Lực lượng chức năng điều phối giao thông và yêu cầu người dân khai báo y tế vào chiều 12-6 tại chốt trạm Phan Văn Trị, quận Gò Vấp - Ảnh: NHẬT THỊNH
Ngày 13-6, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cùng đại diện các sở ngành đã làm việc với quận Gò Vấp để đánh giá tình hình dịch sau thời gian giãn cách.
Số ca mắc ở Gò Vấp giảm
Tại cuộc họp, phó chủ tịch UBND quận Gò Vấp Đỗ Anh Khang cho biết số điểm phong tỏa tại quận này giảm theo ngày, cao nhất là ngày 9-6, phong tỏa 49 điểm, đến ngày 12-6 còn 31 điểm. Tốc độ nhiễm COVID-19 ở quận Gò Vấp cũng chậm lại. Ngày 31-5, tỉ lệ nhiễm của quận Gò Vấp so với toàn TP là 3,9%. Tỉ lệ này đạt cao nhất là ngày 4-6 với 34,6% và đến ngày 10-6 giảm còn 3,2%.
Mặt khác, sau 12 ngày áp dụng giãn cách xã hội theo chỉ thị 16, phần lớn số ca bệnh ở quận Gò Vấp mới phát hiện chủ yếu trong khu cách ly hoặc khu phong tỏa. Các chuỗi lây nhiễm liên quan đến ổ dịch điểm nhóm truyền giáo Phục hưng đã được kiểm soát.
UBND quận Gò Vấp kiến nghị UBND TP dừng thực hiện chỉ thị 16 hoặc tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh trên địa bàn quận và TP cho hết 15 ngày giãn cách rồi mới quyết định.
Trao đổi tại cuộc họp, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đánh giá tình hình dịch ở Gò Vấp không còn khác biệt nhiều so với tình hình chung toàn TP.HCM. Hôm nay, trên cơ sở cân đối tình hình toàn địa bàn, TP.HCM sẽ quyết định có tiếp tục giãn cách xã hội đối với toàn TP và quận Gò Vấp nữa hay không.
Ông Đức cũng cho phép quận Gò Vấp có thể nới các biện pháp phòng chống dịch trên diện rộng, nhưng phải siết chặt những nơi có ổ dịch, nguy cơ cao, vùng cách ly, phong tỏa để làm sao thu hẹp dần những khu vực này.
Cũng theo ông Đức, hiện nay ngoài nguy cơ từ các bệnh nhân đến khám tại các cơ sở y tế, nguy cơ lây lan dịch còn đến từ tự thân các nhân viên y tế trong quá trình tiếp xúc ngoài giờ làm việc. Do vậy ông yêu cầu các nhân viên tại các cơ sở, trung tâm y tế, phòng khám, đặc biệt các bác sĩ duy trì phòng khám tư phải cảnh giác cao độ, ý thức cao nhất trong việc giữ gìn bản thân không bị lây nhiễm.
Khi có yếu tố nghi ngờ, những người làm việc trong lực lượng y tế, lực lượng tuyến đầu chống dịch như công an, quân đội... phải sớm tiếp cận khai báo, đề nghị kiểm tra sớm nhằm ngăn chặn, hạn chế lây nhiễm.
Dân mong nới giãn cách diện rộng
Trong khi TP.HCM họp quyết việc có tiếp tục thời gian giãn cách hay không, người dân trên địa bàn Gò Vấp nêu mong muốn sẽ nới rộng việc giãn cách này trên toàn địa bàn quận nhưng phải siết chặt hơn nữa những khu vực trọng điểm để công tác phòng chống dịch hiệu quả hơn.
Anh H.D. (ngụ quận Gò Vấp) bày tỏ: "Những ngày qua, tôi theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh COVID-19, việc tiếp tục giãn cách là cần thiết lúc này. Nhưng chúng ta có thể thu hẹp lại địa bàn giãn cách tại quận Gò Vấp, siết chặt các khu vực, phường trọng điểm.
"Trong thời gian giãn cách, tôi thấy những người có gánh nặng về tài chính, về vay tiền ngân hàng - thuế, những người chủ doanh nghiệp, những người sản xuất thì bị thiệt hại kinh tế rất nặng nề, đặc biệt là những hộ nghèo là người dễ tổn thương nhất. Họ chưa nhiễm bệnh nhưng có thể sẽ khổ sở vì khó khăn về mặt kinh tế. Cho nên giờ họ mong nới giãn cách để mưu sinh" - anh H.D. chia sẻ.
Tuy nhiên anh H.D. cũng cho rằng nếu bỏ giãn cách, kinh tế phục hồi mà dịch bùng mạnh lên, chắc chắn sẽ không còn cơ hội tốt hơn để ngăn chặn được dịch. Vì vậy theo anh D., người dân có thể "cầm cự" thêm 2 tuần nữa để hạn chế tối đa các tác động của dịch bệnh. Tuy nhiên, giãn cách tiếp theo như thế nào thì cần tính toán tới phương án hỗ trợ người dân, đặc biệt những trường hợp khó khăn, yếu thế.
Chị Phạm Thị Ly, hiện đang sống trong khu cách ly tạm thời - hẻm 347 Lê Văn Thọ, phường 9, quận Gò Vấp, cũng chia sẻ: "Đến thời điểm hiện tại tôi đã 2 lần được xét nghiệm COVID-19. Theo cơ quan chức năng, nếu tình hình ổn người dân khu tôi có kết quả âm tính thì sẽ được dỡ rào chắn cách ly trong nay mai.
Thời gian này tuy có ảnh hưởng rất nhiều về mặt kinh tế, nhưng qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi thấy tình hình dịch bệnh những ngày qua rất phức tạp. Do đó việc thực hiện giãn cách xã hội là cần thiết nhưng nên tập trung tại một số địa điểm có ca bệnh, phạm vi hẻm, phường không nên cô lập tuyệt đối, quy mô quận hay toàn TP".
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận