10/06/2023 09:11 GMT+7

Hơn 90% giao dịch ngân hàng thực hiện online

Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện nay nhiều ngân hàng đã số hóa toàn diện với 90% giao dịch được thực hiện trên kênh số.

Hơn 90% giao dịch ngân hàng thực hiện online - Ảnh 1.

Chị Tú Uyên làm thẻ ACB tại mô hình ngân hàng tự động ACB lite ở quận 7, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nhiều ngân hàng cho biết đang tiếp tục đẩy mạnh số hóa và dữ liệu để am hiểu khách hàng hơn.

Từ mở thẻ ngân hàng đến cho vay và vay đều online

Đại diện HDBank cho biết hiện nay các kênh mở tài khoản mới tại quầy hay trên app gần như đã số hóa. Các tính năng giao dịch tài chính cơ bản và thường nhật cho khách hàng được số hóa trên ứng dụng eBanking. Các chatbot và voicebot cũng áp dụng cho các kênh tư vấn, trả lời khách hàng ở một số dịch vụ về thẻ và vay.

Bên cạnh đó, HDBank đã và đang triển khai nhiều giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt nhằm nâng cao tiện ích, trải nghiệm cho khách hàng. Một trong những bước đi mạnh mẽ là hợp tác chiến lược giữa HDBank và Petrolimex thông qua việc lắp đặt trên 5.000 POS tại hệ thống cây xăng của Petrolimex trên toàn quốc.

Trong năm 2022, doanh số thanh toán qua POS của ngân hàng này đạt 20.555 tỉ đồng, tăng 9.555 tỉ đồng, tương đương 90% so với 2021. Doanh số thanh toán qua QR code đạt 10.235 tỉ đồng, tăng 10 lần so với 2021. Số lượng thẻ kích hoạt tăng mới năm 2022 đạt 222.385 thẻ, tăng trưởng gấp 4 lần so với 2021. Doanh số giao dịch thẻ tín dụng năm 2022 đạt 19.325 tỉ đồng, tăng 4 lần so với 2021.

Theo ông Đỗ Quang Vinh - phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm phó tổng giám đốc ngân hàng SHB, ngân hàng luôn nỗ lực cung cấp những sản phẩm, dịch vụ để thúc đẩy giao dịch trên kênh số. Trên hệ thống hiện tại (SHB Mobile và SHB Online), ngân hàng vẫn liên tục cho ra mắt nhiều sản phẩm tài chính mới như vay cầm cố sổ tiết kiệm online, VietQR code, thấu chi online...

"Riêng đối với sản phẩm thấu chi online mang đến cho khách hàng trải nghiệm "zero" hồ sơ, thủ tục và chỉ sau hai phút là đã có hạn mức thấu chi để chi tiêu. Đây là sản phẩm mũi nhọn mà SHB sẽ tiếp tục nghiên cứu, nâng cấp trong thời gian tới", ông Vinh cho hay.

Không chỉ vậy, SHB còn tiếp tục mở rộng liên kết trong và ngoài hệ sinh thái như kết nối với hơn 70 nhà cung cấp bán lẻ và dịch vụ như điện, nước... mang đến những lựa chọn đa dạng và đáp ứng nhanh nhất nhu cầu tài chính của khách hàng.

Số hóa dữ liệu để hiểu khách hàng hơn

Ông Phùng Quang Hưng, phó tổng giám đốc Techcombank, cho biết ngân hàng đã, đang và tiếp tục đẩy mạnh số hóa và dữ liệu xuất sắc để am hiểu khách hàng hơn.

Techcombank mới đây đã công bố hợp tác cùng Adobe, công ty hàng đầu thế giới về cung cấp nền tảng công nghệ xuyên suốt hành trình trải nghiệm cá nhân hóa cho khách hàng, trên tất cả các nền tảng trực tiếp và trực tuyến.

Đến nay, hơn 90% các giao dịch của khách hàng Techcombank được thực hiện qua kênh số. Số lượng khách hàng mới đến với kênh số của Techcombank năm 2022 tăng trưởng tới 40% so với năm 2021, với tỉ lệ gắn bó với ứng dụng đạt đến 88%.

Riêng trong quý 1, Techcombank đã thu hút thêm khoảng 424.000 khách hàng mới, trong đó 68% đến từ những nền tảng số. Cùng với đó, số lượng thẻ tín dụng mở mới trong năm qua tăng 47,7% và các giao dịch thanh toán qua thẻ tăng 40,6%. Nhờ vậy, giá trị và giao dịch qua thẻ của Techcombank chiếm thị phần cao nhất trên thị trường thẻ Việt Nam.

Đối với khách hàng doanh nghiệp, tính tới tháng 4 vừa qua, tỉ lệ chuyển đổi khách hàng đối với các khách hàng doanh nghiệp tự thực hiện mở tài khoản online toàn diện đã tăng 7 lần so với thời điểm tháng 1. Techcombank đã triển khai các giải pháp tín dụng tín chấp, không cần tài sản đảm bảo, trên cơ sở phê duyệt trước và thực hiện hoàn toàn trên nền tảng ngân hàng số Techcombank Business.

Để thúc đẩy hơn nữa hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian tới, ông Phạm Anh Tuấn, vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), nói rằng hành lang pháp lý về lĩnh vực thanh toán tiếp tục được hoàn thiện. Chính sách sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển và sử dụng các phương tiện, dịch vụ thanh toán mới.

"Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách, thúc đẩy thanh toán không tiền mặt. Trước mắt tập trung vào việc hoàn thiện, trình Chính phủ nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt và các văn bản hướng dẫn nghị định 101, nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng.

Đồng thời ngân hàng Nhà nước chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước về ứng dụng, chia sẻ dữ liệu trong hoạt động ngân hàng", ông Tuấn nói.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng cường phối hợp Bộ Công an và các cơ quan liên quan trong quá trình nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách và thực hiện công tác bảo đảm an toàn, an ninh. Đồng thời thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, khai thác hiệu quả dữ liệu trong thiết kế, phát triển và cung ứng sản phẩm, dịch vụ tiện ích phù hợp với nhu cầu, hành vi của từng nhóm đối tượng khách hàng.

Đi cùng với đó là công tác đảm bảo an ninh an toàn và bảo mật thông tin khách hàng, tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin trong ngành ngân hàng; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng.

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa ra mắt mô hình ngân hàng tự động với thương hiệu ACB lite - Sống gọn nhẹ. Đây sẽ là chuỗi ngân hàng tự động tập trung vào giới trẻ thành thị, nhân viên văn phòng và các nhà khởi nghiệp, phục vụ 24/7 giúp các khách hàng chủ động trong việc sắp xếp thời gian giao dịch mà không bị trở ngại về thời gian hành chính như mô hình truyền thống.

Bên cạnh các chức năng như ATM truyền thống, tại ngân hàng tự động ACB lite, khách hàng được tự trải nghiệm các dịch vụ như dùng eKYC và video call để mở tài khoản thanh toán với hạn mức không giới hạn, in cấp nhanh thẻ Visa Debit tại chỗ và đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử ACB ONE với một lần chạm bằng các bước xác thực hoàn toàn tự động.

Hướng tới thanh toán không tiền mặt xuyên quốc giaHướng tới thanh toán không tiền mặt xuyên quốc gia

NAPAS đã hợp tác với Thái Lan thanh toán qua mã QR, năm nay có thể thêm Campuchia và sẽ tiếp tục mở rộng, để người Việt có thể thanh toán không tiền mặt ở nước ngoài.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên