28/11/2020 08:52 GMT+7

Hội đồng trường 'hồn Trương Ba, da hàng thịt'

VĨNH HÀ - NGỌC DIỆP
VĨNH HÀ - NGỌC DIỆP

TTO - Đó là ví von đáng chú ý của đại biểu dự hội thảo 'Giáo dục Việt Nam 2020: Tự chủ trong giáo dục đại học - Từ chính sách đến thực tiễn', do Ủy ban Văn hóa giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức ngày 27-11.

Hội đồng trường hồn Trương Ba, da hàng thịt - Ảnh 1.

Sinh viên thực hành thí nghiệm tại khoa kỹ thuật vi sinh Trường đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP.HCM), một trong những trường tự chủ trong giáo dục đại học - Ảnh: TỰ TRUNG

Nhiều đại biểu cũng nhấn mạnh điểm yếu của các cơ sở đại học (ĐH) là lúng túng và chưa thoát được tâm lý chờ xin - cho dù đã được "bật đèn xanh" thực hiện tự chủ.

Chưa có thực quyền

Tại hội thảo, nhiều ý kiến đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của hội đồng trường trong việc thực hiện tự chủ ĐH. Ông Hoàng Minh Sơn, thứ trưởng Bộ GD-ĐT, đưa ra những con số khả quan là 86/175 cơ sở ĐH công lập đã thành lập và kiện toàn hội đồng trường. 

Ở góc nhìn của cơ quan giám sát của Quốc hội, ông Nguyễn Tất Thắng - phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - đưa ra nhận định của ủy ban khi giám sát thực tiễn triển khai tự chủ ĐH: thiết chế hội đồng trường của nhiều cơ sở giáo dục ĐH vẫn còn mang nặng tính hình thức, không hiệu quả vì chưa có sự phân chia mạch lạc, rõ ràng vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của hội đồng trường trong quan hệ với bên ngoài và nội bộ trường, trong quan hệ với hiệu trưởng, với các tổ chức đoàn thể, chính trị khác.

Trao đổi tại hội thảo, TS Mai Văn Tỉnh - nguyên chuyên viên cao cấp của Bộ GD-ĐT - cho rằng mặc dù đã quy định trong luật nhưng thực tế vai trò, nhiệm vụ của hội đồng trường trong các cơ sở giáo dục ĐH tự chủ vẫn chưa rõ ràng. 

Ông ví von hội đồng trường giống như "hồn Trương Ba, da hàng thịt" và cho rằng một trong những nguyên do dẫn tới lúng túng của các trường là do việc xây dựng luật chưa thực sự đứng trên góc độ của các trường. 

Và nếu việc thực thi không mang tính thực chất, minh bạch, không ai đảm bảo hội đồng trường làm tốt yêu cầu giải trình xã hội. Bởi nếu hội đồng trường mà đa số thành viên là người của trường vẫn sẽ chỉ đứng về lợi ích của trường, không phải vì người học.

GS.TS Trần Đức Viên, giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, nhận xét với các trường có hội đồng trường được thành lập do một sức ép hành chính nào đó để đối phó, khi đó hội đồng trường chưa đủ mạnh, chưa có thực quyền, chỉ là một thiết chế hữu danh vô thực. 

"Hội đồng trường đang thiếu không gian để hoạt động vì không được trao quyền lực thật sự. Nếu không giải quyết được khúc mắc này, hội đồng trường sẽ mãi chỉ mang tính biểu tượng thôi" - ông Trần Đức Viên nói.

Quyến luyến "chủ quản" và chờ "xin cho"

Theo GS.TS Trần Đức Viên, cho tới nay 2 lĩnh vực quyết định quan trọng nhất trong hoạt động của trường ĐH là tài chính và nhân sự chủ chốt của trường ĐH trực thuộc vẫn nằm trong tay bộ chủ quản. 

Cụ thể là kinh phí hằng năm cho trường ĐH do bộ chủ quản phân phối theo cơ chế cấp phát còn đậm chất xin - cho. Nhân sự trường ĐH, trong đó có hiệu trưởng và hiệu phó, do bộ chủ quản và đảng ủy khối duyệt quy hoạch, phê chuẩn kết quả bầu và miễn nhiệm.

"Trường ĐH trên thực tế không có quyền tự quyết định thực sự đối với nhiều vấn đề thuộc về cơ sở giáo dục theo luật định. Như một quán tính có từ thời bao cấp, nếu cơ quan chủ quản vẫn "vô tư" can thiệp vào việc tác nghiệp thường ngày của nhà trường, điều đó sẽ hạn chế sự sáng tạo của cơ sở giáo dục, tạo ra sự ỷ lại vào cấp trên, sinh ra sự trì trệ của cả hệ thống" - ông Viên trao đổi.

Nhưng cũng có lý do khác từ chính các trường ĐH khi đã được giao tự chủ mà không dám tự chủ, vẫn tâm lý chờ hướng dẫn, cầm tay chỉ việc, chờ xin - cho. 

Theo bà Vũ Thị Lan Anh, phó hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội, luật đã có thì các trường cần vận dụng quyền tự chủ để xây dựng cơ chế cụ thể của riêng mình. Cái gì không cấm thì có nghĩa trường được phép xây dựng quy định riêng của mình. Nhưng nhiều cơ sở quá lệ thuộc vào việc phải có hướng dẫn. Thực hiện tự chủ để bỏ cơ chế xin - cho nhưng vẫn không thay đổi được tâm lý chờ xin - cho.

Đầu tư quá thấp

Ông Christophe Lemiere, quản lý Chương trình phát triển con người (Ngân hàng Thế giới) tại Việt Nam, đánh giá quản trị giáo dục ĐH ở Việt Nam rời rạc trên nhiều bình diện, có nhiều khoảng cách giữa chính sách và thực thi, các cơ chế giải trình chưa hoàn thiện, các kết nối giữa cơ sở đào tạo và thị trường hạn chế, quản lý nhân sự học thuật bất cập.

Giáo dục ĐH ở Việt Nam có tỉ lệ huy động nguồn lực công thấp và quá phụ thuộc vào học phí dẫn đến không bền vững. Hiện nay nguồn thu của các cơ sở giáo dục ĐH có 80% đến từ học phí, còn thu từ nghiên cứu và các nguồn thu nhập khác rất thấp, trong bối cảnh nguồn thu từ ngân sách nhà nước giảm mạnh. Ngoài ra, việc phân bổ nguồn lực công của Việt Nam cho giáo dục chỉ tầm hơn 5% GDP, rất thấp so với các nước châu Á (trong đó chỉ dành 0,33% cho giáo dục ĐH).

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam:

Tự chủ đại học phải đi từ chuyên môn

nguyen duc dam

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam

Tự chủ ĐH không chỉ là tự chủ tài chính mà là tự chủ chuyên môn. Quá trình thay đổi nhận thức cũng mất 10 năm. Giờ luật pháp, nhận thức, chất lượng giáo dục ĐH có bước tiến lớn, tuy vậy chưa thể hài lòng được. Tự chủ ĐH phải đi từ chuyên môn, phải có mô hình tiên tiến để quản trị.

Tự chủ phải gắn với giải trình (không chỉ với cơ quan nhà nước mà với toàn xã hội). Tự chủ không có nghĩa Nhà nước không đầu tư nữa. Tự chủ không có nghĩa buông lỏng quản lý, Nhà nước vẫn phải quản lý bằng pháp luật. Tự chủ không được làm giảm cơ hội tiếp cận của người nghèo với chính sách.

Bây giờ phải thay đổi xu hướng từ cơ quan chủ quản là chính sang hội đồng trường (cơ quan đại diện cho chủ sở hữu) là chính. Phải có hội đồng trường đúng quy định của pháp luật. Hiệu trưởng không kiêm bí thư đảng ủy, mà chủ tịch hội đồng mới kiêm bí thư đảng ủy.

Học phí: không nên quy định mức trần

gio hoc thuc hanh

Giờ học thực hành của sinh viên cơ khí Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - Ảnh: B.K.

Trao đổi bên lề hội thảo, GS Trần Hồng Quân, chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH Việt Nam, cho rằng để thực hiện tự chủ ĐH thì cần tạo cơ chế cho các trường hình thành hai thứ là động lực và nguồn lực. "Nếu các trường vẫn chỉ bó hẹp vào nguồn lực ít ỏi được cấp phát thì sẽ khó có thể phát triển" - GS Quân chia sẻ.

Vấn đề "nguồn lực" được dành một phiên trong 2 phiên chính của hội thảo để thảo luận. Trong đó tập trung vào câu chuyện học phí và đầu tư của Nhà nước cho các trường tự chủ thế nào. "Về học phí cần công khai, giải trình với xã hội và không nên quy định mức trần. Chính sách học bổng cũng thể hiện tính tự chủ, có trách nhiệm với xã hội" - PGS.TS Hoàng Văn Cường bày tỏ quan điểm.

Hai đại diện của Trường ĐH Luật Hà Nội là bà Phan Thị Lan Hương và bà Nguyễn Thị Thanh Tú cũng cho rằng quy định mức trần học phí sẽ "trói" các cơ sở giáo dục ĐH chưa tự chủ hoàn toàn về tài chính và đây cũng chính là rào cản để các cơ sở giáo dục ĐH thực hiện quyền tự chủ về nhiệm vụ, xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức bộ máy và nhân sự.

Ngoài ra, việc chưa tự chủ về chỉ tiêu tuyển sinh, ngành nghề đào tạo do phụ thuộc vào điều kiện về tự chủ tài chính cũng đã làm hạn chế nguồn thu của cơ sở giáo dục ĐH. Kết quả là các cơ sở giáo dục ĐH vẫn đang loay hoay với giải pháp tăng nguồn thu để đảm bảo mục tiêu tự chủ về chi thường xuyên và chi đầu tư.

Ông Lê Trường Tùng, chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT, cho rằng thực hiện tự chủ ĐH nếu không khéo sẽ khiến người học nghĩ mình phải đóng nhiều học phí mà không nhìn thấy lợi ích. Bởi thế, việc tăng nguồn thu, tăng học phí cũng cần giải trình rõ.

Giải trình không chỉ với cơ quan quản lý mà cả với người học. Đằng sau người học là phụ huynh, là xã hội. Khi việc thực hiện trách nhiệm giải trình và cho xã hội thấy lợi ích rõ ràng của người học thì việc thu hút nguồn thu không khó, việc tăng học phí cũng không dẫn tới nguy cơ giảm thu hút người học.

Hội đồng trường làm gì để có thực quyền? Hội đồng trường làm gì để có thực quyền?

TTO - Vấn đề hội đồng trường trong bối cảnh tự chủ đại học không mới, nhưng nhiều băn khoăn, vướng mắc cho thấy vẫn còn nhiều việc phải làm để tổ chức này có thực quyền.

VĨNH HÀ - NGỌC DIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên