02/03/2019 10:37 GMT+7

Học đại học hay khởi nghiệp như ông chủ cà phê Trung Nguyên?

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TTO - "Đọc những bài viết về ông Đặng Lê Nguyên Vũ, em thấy ông này đậu vào đại học y nhưng bỏ học giữa chừng nhưng nay ông cũng đã trở thành doanh nhân thành đạt. Vậy theo các thầy có nhất thiết phải đi học đại học hay mạnh dạn khởi nghiệp?"

Học đại học hay khởi nghiệp như ông chủ cà phê Trung Nguyên? - Ảnh 1.

Hơn 4.000 học sinh tham dự chương trình tư vấn sáng 2-3 - Ảnh: DUY THANH

Một học sinh đã thắc mắc như vậy tại chương trình Tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp, do báo Tuổi Trẻ, Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - thương binh và xã hội), Sở GD-ĐT, Tỉnh đoàn Bình Định và Trường ĐH Quy Nhơn phối hợp tổ chức sáng hôm nay (2-3), với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup.

Tuần tới Bộ GD-ĐT sẽ công bố quy chế tuyển sinh đại học

Thông tin trên được ThS Hoàng Thuý Nga - chuyên viên chính Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) công bố tại chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp năm 2019 diễn ra sáng nay tại Trường ĐH Quy Nhơn.

Theo ThS Hoàng Thuý Nga, quy chế thi THPT quốc gia năm 2019 chỉ có vài điều chỉnh nhỏ về mặt kỹ thuật để tăng tính nghiêm túc của kỳ thi. Một thay đổi quan trọng liên quan đến thí sinh trong năm nay là tăng tỉ lệ điểm thi trong xét công nhận tốt nghiệp THPT lên 70%.

Về nội dung, đề thi năm nay sẽ bám sát chương trình THPT, trong đó chủ yếu kiến thức lớp 12. Nếu làm tốt bài thi đó thì các em đã đạt chuẩn kiến thức và ngược lại. 

"Việc đánh giá đề khó hay dễ đều phụ thuộc vào chính năng lực của học sinh. Các em cần nghiên cứu kỹ đề thi tham khảo Bộ GD-ĐT đã công bố", cô Nga khuyên.

PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, lưu ý năm nay có rất nhiều phương án tuyển sinh vào các trường ĐH: xét tuyển thẳng (theo quy định của Bộ GD-ĐT, quy định của các trường), xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia, xét tuyển học bạ (trường chuyên tốp 100-200, cũng có trường xét học bạ tất cả các trường), xét kết quả thi đánh giá năng lực, xét điểm thi THPT quốc gia kết hợp với kiểm tra năng lực…

Thời điểm nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển cũng giống năm trước và thí sinh cũng được phép đăng ký nhiều nguyện vọng. Sau khi thi xong thí sinh được phép điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển. 

Thầy Hùng lưu ý: "Thí sinh hết sức lưu ý chọn môn thi phù hợp với nguyện vọng. Vì điểm của kỳ thi chiếm 70% nên các em cần phải cố gắng làm bài thật tốt, tránh tình trạng điểm thi quá thấp sẽ rớt tốt nghiệp và không được xét tuyển ĐH".

"Một bạn trong lớp nói rằng bạn đó dự định đăng ký xét tuyển khối A1 nhưng lại chọn khối các môn khối C để xét tốt nghiệp THPT. Nghĩa là trong kỳ thi THPT quốc gia bạn này chỉ cần thi môn lý, không phải thi môn hóa và môn sinh; còn thi khối xã hội để xét tốt nghiệp. Vậy có đúng không ạ?", một học sinh thắc mắc.

Trả lời câu hỏi này, ThS Hứa Minh Tuấn - phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - marketing, cho rằng việc thí sinh đăng ký thi tổ hợp môn khối C nhưng lại đăng ký xét tuyển vào ngành nghề xét tuyển khối A1, như vậy khả năng trúng tuyển không cao và sẽ khó khăn.

Tất cả các bạn ở đây đều mong ước sau này mình giàu có, thành đạt...

Tại buổi tư vấn, một học sinh bày tỏ băn khoăn việc mấy hôm nay đọc báo bạn thấy xôn xao chuyện của vợ chồng ông chủ cà phê Trung Nguyên. Theo học sinh này, tất cả các bạn ngồi đây đều mong ước sau này mình trở nên giàu có, thành đạt.

"Đọc những bài viết về ông Đặng Lê Nguyên Vũ, em thấy ông này đậu vào đại học y nhưng bỏ học giữa chừng nhưng nay ông cũng đã trở thành doanh nhân thành đạt. Vậy theo các thầy có nhất thiết phải đi học đại học hay mạnh dạn khởi nghiệp như ông Vũ?", học sinh này thắc mắc.

Về vấn đề này, TS Trần Thế Hoàng - chủ tịch hội đồng trường Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, khuyên các bạn trẻ cần phải lên kế hoạch cho cuộc đời của mình, càng chi tiết càng tốt. Những người quản trị tốt thời gian, có kế hoạch rõ ràng đều luôn thành công trong cuộc sống.

"Khi nộp hồ sơ thi, các bạn phải dự kiến được mình học ngành gì, trường nào, ở đâu… Sau khi học xong mình sẽ làm việc ở đâu và tiếp tục học thêm gì nữa. Thật ra, tấm bằng ĐH, CĐ chỉ là một trong những giấy thông hành để các bạn vào đời. Các bạn có thể chọn bậc học phù hợp với năng lực của mình", thầy Hoàng nhấn mạnh.

Trở lại câu chuyện của ông Đặng Lê Nguyên Vũ, thầy Hoàng cho hay hiện có rất nhiều doanh nhân thành đạt không đi từ trường ĐH và đây là những người có tố chất cực kỳ đặc biệt. 

"Nhiều bạn nhầm lẫn khi cho rằng những ông chủ này học ít hoặc không học. Thực tế họ phải học rất nhiều và học đủ thứ kiến thức. Bên cạnh đó, họ còn có đội ngũ chuyên gia làm thuê nhiều lĩnh vực", thầy Hoàng nói.

Ông Đỗ Văn Giang - phó vụ trưởng Vụ đào tạo chính quy - Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - thương binh và xã hội, cũng cho rằng việc sau khi tốt nghiệp THPT học sinh đủ năng lực vào ĐH là tốt nhưng nếu không vào ĐH được không phải thất bại.

"Tuỳ theo năng lực, khả năng, điều kiện kinh tế của mình các em có thể lực chọn học cao đẳng, trung cấp, sơ cấp. Trước hết các em cần tập trung tốt nhất cho kỳ thi THPT quốc gia năm nay. Việc tuyển sinh CĐ, trung cấp được tổ chức quanh năm", ông Giang chia sẻ.

Đại học đầu tiên đào tạo miễn phí ngành robot, trí tuệ nhân tạo Đại học đầu tiên đào tạo miễn phí ngành robot, trí tuệ nhân tạo

TTO - Năm 2019, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM lần đầu tiên tuyển sinh ngành học mới về robot và trí tuệ nhân tạo, đào tạo hoàn toàn miễn phí kỹ sư tài năng về lĩnh vực này.

Học đại học hay khởi nghiệp như ông chủ cà phê Trung Nguyên? - Ảnh 3.
TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên