08/01/2020 11:38 GMT+7

Hội đồng trường làm gì để có thực quyền?

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Vấn đề hội đồng trường trong bối cảnh tự chủ đại học không mới, nhưng nhiều băn khoăn, vướng mắc cho thấy vẫn còn nhiều việc phải làm để tổ chức này có thực quyền.

Hội đồng trường làm gì để có thực quyền? - Ảnh 1.

TS Trương Tiến Tùng - hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội - phát biểu về hội đồng trường tại hội nghị ngày 6-1 của Bộ GD-ĐT - Ảnh: MAI THƯƠNG

Trao đổi bên lề hội nghị ngày 6-1 triển khai nghị định 99/NĐ-CP hướng dẫn triển khai Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật giáo dục ĐH (Luật 34), Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng hồn cốt của Luật 34 và nghị định 99 nhấn mạnh về thực quyền của hội đồng trường. 

"Khi thực hiện tự chủ, hội đồng trường phải là tổ chức quản trị, thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan, chịu trách nhiệm toàn diện về hoạt động của trường, tránh tình trạng hiệu trưởng hoặc một số đơn vị trong nhà trường lạm quyền" - ông Nhạ nêu quan điểm.

Phân vai rõ ràng

TS Trương Tiến Tùng - hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội - chia sẻ trường ông nhiều năm thực hiện tự chủ chi thường xuyên và duy trì hiệu quả vai trò của hội đồng trường. 

"Kinh nghiệm của chúng tôi là phân ngôi rõ ràng. Trong đó đảng ủy xác định hướng đi, hội đồng trường định hướng phát triển lâu dài, hiệu trưởng xây dựng kế hoạch phát triển trong 5 năm và kế hoạch cụ thể từng năm. Hội đồng trường giám sát và thông qua kế hoạch hoạt động từng năm của hiệu trưởng trình lên để điều chỉnh định hướng phát triển cho chặng dài hơn" - ông Tùng chia sẻ.

Một kinh nghiệm của Trường ĐH Mở Hà Nội, theo ông Tùng, là các chương trình, kế hoạch hành động đều công khai, minh bạch. Trường cũng xây dựng hệ thống dữ liệu để hội đồng trường có thể giám sát hoạt động.

Những rắc rối ở một số trường ĐH vừa qua cũng xuất phát từ sự "phân vai" không rõ ràng giữa trách nhiệm, quyền lực của hiệu trưởng - hội đồng trường - cơ quan chủ quản. 

Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng - vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Bộ GD-ĐT, thẩm quyền của hội đồng trường đã được quy định rõ và khá toàn diện ở 10 vấn đề, bao trùm các hoạt động cơ bản của nhà trường nhưng không nên có quan điểm tuyệt đối hóa về việc loại bỏ vai trò của cơ quan quản lý trực tiếp mới là thực hiện tự chủ ĐH.

Trao đổi với báo chí, ông Phùng Xuân Nhạ cho rằng các cơ quan chủ quản của các trường cũng phải thay đổi nhận thức. Không can thiệp hành chính thì hội đồng trường mới thực sự phải đủ mạnh, đủ quyền. 

Hiệu trưởng cũng phải nhìn nhận khác đi, chủ tịch hội đồng trường phải có vai trò, quyết định những quyết sách lớn, chứ không phải chỉ là "đơn vị thông qua" của hiệu trưởng. Khi vai trò, nhiệm vụ được phân định rõ thì việc sẽ không rối và hội đồng trường mới không rơi vào hình thức mà có thực quyền.

Hội đồng trường gồm những ai?

Ông Trương Tiến Tùng khi chia sẻ những kinh nghiệm của cơ sở có quan hệ "trong ấm, ngoài êm" giữa hiệu trưởng với hội đồng trường cho rằng hội đồng trường gồm thành viên là người trong trường sẽ thuận lợi, phối hợp nhịp nhàng. 

Nếu tách hội đồng trường thành bộ phận độc lập sẽ dễ giẫm chân lên nhau. Nhiều ý kiến bên lề lo ngại về tỉ lệ thành viên ngoài trường sẽ khó chia sẻ trách nhiệm, chẳng những không hỗ trợ lại gây cản trở do không nắm thông tin và hoạt động quản trị trường ĐH.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định để hội đồng trường có thực quyền và hoạt động hiệu quả thì phải xây dựng được quy chế hoạt động của hội đồng trường trong mỗi cơ sở ĐH. Quy chế xây dựng phải có chất lượng, phản ánh đúng thực quyền của hội đồng trường. Đồng thời, cần nâng cao năng lực quản trị cho hội đồng trường, hội đồng trường am hiểu về quản trị ĐH, có năng lực tư vấn thì mới có những quyết sách đúng và trúng.

Theo quy định thì hội đồng trường có ít nhất 25% giảng viên của trường. Trong đó những người có học hàm, học vị, có uy tín cao sẽ có cơ hội được giới thiệu vào hội đồng trường. Bà Nguyễn Thị Kim Phụng cũng cho biết việc cơ quan quản lý trực tiếp cử đại diện tham gia hội đồng trường, công nhận hội đồng trường và chủ tịch hội đồng trường không làm giảm quyền tự chủ của cơ sở giáo dục ĐH vì hội đồng trường làm việc theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số.

6 tháng cho việc thành lập hội đồng trường

Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng - vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Bộ GD-ĐT, những hội đồng trường chưa thành lập thì trong thời hạn 6 tháng, kể từ khi nghị định 99 có hiệu lực phải thành lập mới. Hạn chót để các trường phải thực hiện là 15-8-2020. Theo quy định, nhiệm kỳ hoặc thời hạn bổ nhiệm của hiệu trưởng do hội đồng trường quyết định trong phạm vi nhiệm kỳ của hội đồng trường.

Thành lập hội đồng trường, các đại học lo mất quyền Thành lập hội đồng trường, các đại học lo mất quyền 'xin - cho'?

TTO - TS Lê Viết Khuyến cho rằng điều mà các trường đại học công lập lo sợ khi thành lập hội đồng trường là mất quyền "xin - cho" và hiệu trưởng nhà trường cũng mất quyền.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên