Lao động tự do quận Hà Đông (Hà Nội) làm thủ tục nhận hỗ trợ do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trong gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng năm 2020 - Ảnh: Đ.BÌNH
“Đơn giản hóa, cắt giảm tối đa thủ tục, phương châm thông thoáng nhất để người lao động, chủ sử dụng lao động nhanh chóng, dễ dàng tiếp cận gói hỗ trợ sớm nhất mà vẫn phải đúng luật. Nếu cơ quan, địa phương, đơn vị nào làm chậm là có lỗi với dân", Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung đã nhấn mạnh yêu cầu này khi công bố, giới thiệu quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, chiều tối 7-7.
Theo bộ trưởng, khác với gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng hơn 1 năm trước, gói hỗ trợ lần này sẽ rút ngắn thời gian xét thủ tục chỉ còn 4 ngày và thêm 3 ngày để giải ngân. Tức là tối đa 7 ngày từ khi gửi hồ sơ thì người dân, doanh nghiệp có thể nhận được tiền hỗ trợ, đặc biệt với nhóm hướng dẫn viên du lịch chỉ 4 ngày…
Đối với người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, mức hỗ trợ một lần là 1,855 triệu đến 3,71 triệu đồng/người (gồm: lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, trường dân lập, tư thục các cấp phải tạm hoãn hợp đồng hoặc nghỉ việc không lương vì thực hiện biện pháp phòng dịch; lao động trong vùng phong tỏa; lao động nữ mang thai, nuôi con dưới 6 tuổi…).
Doanh nghiệp lập danh sách có xác nhận của cơ quan nhà nước về việc dừng hoạt động vì dịch, có xác nhận hoặc chứng thực là người đang mang thai, có con dưới 6 tuổi… gửi cơ quan BHXH và trong 3 ngày từ khi nhận hồ sơ, cơ quan BHXH phải có xác nhận người lao động đó có đang tham gia BHXH hay không.
Người sử dụng lao động gửi hồ sơ đã được BHXH xác nhận đến UBND cấp huyện (nơi đặt trụ sở chính).
Trong 5 ngày UBND cấp huyện phải thẩm định và trình UBND cấp tỉnh. Khi nhận được hồ sơ, trong 2 ngày UBND cấp tỉnh phải ban hành quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ, đồng thời chỉ đạo việc chi trả hỗ trợ.
Lao động ngừng việc để cách ly y tế, hoặc trong khu vực bị phong tỏa được hỗ trợ một lần 1 triệu đồng.
Người sử dụng lao động lập danh sách (có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc cách ly, phong tỏa) gửi BHXH xác nhận trong vòng 3 ngày. Sau đó danh sách được chuyển lên UBND cấp huyện và trong 5 ngày huyện phải thẩm định, trình UBND cấp tỉnh phê duyệt chậm nhất trong 2 ngày kể từ khi nhận hồ sơ từ UBND huyện.
Lao động phải nghỉ việc nhưng không đủ điều kiện nhận trợ cấp thất nghiệp sẽ được nhận hỗ trợ tiền mặt một lần 3,71 triệu đồng. Người lao động cần làm đơn đề nghị theo mẫu, kèm bản sao công chứng hoặc mang theo bản chính (để đối chiếu) hợp đồng lao động, sổ bảo hiểm, quyết định thôi việc. Người đang mang thai hoặc nuôi con dưới 6 tuổi cần có giấy xác nhận mang thai, giấy khai sinh, chứng nhận nuôi con nuôi.
Hồ sơ nộp cho trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động nghỉ việc. Cơ quan này sẽ tổng hợp danh sách nộp lên Sở Lao động, thương binh và xã hội để trình cấp tỉnh phê duyệt hỗ trợ. Sở Lao động, thương binh và xã hội có 2 ngày để thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt danh sách trong 2 ngày.
Lao động tự do quận Hà Đông (Hà Nội) nhận tiền hỗ trợ do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trong gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng năm 2020 - Ảnh: Đ.BÌNH
Các F0, F1, trẻ em dưới 16 tuổi nhận hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng/ngày trong thời gian điều trị, cách ly (không quá 21 ngày đối với F1, 45 ngày đối với F0; riêng trẻ em là F0, F1 nhận thêm 1 triệu đồng/em).
Hồ sơ cần bản sao chứng minh nhân dân hoặc căn cước, giấy khai sinh, riêng F0 cần thêm giấy ra vào viện điều trị nCoV.
Cha mẹ gửi hồ sơ tới cơ sở y tế, khu cách ly hoặc UBND cấp xã để lập danh sách (chậm nhất trước ngày 31-3-2022). Danh sách sau đó được gửi UBND cấp huyện tổng hợp (trong 2 ngày), rồi gửi UBND cấp tỉnh phê duyệt danh sách trong 2 ngày.
Quá trình các cấp xét duyệt, chi trả tối đa 4 ngày.
Viên chức hoạt động nghệ thuật trong các đơn vị sự nghiệp công lập (trừ các đơn vị trong lực lượng vũ trang), hướng dẫn viên du lịch có thẻ (còn hạn sử dụng) nhận hỗ trợ một lần 3,71 triệu đồng.
Đơn vị nghệ thuật lập danh sách gửi Sở Văn hóa, thể thao và du lịch và trong 3 ngày sở phải thẩm định, tổng hợp danh sách trình UBND tỉnh phê duyệt danh sách và kinh phí trong vòng 2 ngày.
Cơ sở kinh doanh du lịch lập danh sách (hoặc hướng dẫn viên có thể tự nộp hồ sơ), gửi Sở Văn hóa, thể thao và du lịch thẩm định, xét duyệt trong vòng 3 ngày, sau đó trình UBND tỉnh phê duyệt danh sách, kinh phí hỗ trợ trong 2 ngày.
Hộ kinh doanh có đăng ký thuế phải dừng hoạt động 15 ngày trở lên được nhận 3 triệu đồng. Chủ hộ làm giấy đề nghị hỗ trợ, gửi chính quyền cấp xã xác nhận (trước ngày 31-3-2022). Danh sách các hộ sẽ được niêm yết công khai và trong 3 ngày UBND xã xác nhận danh sách, gửi chi cục thuế thẩm định trong 2 ngày. Sau đó hồ sơ được gửi UBND huyện rà soát, tổng hợp trong 3 ngày để trình UBND cấp tỉnh phê duyệt danh sách, kinh phí hỗ trợ trong 2 ngày.
Doanh nghiệp vay vốn lãi suất 0% từ Ngân hàng Chính sách xã hội để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất (doanh nghiệp không có nợ xấu tại thời điểm đề nghị vay vốn):
Doanh nghiệp gửi hồ sơ đề nghị vay vốn (gồm chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy phép kinh doanh, giấy phép đầu tư; danh sách lao động ngừng việc) để BHXH xác nhận trong vòng 2 ngày, rồi chuyển Ngân hàng Chính sách xã hội phê duyệt và giải ngân trong vòng một tuần tiếp theo.
Kinh phí dành riêng cho chính sách này khoảng 7.500 tỉ đồng, chiếm hơn 1/3 tổng gói 26.000 tỉ, từ nguồn vay tái cấp vốn, không có tài sản đảm bảo, lãi suất 0% từ Ngân hàng Nhà nước.
Hồ sơ, thủ tục liên quan 3 chính sách BHXH (giảm mức đóng vào Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng Quỹ hưu trí, tử tuất hay đào tạo nâng cao tay nghề duy trì việc làm thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền).
Doanh nghiệp gửi văn bản đề nghị theo mẫu cho cơ quan BHXH và một bản cho Sở Lao động, thương binh và xã hội để giám sát. Trong 5 ngày nhận hồ sơ, BHXH có trách nhiệm xem xét, giải quyết. Trường hợp không giải quyết thì trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do.
Riêng gói hỗ trợ đào tạo nâng cao tay nghề mất thời gian hơn để thẩm định và chuyển kinh phí, tổng cộng 14 ngày vì các cấp phải xét duyệt phương án đào tạo lao động do doanh nghiệp đề ra.
Người sử dụng lao động có nhu cầu thì nộp hồ sơ cho Sở Lao động, thương binh và xã hội. Trong 10 ngày kể từ khi nhận hồ sơ, Sở Lao động, thương binh và xã hội sẽ ban hành quyết định gửi BHXH cấp tỉnh để thực hiện chuyển kinh phí (quyết định này cũng sẽ được gửi lại người sử dụng lao động, Sở Giáo dục - đào tạo và Bộ Lao động, thương binh và xã hội).
Trong vòng 3 ngày nhận được quyết định, cơ quan BHXH cấp tỉnh phải chuyển 1 lần toàn bộ kinh phí hỗ trợ cho chủ sử dụng lao động.
Trong 2 ngày kể từ khi nhận được kinh phí, người sử dụng lao động phải chuyển kinh phí cho cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề cho người lao động.
Chậm nhất 45 ngày kể từ ngày kết thúc việc đào tạo, người sử dụng lao động phải hoàn thành việc thanh toán kinh phí với cơ sở đào tạo và hoàn trả kinh phí còn dư (nếu có) về cho cơ quan BHXH và có báo cáo gửi Bộ Lao động, thương binh và xã hội.
HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19
Bắt đầu từ hôm nay, 8-7, Báo Tuổi Trẻ tổ chức chuyên mục HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19. Chuyên mục này sẽ đáp ứng nhu cầu thông tin cụ thể của bạn đọc về các vấn đề dân sinh. Bạn đọc có thể đặt câu hỏi trong phần comment của mỗi bài.
Các câu hỏi sẽ được Báo Tuổi Trẻ chuyển đến các chuyên gia, các nhà quản lý, các cơ quan có chức năng để phần nào giải đáp những thắc mắc của bạn đọc liên quan đến chính sách, cơ chế, quy định... đang được triển khai, đặc biệt trong mùa dịch COVID-19 khi TP.HCM thực hiện chỉ thị 16 của Chính phủ trong 15 ngày để dập dịch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận