Chủ nhật, ngày 29 tháng 5 năm 2022
Học trực tuyến sao kiểm tra trực tiếp?
TTO - Thông tin Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu các trường THCS, THPT tổ chức kiểm tra cuối học kỳ 1 năm học 2021-2022 bằng hình thức trực tiếp đang khiến nhiều phụ huynh xôn xao.

Một tiết học giáo dục công dân của học sinh lớp 12B2 Trường THPT Nguyễn Khuyến, Q.10, TP.HCM. Ngoài những học sinh học trực tiếp, học sinh không đến lớp được sẽ học trực tuyến - Ảnh: NHƯ HÙNG
Đa số phụ huynh có con học THCS, THPT ở TP.HCM đều bày tỏ sự không đồng tình với chủ trương này. "Từ đầu năm học đến nay, con tôi học trực tuyến. Bây giờ đến cuối học kỳ lại yêu cầu học sinh đến trường thi trực tiếp là không phù hợp. Các cấp quản lý đã cho học sinh học trực tuyến tại sao lại không cho các cháu thi trực tuyến?" - bà Thu Nga, có con học lớp 9 ở quận Bình Thạnh, đặt câu hỏi.
Những băn khoăn
Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều phụ huynh còn cho biết do học trực tuyến nên các thầy cô giáo không yêu cầu học sinh phải trả bài, dò bài. Sau mấy tháng trời các em học hành theo kiểu nhẹ nhàng, giờ bắt làm bài kiểm tra trực tiếp thì làm sao có thể học kịp một khối lượng kiến thức lớn của cả học kỳ?
"Chưa kể việc đến trường trong thời điểm dịch bệnh phức tạp như hiện nay thì tâm lý học sinh cũng phải được quan tâm. Tôi đoán sẽ có em quá lo lắng mà không thể làm bài tốt" - chị H., phụ huynh lớp 8 đồng thời cũng là giáo viên ở TP Thủ Đức, phân tích.
Các phụ huynh còn nêu ra hàng loạt khó khăn. Anh Nguyễn Văn Hồng, phụ huynh ở huyện Bình Chánh, nói: "Con tôi hiện đang kẹt ở tỉnh chưa thể về TP.HCM. Vậy làm sao cháu có thể đến trường làm bài thi trong tháng 1-2022?".
Khác với phản ứng của đa số phụ huynh, các em học sinh lại có ý kiến trái chiều. "Nếu hỏi chúng em rằng thích kiểm tra trực tiếp hay trực tuyến thì chắc chắn chúng em sẽ trả lời là thích kiểm tra trực tuyến hơn. Vì từ đầu năm học đến nay, chúng em đã từng làm một số bài kiểm tra trực tuyến. Nói chung là đề dễ nên cũng dễ lấy điểm. Học sinh lại được ngồi ở nhà làm bài nên rất thoải mái.
Tuy nhiên, em cho rằng việc kiểm tra trực tiếp sẽ tốt hơn đối với học sinh vì đánh giá lực học của học sinh chính xác hơn. Riêng đối với khối 12 thì việc kiểm tra trực tiếp còn mang ý nghĩa tập dượt cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới nữa" - Trần Kim Châu, học sinh lớp 12A1 Trường THPT Lê Thị Hồng Gấm, quận 3, chia sẻ.
Nhà trường chủ động
Nói về phản ứng của phụ huynh đối với chủ trương cho học sinh làm bài kiểm tra trực tiếp, hiệu trưởng một trường trung học ở quận 1 giải thích: "Kiểm tra theo hình thức nào thì nội dung chương trình học tập của học sinh vẫn như nhau. Phụ huynh phản ứng vì họ lo ngại khi kiểm tra trực tiếp nhà trường sẽ ra đề khó hơn kiểm tra trực tuyến. Và như thế con em họ sẽ khó đạt được điểm cao".
Em Phạm Hải Khang, học sinh lớp 9A2 Trường THCS Thanh Đa, quận Bình Thạnh, tâm sự: "Nhiều người nói rằng kiểm tra online rất khó xác định độ trung thực của học sinh. Em thấy cũng có phần đúng. Đợt vừa qua khi làm bài kiểm tra online, Trường Thanh Đa đã ra một số đề mở khiến chúng em rất thích thú. Em mong đề kiểm tra cuối học kỳ 1 lần này nhà trường sẽ cho ra đề mở ở nhiều môn hơn. Ngoài ra em cũng mong đề kiểm tra lần này đừng quá khó vì chúng em học trực tuyến thì chỉ học ở mức cơ bản".
Trước những thắc mắc, băn khoăn của phụ huynh, học sinh, ông Nguyễn Văn Hiếu, giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, khẳng định: "Các nhà trường THCS, THPT sẽ chủ động thực hiện đợt kiểm tra cuối học kỳ 1. Trong đó nhà trường có thể ra đề chung cho toàn khối hoặc giao cho giáo viên bộ môn tự ra đề kiểm tra ở những lớp mình phụ trách.
Sở GD-ĐT TP đã có hướng dẫn là không kiểm tra những nội dung vượt quá yêu cầu cần đạt hoặc mức độ cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông; không kiểm tra đối với các nội dung tinh giản và các nội dung hướng dẫn học sinh tự học, tự làm, tự thực hiện, không yêu cầu học sinh thực hành, thí nghiệm... Hình thức, cấu trúc đề kiểm tra như tự luận, trắc nghiệm, trắc nghiệm kết hợp với tự luận, tỉ lệ các mức độ câu hỏi... cũng sẽ do hiệu trưởng các trường tự quyết định".
Ông Nguyễn Văn Hiếu (giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM): Học đến đâu thi đến đó
Thời gian các trường THCS, THPT tổ chức kiểm tra cuối học kỳ 1 trực tiếp từ ngày 10 đến 22-1-2021. Khi học sinh đi học lại, các trường sẽ dành khoảng 2 tuần để ôn tập, củng cố cho học sinh trước khi kiểm tra cuối học kỳ.
Đề kiểm tra sẽ ra theo hướng học sinh học đến đâu kiểm tra đến đó, mức độ học tập trong thời gian học trực tuyến như thế nào thì mức độ khó trong đề kiểm tra cũng sẽ như thế. Tức là học sinh học online ở mức cơ bản các trường cũng sẽ ra đề kiểm tra ở mức cơ bản. Đối với các trường hợp học sinh chưa thể đến trường học tập trực tiếp và làm bài kiểm tra, các trường sẽ linh động cho các em làm bài kiểm tra sau ngày 22-1.
-
TTO - Trong một số hình minh họa ở sách giáo khoa toán tiểu học, trẻ em được vẽ với những tư thế kỳ lạ như miệng nhếch, lưỡi thè ra, mắt lé; có em cởi truồng, có em gái lộ nội y, có em trai kéo váy em gái...
-
TTO - "Con khỉ trên được một người anh của tôi nuôi đã 12 năm, khỉ đuôi lợn quý hiếm nên muốn giao cho cơ quan kiểm lâm để đưa khỉ về môi trường tự nhiên" - ông Đoàn Văn Lên (43 tuổi, ở quận 7, TP.HCM) nói.
-
TTO - Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Matxcơva 'sẵn sàng' giúp tìm cách xuất khẩu ngũ cốc bị mắc kẹt tại các cảng của Ukraine. Ông cũng ra điều kiện để Nga sẵn sàng tăng xuất khẩu phân bón và các nông sản.
-
TTO - Cáp điện chiếu sáng trên cầu Sông Chà mất hơn 80%. 57 tấm lưới chống chói lắp trên dải phân cách, 10 cột chống chói bị mất và hàng loạt trụ đèn chiếu sáng bị cạy phá, cắt dây cáp...
-
TTO - Bản tin COVID-19 chiều 28-5 của Bộ Y tế cho biết tại 44 tỉnh thành ghi nhận 1.114 ca mắc mới, giảm 125 ca so với ngày trước đó, không thêm ca tử vong, như vậy số tỉnh thành không có thêm ca mắc trong ngày đã tăng lên con số 19 địa phương.
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận
Xem thêm bình luận