo lực tinh thần, phi sư phạm. Hiệu trưởng quán triệt đầy đủ, cùng với thầy cô chỉ cho học sinh những mặt cần cố gắng, luôn động viên, đặt niềm tin vào các em (dù chỉ là những cố gắng nhỏ).
Thay cho lời phê gay gắt là nhận xét nhẹ nhàng, sâu lắng, mở cho học sinh hướng đi đúng trong học kỳ II. Giáo viên chủ nhiệm trao đổi với học sinh trong lớp, với thầy cô bộ môn, thầy cô phụ trách đoàn – đội để thống nhất xếp loại hạnh kiểm, khen thưởng học sinh. Thật khéo léo để học sinh dù ở kết quả nào cũng không tự mãn hay mặc cảm. Thầy cô hãy là chỗ dựa, là người học sinh đặt trọn niềm tin.
Được vậy, lúc khó khăn các em tìm đến với thầy cô (thay cho tìm đến thủ lĩnh trên mạng xã hội hay ngoài đời).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận