02/06/2022 07:58 GMT+7

Hơn 3 tháng chiến cuộc Nga - Ukraine vẫn giằng co, giải pháp nào cho đình chiến?

ThS TRẦN PHẠM SĨ NGUYÊN
ThS TRẦN PHẠM SĨ NGUYÊN

TTO - Đã hơn 3 tháng trôi qua kể từ khi Nga mở "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine, cả Matxcơva và Kiev đều không giành được những lợi thế mang tính quyết định nhằm kết thúc chiến sự theo mong muốn của mỗi bên.

Hơn 3 tháng chiến cuộc Nga - Ukraine vẫn giằng co, giải pháp nào cho đình chiến? - Ảnh 1.

Một xe tăng của quân đội Nga tại Ukraine - Ảnh: TASS

Theo một số quan điểm trong giới quan sát, Nga không đủ lực để kiểm soát hoàn toàn lãnh thổ Ukraine mà chỉ có thể gia cố, duy trì sự hiện diện tại các vùng lãnh thổ đã nằm dưới quyền kiểm soát của họ bao gồm bán đảo Crimea. Về phần Ukraine, Kiev hầu như không thể giành lại những khu vực đã mất bất chấp viện trợ quân sự ồ ạt từ Mỹ và các nước châu Âu thuộc NATO đã và đang đổ về. Điều khả thi nhất với Kiev lúc này là giữ vững vị trí trên chiến trường, ngăn chặn bước tiến của Nga, từ đó bảo toàn những phần lãnh thổ vẫn đang kiểm soát.

Bài học từ quá khứ

Nếu cả Matxcơva và Kiev đều nhận thức rõ ràng về tình hình chiến cuộc, đường đến bàn đàm phán để kết thúc chiến tranh hẳn sẽ được thúc đẩy và cũng bớt gian nan hơn. Vấn đề lớn nhất cản trở đối thoại hòa bình giữa hai bên có lẽ là việc Kiev thẳng thừng phủ nhận yêu sách của Matxcơva về việc phải từ bỏ chủ quyền đối với các vùng lãnh thổ nằm dưới quyền kiểm soát của Matxcơva bao gồm bán đảo Crimea. Trong khi đó, Matxcơva kiên quyết từ chối yêu cầu của Kiev là rút quân về các vị trí trước khi chiến tranh nổ ra. Như vậy, kịch bản cho việc chấm dứt chiến tranh ở Ukraine sẽ là điều rất đáng quan tâm khi cả Nga và Ukraine vẫn còn bất đồng sâu sắc.

Nhìn lại lịch sử thế giới, cuộc chiến trên bán đảo Triều Tiên nổ ra từ tháng 6-1950 và kéo dài đến năm 1953 mới chính thức kết thúc với hiệp định đình chiến ký kết giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên. Theo đó, một ủy ban giám sát với đại diện từ các quốc gia trung lập quyết định số phận của hàng nghìn tù binh bị hai phe bắt giữ. Hai bên cũng nhất trí chấm dứt mọi hành động thù địch công khai và rút lực lượng quân sự lùi sâu 2 cây số từ vị trí mình đang kiểm soát, tạo ra một khu phi quân sự có bề rộng 4 cây số dọc đường biên giới mới phân chia hai miền.

Như vậy, về mặt kỹ thuật, hai miền Triều Tiên (hiện nay là 2 quốc gia độc lập Hàn Quốc, Triều Tiên) vẫn ở trong tình trạng chiến tranh, tuy nhiên với thỏa thuận thiết lập khu phi quân sự có sự giám sát của Liên Hiệp Quốc cùng với việc quân đội Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc trên thực tế đã giúp duy trì tình trạng hòa bình trên bán đảo Triều Tiên cho tới hôm nay.

Phụ thuộc vào ý chí chính trị

Thay vì chấm dứt chiến tranh bằng một hiệp ước hòa bình (peace accord) với các điều kiện tiên quyết, nên chăng cả Matxcơva và Kiev có thể ký kết một thỏa thuận đình chiến (ceasefire agreement) mà không kèm theo bất cứ ràng buộc nào?

Theo đó, cả Matxcơva và Kiev sẽ cùng tuyên bố dừng các hoạt động quân sự công khai, thống nhất tạo một khu phi quân sự phân chia các vùng kiểm soát của hai bên. Một ủy ban do Liên Hiệp Quốc phụ trách sẽ chịu trách nhiệm giám sát việc thực thi thỏa thuận và một ủy ban khác với đại diện từ các quốc gia trung lập cũng sẽ được thiết lập nhằm quyết định số phận của hàng nghìn tù binh bị hai phe bắt giữ trên cơ sở các tù binh được lựa chọn ở lại hoặc quay về quê hương.

Với một thỏa thuận đình chiến, Ukraine vẫn có thể tuyên bố chủ quyền ở những khu vực bị Nga chiếm đóng và Nga cũng không phải rút quân khỏi các vị trí mà nước này đang kiểm soát, vô hình trung cả Nga và Ukraine đều không bị xem là chiến bại khi đều không phải nhượng bộ đối phương, bảo đảm giữ vững được hiện trạng mà không tạo thêm lợi thế cho đối phương hay đẩy bản thân vào thế bất lợi.

Bên cạnh đó, với sự giám sát của Liên Hiệp Quốc, khả năng chiến sự tái diễn cũng sẽ giảm thiểu, tạo thêm lòng tin chiến lược cho các bên hữu quan.

Việc chấm dứt chiến tranh phụ thuộc rất lớn vào ý chí chính trị của chính quyền hai nước Nga và Ukraine. Cả Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nên thật sự cầu thị, nhìn nhận thẳng thắn vào khả năng của mình trong việc chấm dứt chiến tranh, tái lập hòa bình, mở đường cho cuộc sống bình thường trở lại với người dân Ukraine.

Đức cung cấp hệ thống phòng không IRIS-T cho Ukraine Đức cung cấp hệ thống phòng không IRIS-T cho Ukraine

TTO - Đức sẽ cung cấp cho Ukraine hệ thống phòng không IRIS-T, theo đề nghị của Ukraine và các đảng đối lập của Đức về việc đẩy mạnh giao vũ khí hạng nặng.

ThS TRẦN PHẠM SĨ NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên