27/11/2019 08:09 GMT+7

Hoan hô Long An!

NGUYỄN MINH HÒA
NGUYỄN MINH HÒA

TTO - Sáng ra cầm tờ báo Tuổi Trẻ, ai cũng nức lòng với thông tin tỉnh Long An tỏ thái độ quyết liệt "thà xóa quy hoạch chứ nhất quyết không làm điện than".

Câu chuyện ở đây là vào tháng 3-2016, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2030 thì sẽ có hai nhà máy nhiệt điện than đặt tại Long An. 

Với sự góp ý của các chuyên gia và phản hồi của người dân, lãnh đạo tỉnh này thấy phát triển điện than hoàn toàn không phù hợp và tìm kiếm một phương án thay thế là xây dựng nhà máy điện khí hóa lỏng.

Chả phải vô cớ mà các nước có số lượng nhà máy điện than lớn nhất hành tinh, tiêu thụ 2/3 sản lượng than thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Mỹ, Úc... đang tính triệt phá nhà máy điện than. Ngay Trung Quốc - nơi cung cấp các nhà máy điện than nhiều nhất cho Việt Nam - cũng kiên quyết đóng cửa loại nhà máy này vào năm 2045. 

Dù có biện minh rằng công nghệ sử dụng điện than ở Long An là loại hiện đại bậc nhất thì nói cho cùng, bản chất của loại nhà máy này là đốt than, sinh nhiệt để chuyển sang điện năng, còn khói, bụi, tro, khí độc hại sẽ phun ra môi trường, đáp vào tận mâm cơm, giường ngủ, bàn thờ của mỗi gia đình huyện Cần Giuộc và hàng triệu tấn xỉ than tràn ra khắp nơi.

Người dân ĐBSCL đang khốn đốn vì hàng loạt nhà máy nhiệt điện như nhiệt điện Sông Hậu; nhiệt điện Duyên Hải 1, Duyên Hải 2 và Duyên Hải 3. Đến năm 2030, khu vực này sẽ bị bủa vây bởi 14 nhà máy và cụm nhà máy nhiệt điện.

Đúng là giá tiền trả cho 1kW của điện khí hóa lỏng cao hơn điện than, nhưng cái giá của xã hội, mà trước tiên của người dân chịu ảnh hưởng phải trả cho sự sống cao hơn gấp nhiều lần so với cái giá được coi là rẻ của điện than. Chi phí hữu hình cho chữa bệnh, cho di dời nhà cửa, cho chống đỡ với ô nhiễm đất, nước mặt, nước ngầm, cho đảo lộn sản xuất, sinh hoạt; chi phí vô hình cho sự an toàn, an sinh, an lành và niềm tin chính trị thì lớn biết chừng nào.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là một trong số các nhà lãnh đạo cam kết mạnh mẽ thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Tại Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra từ ngày 8 đến 10-6-2018, Thủ tướng đã gửi đi thông điệp: "Việt Nam sẽ tăng sản lượng điện sản xuất từ những nguồn tái tạo lên gấp ba lần và tăng tỉ lệ số hộ gia đình có các thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời lên khoảng 26% vào năm 2030. Điều quan trọng là không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế". 

Với quan điểm rõ ràng và nhất quán như thế, người dân có đủ cơ sở vững chắc để tin rằng Thủ tướng ủng hộ Long An và hủy bỏ một văn bản đã ký khi không còn hợp thời đại và lòng dân nữa.

Không chỉ người dân Long An hoan hô lãnh đạo tỉnh nhà, mà người dân TP.HCM cũng cảm ơn về quyết định dũng cảm này. Bởi nhà máy điện than đặt tại xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc chỉ cách TP.HCM có 25km, nếu nó vận hành thì người dân TP.HCM cũng lãnh đủ, nhất là vào mùa gió chướng.

'Thà xóa quy hoạch chứ nhất quyết không làm nhiệt điện than'

TTO - Với phương châm "thà xóa quy hoạch chứ nhất quyết không làm nhiệt điện than", lãnh đạo tỉnh Long An kiên trì đề xuất Chính phủ điều chỉnh 2 dự án nhà máy nhiệt điện từ sử dụng than sang khí hóa lỏng.

NGUYỄN MINH HÒA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên