15/03/2019 12:33 GMT+7

Hồi ức ngày 14-3 - Kỳ cuối: Những con tàu ở Trường Sa năm 1988

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Do nhiệm vụ rất cấp bách và ta không có nhiều tàu thuyền nên Quân chủng Hải quân phải huy động tất cả các loại tàu và tận dụng cả những tàu bị hỏng, sửa chữa để đưa ra đảo bảo vệ chủ quyền khi Trung Quốc lộ rõ ý đồ với các đảo ở Trường Sa.

Hồi ức ngày 14-3 - Kỳ cuối: Những con tàu ở Trường Sa năm 1988 - Ảnh 1.

Tàu HQ 709 - Ảnh: NVCC

Có một câu chuyện chưa từng được kể về tàu HQ 709 (Hải đoàn 128).

HQ 709 là tàu đánh cá, ngừng hoạt động và nằm bờ suốt một năm vì đã sử dụng quá niên hạn cho phép, đang chờ thanh lý.

Nhưng trong thời điểm đầu năm 1988, trước ý đồ lộ rõ của Trung Quốc với các đảo ở Trường Sa, vì thiếu tàu nên Quân chủng Hải quân đã ra lệnh khẩn cấp hồi sinh con tàu "già cả" ấy để đưa ra Trường Sa làm nhiệm vụ.

Toàn bộ thủy thủ tàu vốn đã phân tán đi các nơi được lệnh tập hợp lại trong thời gian sớm nhất!

Sau 15 ngày đêm gấp rút sửa chữa và khôi phục, con tàu đã xuất phát ra Trường Sa. Đi trong tình trạng đó, con tàu và êkip thủy thủ chấp nhận nguy hiểm để thực hiện sứ mệnh của mình.

Việc đi trên một con tàu già yếu vừa “sống lại” sau 15 ngày đêm, vượt hàng trăm hải lý sóng gió để ra Trường Sa với trang thiết bị hàng hải thô sơ là hành động liều mình quả cảm.

Thượng tá DƯ VĂN NAM

15 ngày đêm với tàu HQ 709

Thượng tá Dư Văn Nam (nguyên chỉ huy tàu HQ 709) cho biết tàu 709 là loại tàu nhỏ, tải trọng chỉ 200 tấn, dùng để đánh bắt cá. Tàu do Trung Quốc đóng ở Quảng Châu. Khi về Việt Nam, tàu được biên chế về Hải đoàn 128 (Hải Phòng) làm nhiệm vụ đánh bắt cá phục vụ đời sống cho bộ đội, vừa sản xuất vừa bảo vệ chủ quyền.

"Bộ đội mình hay gọi đây là tàu vỏ dưa vì đáy tròn như quả dưa. Đáy tàu hình dáng thiết kế như thế nên độ ổn định rất kém, rất lắc, cứ tròng trành suốt ngày đêm. Đi tàu này thì say sóng thôi rồi" - thượng tá Nam nói.

Ở thời điểm 31 năm trước, thiếu úy Dư Văn Nam mới tốt nghiệp Trường Sĩ quan chỉ huy - kỹ thuật hải quân (sau này là Học viện Hải quân). Vừa ra trường, anh về tàu HQ 709 làm thuyền phó 1.

Thiếu úy Dư Văn Nam là sĩ quan chỉ huy trẻ nhất tàu. Đó là thời điểm tàu 709 vừa được tăng cường cho Vùng 4 hải quân (trong kíp tàu ban đầu, thuyền trưởng là đại úy Phạm Bờ, 38 tuổi. Đến đầu tháng 3-1988, thuyền phó 1 Dư Văn Nam được bổ nhiệm thuyền trưởng tàu 709).

Để hồi sinh tàu 709 trong thời gian sớm nhất, những người thợ giỏi nhất, có kinh nghiệm nhất của Hải đoàn 128 và các thợ cơ khí, thợ máy kỳ cựu của Vùng 4 Hải quân đã được huy động, làm ngày làm đêm để sửa chữa, khôi phục con tàu già nua, cũ kỹ.

"Thân tàu cũ đến mức gõ búa vào nghe bùng bùng! Lệnh trên chỉ đạo phải làm sao hoàn thành sửa chữa tàu 709 trong thời gian nhanh nhất. Chúng tôi không có khái niệm ngày đêm gì nữa để máy móc sống lại. Tàu 709 chạy bằng máy thủy động cơ bốn kỳ.

Đây là bộ phận khó khôi phục nhất do đã sử dụng lâu ngày, tuổi thọ đã hết, đã trải qua nhiều lần sửa chữa trung tu, đại tu, máy móc rệu rạo. Cuối cùng, nhờ sự quyết tâm suốt 15 ngày đêm, con tàu sống lại" - thượng tá Dư Văn Nam kể.

Hồi ức ngày 14-3 - Kỳ cuối: Những con tàu ở Trường Sa năm 1988 - Ảnh 3.

Thượng tá Dư Văn Nam - Ảnh: MY LĂNG

Ra khơi làm nhiệm vụ CQ-88

Sau khi được "cấp cứu", tàu 709 xuất phát ra Trường Sa ngay, không một ngày chạy thử! Thượng tá Dư Văn Nam kể: "Trước khi đi, đơn vị làm bữa cơm chúc anh em hoàn thành nhiệm vụ. Hải đoàn trưởng, chính trị viên hải đoàn xuống trực tiếp giao nhiệm vụ, gặp gỡ động viên thủy thủ đoàn.

Lúc đó chúng tôi chỉ biết đi làm nhiệm vụ chứ không biết đó là nhiệm vụ CQ-88 (chiến dịch chủ quyền năm 1988). Việc đi trên một con tàu già yếu vừa "sống lại" sau 15 ngày đêm, vượt hàng trăm hải lý sóng gió để ra Trường Sa với trang thiết bị hàng hải thô sơ là hành động liều mình quả cảm".

Tàu xuất phát từ quân cảng Cam Ranh. Khi ấy đang là gió mùa đông bắc. "Gió mùa đông bắc nên tàu vỏ dưa lắc quá trời, cứ tròng trành liên tục ngày đêm. Nhiều thủy thủ say sóng. Trên khoang lái, anh em để cái xô một bên, vừa lái tàu vừa nôn" - thượng tá Nam kể lại.

Sau một thời gian trực ở Đá Lớn, HQ 709 được lệnh sang Đá Đông, Đá Tây, Cô Lin, Len Đao... "Khi xảy ra sự kiện Gạc Ma đẫm máu ngày 14-3-1988, chúng tôi không biết được do việc liên lạc thông tin khó khăn, hạn chế và bí mật.

Sau đó tàu HQ 709 tiếp tục làm nhiệm vụ trực chiến tại khu vực những điểm nóng như đảo Đá Tây, Đá Lớn... để tuần tra, kiểm tra, tham gia cấp cứu"...

Tình trạng thiếu tàu

Thượng tá Dư Văn Nam cho biết: "Do lúc đó nhiệm vụ rất cấp bách và ta không có nhiều tàu thuyền nên Quân chủng Hải quân phải huy động tất cả các loại tàu và tận dụng cả những tàu bị hỏng, sửa chữa để đưa ra đảo bảo vệ chủ quyền.

Cái chính là có sự hiện diện của tàu mình để khẳng định chủ quyền. Chúng ta dùng tàu vận tải để chở công binh và vật liệu ra đảo chứ không có tàu chiến đi cùng ra bảo vệ. Lúc đó tàu chiến mình cũng có nhưng ít và thời điểm đó mà đưa tàu chiến ra đảo thì rất nhạy cảm".

Đầu năm 1988, Quân chủng Hải quân huy động tối đa lực lượng, phương tiện tàu thuyền, khí tài, cơ sở vật chất của lữ đoàn 146 và lữ đoàn 125, các trung đoàn công binh 83, 131 và 800 cán bộ, học viên Trường Sĩ quan chỉ huy - kỹ thuật hải quân cho nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa (chiến dịch CQ-88).

Có khoảng 14 tàu đã được Quân chủng Hải quân huy động cho chiến dịch CQ-88. Ngoài các tàu vận tải, Quân chủng Hải quân huy động cả tàu vận tải đổ bộ, tàu chở nước chi viện cho các đảo, thậm chí cả tàu đánh cá, tàu cứu hộ... và hai pôngtông.

Hồi ức ngày 14-3 - Kỳ cuối: Những con tàu ở Trường Sa năm 1988 - Ảnh 4.

Đáy tàu và chân vịt gỉ sét của tàu HQ 709 trước khi được “cấp cứu” để đưa ra Trường Sa - Ảnh: MY LĂNG chụp lại

Nhiệm vụ những con tàu

Theo sách sử của Quân chủng Hải quân, tàu HQ 851 của Vùng 3 và HQ 614 của Vùng 4 chốt giữ, bảo vệ bãi đá Châu Viên. Tàu vận tải HQ 611, HQ 712 chở lực lượng công binh và bộ đội của lữ đoàn 146 làm nhà cấp 3 trên bãi Đá Lát.

Ở hướng bãi Đá Lớn, lữ đoàn 125 điều tàu HQ 505 (tàu vận tải đổ bộ) kéo tàu HQ 556 cùng bộ phận làm nhà cao chân đóng giữ bãi Đá Lớn.

Cùng thời gian này, tàu cứu hộ Đại Lãnh của Công ty Trục vớt cứu hộ Sài Gòn kéo tàu HQ 582 và pôngtông Đ02 đi Đá Lớn, xây dựng thế trận phòng thủ bảo vệ đảo này.

Tại Đá Đông, tàu HQ 661 chở lực lượng ra cắm cờ và tàu vận tải HQ 605 chở vật liệu, bộ đội cùng công binh ra chốt giữ đảo. Các tàu vận tải HQ 605, HQ 604 (là tàu vận tải 400 tấn) làm nhiệm vụ bảo vệ vòng ngoài ở bãi Đá Đông.

Sau đó, lữ đoàn 125 đưa tàu HQ 965 kéo pôngtông 7 ra neo giữ tại bãi đá Tốc Tan... Trong ngày 13-3-1988, tàu vận tải HQ 605 đến chốt giữ Len Đao, tàu vận tải HQ 604 giữ Gạc Ma, còn tàu vận tải đổ bộ HQ 505 thì giữ bãi cạn Cô Lin.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên