Bạn có đồng ý như vậy không?
Phóng to |
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa - Ảnh: Minh Đức |
Tuổi Trẻ Online xin trích đăng
Nhìn con học mà xót
* Theo tôi, vấn đề không phải ở chỗ giờ học cần bắt đầu muộn hơn. Trẻ thức dậy lúc 6 giờ, ăn sáng rồi bắt đầu một ngày ở trường lúc 7g là hợp lý nếu đêm trước các cháu được ngủ sớm, ngủ đầy đủ.
Nhưng làm sao các cháu có thể ngủ sớm, ngủ đầy đủ được khi còn phải vật lộn với đống bài tập mà thầy cô giáo ra ở trường, ở lớp học thêm. Trẻ phải học quá nhiều, thời gian trong ngày dành hết cho việc học, không còn thời gian vui chơi, giúp đỡ gia đình. Con gái tôi từ khi học lớp 9 đã không có khái niệm đi ngủ trước 12g đêm. Cháu đi học cả ngày ở trường suốt tuần, tối về lại tiếp tục làm bài tập đến lúc nào xong mới thôi, sớm nhất 11g đêm, còn hôm nào nhiều thì 1g-2g giờ sáng.
Tôi xót con mà không biết làm sao.
* Con tôi học lớp 4 bán trú và bài tập về nhà quá nhiều. Rất nhiều hôm đến 23g cháu vẫn chưa làm bài xong. Nhìn cháu học đến phờ người sao mà thương quá.
Thiết nghĩ đã học bán trú thì buổi sáng cô cho cháu học bài, còn buổi chiều các cháu ôn bài. Thời gian buổi tối cháu chỉ ôn sơ bài đã học trong ngày và nghỉ ngơi, giải trí, nạp năng lượng để học bài mới vào ngày hôm sau.
Đề nghị nên nghiên cứu thế nào cho các cháu vẫn học tốt mà không quá mệt mỏi và không mất đi tuổi thơ đẹp nhất đời người.
* Ai trong chúng ta cũng đều biết giấc ngủ quan trọng thế nào đối với trẻ. Ai cũng biết ngủ sớm, dậy sớm là tốt nhưng nhiều khi không làm được như vậy.
Tôi có hai đứa con. Một đứa lớp 2, một đứa lớp 8, cả hai đều bán trú học từ sáng đến 4g30 chiều. Đứa lớn có khi đến 5g chiều mới xong. Về nhà, ăn uống, tắm rửa, nghỉ ngơi. Đứa lớp 8, 7g tối học bài tiếp đến 11g đêm. Đứa bé thì cũng phải làm bài tập, tập đọc, viết chính tả như dặn dò của cô giáo cũng mất 2 tiếng đồng hồ. Trẻ con đâu có tập trung làm cho nhanh như người lớn đâu.
Tôi cũng chẳng hiểu sao trẻ bây giờ phải học nhiều quá vậy.
* Tôi có hai con nhỏ, một đứa học lớp 6 và một bé học mẫu giáo. Với bé học lớp 6 thì sáng 5g30 là phải dậy đánh răng rửa mặt, thay quần áo và ăn sáng trước 6g để kịp có mặt tại trường vì sau 6g15 là trường đóng cổng và bắt đầu tiết học. Riêng buổi tối thì cháu lúc nào cũng phải học bài và làm bài từ 8g-10g (nhà tôi ăn tối từ 7g-7g30, còn lại cho cháu nghỉ ngơi xem phim đến 8g là học).
Trường con tôi học không phải là trường điểm mà áp lực học hành quá nặng so với lứa tuổi của cháu. Nhiều khi thấy con học mà tôi xót xa cho chúng, không hiểu những người làm công tác giáo dục có thấy được thực trạng giáo dục hiện nay là quá tải cho học sinh không?
Không biết họ nghĩ gì khi căn bệnh thành tích giáo dục ngày càng trầm trọng hơn?
Học kiểu này thì còn thấp bé nhẹ cân mãi
* Bài “Con cái chúng ta thiếu ngủ trầm trọng” là một cách nói rất hay về chương trình giáo dục nặng nề hiện nay.
Con tôi năm nay học lớp 6 bán trú tại TP.HCM. Buổi sáng 5g30 bắt đầu thức dậy, vệ sinh, ăn sáng và chuẩn bị đi học, trước 6g30 có mặt ở trường, vì 6g35 trường đóng cửa. Buổi chiều, 5g30 về đến nhà, nghỉ ngơi một chút, tắm rửa, ăn tối. Đúng 19g30 bắt đầu chuẩn bị bài cho ngày hôm sau, thông thường đến 22g mới xong, có hôm nhiều bài thì tới 23g vẫn chưa được đi ngủ.
Thực trạng giờ học ảnh hưởng sức khỏe trẻ như thế nào đã được nói đến nhiều. Đến đây, điều cần nói là tại sao các nhà hữu trách vẫn không có biện pháp điều chỉnh, để nhiều thế hệ tương lai bị tổn hại như thế này? Việc này không phải là việc cần làm ngay hay sao?Thường Tâm<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" /> |
Nhìn con ngồi đọc ê a mãi, tay thì dụi mắt liên tục mà vẫn chưa thuộc bài (có lẽ vì quá oải). Đây là thời gian bình thường, không phải dịp ôn thi. Một tuần liên tục 6 ngày như thế.
Tôi không hiểu tại sao việc học chữ lại choán hết thời gian của những đứa trẻ, không có thời gian cho trẻ đọc một quyển sách, thưởng thức văn hóa, rèn luyện thân thể, giúp việc nhà, hoặc thậm chí học thêm một kỹ năng nào đó… Đúng ra các nhà quản lý giáo dục nên quy định thời lượng học một cách hợp lý, khoa học.
Mặc dù rất muốn nhưng tôi chẳng thể mở miệng nói với con rằng không nên và cũng không cần phải học thuộc từng câu, từng chữ như thế. Với kiểu cách học như thế, khi học xong sẽ trả chữ lại cho nhà trường hết thôi, mà còn rất tai hại ở chỗ đào tạo ra những đứa trẻ không quan tâm nhiều đến cuộc sống xung quanh, thiếu kỹ năng sống, thiếu tình yêu thiên nhiên, môi trường…
* Theo tôi, bản chất vấn đề là do quá tải trong chương trình học. Tôi đã theo con tôi từ lớp 1 đến lớp 12. Chương trình sách giáo khoa nếu không học thêm là không thể hiểu được. Thấy con thức khuya đau xót lắm. Nhưng chưa thay đổi nội dung sách giáo khoa thì con cháu chúng ta còn phải bị "tra tấn" dài dài.
* Thú thật con cái chúng ta học quá nhiều. Thậm chí chiều trên đường về, các cháu phải ăn vội gì đó trong lúc ba mẹ gấp rút chở con chạy cho kịp đến các lớp học thêm. Thời gian còn không đủ để về nhà tắm sơ mà cứ thế chạy bổ vào các lớp học thêm. Thời gian đâu mà chơi thể thao, trong khi tuổi các cháu đang lớn cần phải được vận động. Nếu ngành giáo dục không thay đổi thì tương lai người Việt Nam học nhiều cũng vẫn thấp bé nhẹ cân.
* Thiếu ngủ là căn bệnh thường xuyên ngày nay với con trẻ, ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe. Theo tôi, vấn đề là áp lực học hành quá lớn. Con tôi học lớp 2 nhưng mỗi lần tôi xách cái balô hộ cũng thấy nặng quá, đêm về thì làm bài đến khuya vẫn chưa hết bài nếu không có người kèm. Mới có lớp 2 mà học cả ngày (không biết học cái gì?). Nên giảm bớt chương trình học nếu muốn con em chúng ta ngủ ngon và đủ giấc.
Cha mẹ nuông chiều con, không cứng rắn! Tôi phải tự đặt đồng hồ báo thức để dậy lúc 5g30, tự làm vệ sinh, thay đồ rồi ba tôi chở đi ăn sáng lúc 6g và thường là 6g30 tôi có mặt ở lớp. Giờ đó đã có khoảng nửa lớp có mặt rồi. Nếu hôm nào đồng hồ hư hay tôi quên đặt báo thức thì tôi cũng tự động dậy được vì đã thành thói quen. Ba má tôi không bao giờ phải kêu tôi dậy như gọi đò vào sáng sớm. Tôi nghĩ để các bé dậy sớm không phải là khó, có điều các bậc phụ huynh bây giờ không đủ cứng rắn và kiên nhẫn để rèn các bé thôi. Có người sẽ nói rằng tôi không nên so sánh vì hai thời điểm cách nhau mười mấy năm, bây giờ có nhiều chương trình cho các bé vui chơi giải trí nên phải thức khuya. Tôi xin nói rằng thời của tôi có rất nhiều bộ phim Hàn rất hay trên tivi, nhưng ba má tôi vẫn bắt tôi đi ngủ lúc 21g, không có chuyện nhùng nhằng xem phim để rồi thức khuya làm sáng hôm sau không dậy nổi. Phong Linh - mailto:phomai@ |
* Tôi 25 tuổi, dạy kèm tiếng Anh cho hai cháu 8 tuổi. Đọc bài viết "Con cái chúng ta đang thiếu ngủ trầm trọng", tôi đồng tình với tác giả Ngoan Tú về việc điều chỉnh giờ giấc học của trẻ. Tuy nhiên, tôi nghĩ chính bản thân mỗi phụ huynh cũng cần phải sắp xếp thời gian học tập, ngủ nghỉ của con cái sao cho hợp lý và khoa học.
Ngay bản thân tôi khi dạy kèm tiếng Anh cho các cháu cũng thấy xót xa vì bọn trẻ phải chạy "sô" không khác gì ca sĩ. Sau buổi học chính khóa là lũ trẻ lại tất bật với các lớp học múa, học vẽ, luyện chữ đẹp, học toán rồi tiếng Anh tại các trung tâm, đó là chưa kể học thêm ở nhà thầy cô giáo...
Việc học nhồi nhét xuất phát từ kỳ vọng của cha mẹ trẻ cũng là một nguyên nhân không nhỏ làm thu hẹp quỹ thời gian của các cháu. Bên cạnh đó cũng có không ít phụ huynh chưa rèn luyện cho con cái đi vào khuôn phép ăn, ngủ, học tập, giải trí đúng giờ giấc nên dễ dẫn đến tình trạng như đã phản ánh.
* Em hiện đang là học sinh lớp 12, em xin được đóng góp 2 nguyên nhân khi còn là trẻ em (học cấp I, cấp II) vì cho đến bây giờ em vẫn ngủ muộn. Và đây đều là 2 nguyên nhân, vấn đề của nền giáo dục phổ thông.
Thứ nhất, trẻ phải học quá nhiều, không còn thời gian vui chơi, giải trí, đọc sách, suy nghĩ vẩn vơ... nên phát sinh tâm lý không chịu ngủ vì vẫn chưa thỏa mãn những gì đã làm trong ngày. Trẻ rất hiếu động và thích được chạy nhảy, thay vì ngồi lì trên ghế nhà trường - dường như đây là điều bị lãng quên nơi nhà trường phổ thông? Những nước tiên tiến từ lâu đã tẩy chay kiểu giáo dục thụ động (passive education). Nhà trường buộc chúng phải học quá nhiều môn, trong khi (phần đông) bố mẹ thì luôn muốn con mình học khá, giỏi. Nên một nghịch lý xảy ra: một đứa trẻ ở Việt Nam phải giỏi tất cả các môn, từ khoa học tự nhiên (toán, lý, hóa, sinh), khoa học xã hội (văn, sử, địa), ngoại ngữ cho đến thể dục, thể thao.
Và điều thứ hai, khối lượng việc học phải xử lý là quá lớn và vô lý. Trẻ cũng thế và bây giờ cũng thế, đều phải đến trường với đủ thứ tập cho 1 môn học: bài học (ghi lại 99% nội dung bài học sách giáo khoa - để làm gì?), bài tập (làm bài tập) và bài soạn.
Chúng em luôn bị soi kỹ cả ba quyển tập trên, phải chép, phải làm bài tập, phải soạn... một cách hết sức máy móc. Chúng em quá mệt mỏi, 13 môn đối với chúng em là 13 gánh nặng. Niềm vui, niềm hứng thú như Tuổi Trẻ từng đặt tít "Mỗi ngày đến trường là một niềm vui" chúng em chưa từng được nếm. Với cá nhân em, đi học chỉ vì có bạn bè cho vui, vậy thôi. Đi học chỉ là trò chơi đuổi bắt những con điểm lạnh lùng, nhạt nhẽo.
Nói về việc soạn bài, thật ra chỉ cần các em hiểu được bài mới là đạt, cớ gì phải ghi ra giấy, vô cùng lãng phí thời gian.
Chính vì 2 vấn đề máy móc và sai lầm này khiến các em không còn nhiều thời gian để hoạt động, phát triển kỹ năng sống, chơi thể thao, văn nghệ... Và hệ quả sau cùng là các em không muốn ngủ.
Phan Hưng Duy
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận