04/07/2020 09:10 GMT+7

Lỡ đăng ký xét tuyển sai, làm sao?

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TTO - Hiện tất cả thí sinh đều đã đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và đăng ký xét tuyển đại học. Nay nếu phát hiện có sai sót cần xử lý thế nào?

Lỡ đăng ký xét tuyển sai, làm sao? - Ảnh 1.

ThS Đào Phan Vũ đang hướng dẫn thí sinh điều chỉnh sai sót thông tin đăng ký dự thi, xét tuyển trong chương trình tư vấn sáng nay 4-7 - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Đó là băn khoăn chung của phần lớn trong số gần 2.000 học sinh có mặt trong Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2020 đang diễn ra tại Trường ĐH Buôn Ma Thuột sáng nay 4-7.

Chương trình do báo Tuổi Trẻ, Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - thương binh và xã hội), Sở GD-ĐT, Tỉnh đoàn Đắk Lắk và Trường ĐH Buôn Ma Thuột phối hợp tổ chức với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup.

Rà soát thông tin đăng ký dự thi, xét tuyển

Trao đổi với thí sinh, ThS Đào Phan Vũ - chuyên viên chính Vụ Giáo dục đại học - Bộ GD-ĐT, căn dặn: "Tất cả thông tin ghi trên phiếu đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển đều rất quan trọng. Nếu sai sót, nhầm lẫn, thí sinh sẽ chịu thiệt thòi và nhiều rắc rối về sau. Do đó, các em cần kiểm tra kỹ thông tin mình đã đăng ký xem có sai sót gì không".

Giải đáp thắc mắc của thí sinh về việc điều chỉnh thông tin đăng ký xét tuyển, thầy Vũ cho biết dù đã hoàn tất khâu tiếp nhận hồ sơ nhưng thí sinh vẫn được điều chỉnh thông tin nếu phát hiện sai sót đến trước khi thi.

Để kiểm tra thông tin, thí sinh cần xem kỹ phiếu số 2 của hồ sơ đăng ký dự thi mình đang giữ. Cần chú ý các nội dung về khu vực ưu tiên, đối tượng ưu tiên, mã ngành… "Nếu những thông tin này sai sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh. Thực tế những năm trước, không ít thí sinh ghi sai thông tin dẫn đến bị rớt oan", thầy Vũ cho hay.

Một nam sinh hỏi: "Em đã nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển nhưng nay phát hiện đã ghi sai mã tổ hợp môn xét tuyển. Như vậy có bị làm sao không? Em cần làm gì để điều chỉnh lại thông tin?".

ThS Lê Văn Hiển - phó trưởng phòng phụ trách phòng đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM - hướng dẫn: sau khi có kết quả thi tốt nghiệp, thí sinh sẽ được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển một lần duy nhất. Việc này được thực hiện bằng hai phương thức: trực tuyến và bằng phiếu (tại nơi nộp hồ sơ đăng ký dự thi).

Với điều chỉnh bằng phiếu, thí sinh thực hiện khi số nguyện vọng đăng ký nhiều hơn so với trước đó. Với số nguyện vọng tăng thêm, thí sinh phải nộp thêm lệ phí đăng ký xét tuyển. Còn điều chỉnh trực tuyến, thí sinh được hoán đổi thứ tự nguyện vọng trong số các nguyện vọng đã đăng ký.

"Với phương thức này, thí sinh cần thực hiện chính xác các bước theo hướng dẫn của phần mềm và phải bấm nút hoàn tất. Cẩn thận hơn, các em cần chụp lại màn hình sau khi hoàn tất việc điều chỉnh để tránh tình trạng bị lỗi kỹ thuật dẫn đến sai sót, để minh chứng về sau", thầy Đào Phan Vũ căn dặn thêm.

Lỡ đăng ký xét tuyển sai, làm sao? - Ảnh 2.

Thí sinh nghe chuyên gia dặn dò việc điều chỉnh đăng ký xét tuyển - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Cùng phương thức nhưng mỗi trường khác nhau

PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng - phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, lưu ý các trường đại học năm nay có rất nhiều phương thức xét tuyển: xét tuyển thẳng học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia; xét học bạ; xét kết quả thi tốt nghiệp THPT; xét kết quả thi đánh giá năng lực.

"Không phải trường nào cũng giống nhau, như đối với xét tuyển học bạ có trường chỉ xét học bạ học sinh trường chuyên (tốp 100, tốp 200) hoặc học bạ tất cả các trường. Muốn xét tuyển đúng thí sinh cần xem kỹ phương thức xét tuyển của từng trường. Nếu đăng ký sai sẽ không trúng tuyển vào ngành mình mong muốn hoặc rớt đại học", thầy Hùng căn dặn.

Liên quan tới kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, TS Phạm Tấn Hạ - phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết từ ngày 15-7 đến 15-8, thí sinh sẽ đăng ký nguyện vọng xét tuyển cho phương thức này. Mỗi thí sinh được đăng ký 3 nguyện vọng vào một trường.

"Dự kiến các trường thông báo kết quả trúng tuyển bằng phương thức xét kết quả thi đánh giá năng lực trước 27-8 để có thể lựa chọn và đưa ra quyết định trước khi có kết quả xét tốt nghiệp. Khi đã chọn 1 phương thức nào ngoài phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp, thí sinh cần đưa ra quyết định trước 10-9 để nhập học", thầy Hạ căn dặn.

ThS Nguyễn Thái Châu - giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Tài chính - marketing, lưu ý thêm hiện nay các trường có từ 5 đến 7 phương thức xét tuyển, mỗi phương thức có yêu cầu cần và đủ khác nhau nên thí sinh cần tìm hiểu thật kỹ để cân nhắc lợi thể của mình (học sinh trường chuyên, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế…), tăng cơ hội trúng tuyển.

Theo ông Đỗ Tường Hiệp - phó giám đốc Sở GD-ĐT Đắk Lắk, thực tế một bộ phận học sinh chọn không đúng ngành nghề và kết quả là thất bại nhiều hơn thành công. Có rất nhiều thí sinh nhờ chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp đã lựa chọn được ngành nghề phù hợp với năng lực, sở trường, từ đó đạt kết quả cao trong quá trình học tập và thành công trong nghề nghiệp.

Lỡ đăng ký xét tuyển sai, làm sao? - Ảnh 4.
Hơn 63.000 thí sinh đăng ký thi đánh giá năng lực Hơn 63.000 thí sinh đăng ký thi đánh giá năng lực

TTO - Theo thống kê của ĐH Quốc gia TP.HCM, hiện đã có hơn 58.200 thí sinh hoàn thành thủ tục lệ phí đăng ký tham dự kỳ thi đánh giá năng lực năm 2020.

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên