Họa sĩ Suzuki Yasumasa đến Việt Nam theo chương trình của Tuần sách kết nối - Ehon Week, do Quỹ Bắc Cầu dưới sự bảo trợ của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức từ ngày 14 đến 22-10 ở Hà Nội.
Ông đã chia sẻ những tình cảm, suy nghĩ của mình về người Việt.
Qua khổ đau, người Việt càng tốt đẹp, nhân hậu hơn
Ông Suzuki Yasumasa là họa sĩ minh họa nhiều tranh truyện Ehon Nhật Bản. Trong đó những bức tranh gốc của ông vẽ minh họa hai cuốn tranh truyện Chim sẻ Cosette và Nỗi buồn ốc sên được triển lãm tại Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản.
Họa sĩ có nhiều buổi giao lưu với bạn đọc cũng như những cuộc gặp gỡ với người Việt, khiến ông rất cảm động và tự hỏi "sao người Việt lại tốt bụng và đẹp đẽ như thế?".
Và rồi những quan sát, ngẫm ngợi sau chuyến đi đến làng Hữu Nghị (làng chăm sóc những thương bệnh binh, những người bị nhiễm chất độc da cam), gặp gỡ những người còn đang mang vết thương chiến tranh dù chiến tranh đã lùi xa nhiều thập kỷ, đã khiến nghệ sĩ tìm ra câu trả lời cho mình.
Ông lý giải phải chăng vì người Việt đã trải qua những năm chiến tranh và hậu chiến nhiều khổ đau, vẫn vươn lên trên những khổ đau ấy bằng lòng yêu thương và bao dung vô hạn, dù đến giờ những vết thương ấy vẫn đeo bám nhiều người như ông đã gặp ở làng Hữu Nghị.
Và chính nỗi buồn, tinh thần chấp nhận và vượt qua nỗi buồn ấy đã kết tinh thành sự tốt đẹp, nhân hậu của người Việt Nam ngày nay. Giống như câu chuyện trong cuốn tranh truyện Nỗi buồn ốc sên mà ông là họa sĩ vẽ minh họa.
Tin tác giả Việt Nam sẽ tạo ra các tác phẩm tuyệt vời
Cuốn tranh truyện Nỗi buồn ốc sên kể câu chuyện về những nỗi buồn được che đậy trong vỏ bọc của mỗi chúng ta. Như chú ốc sên nọ một ngày kia chợt hốt hoảng nhận ra có lẽ cái vỏ đầy màu sắc trên lưng mình chất đầy nỗi buồn.
Chú ốc sên bò đi than thở điều này với nhiều chú ốc sên khác. Tất cả đều trả lời chú rằng họ cũng có nỗi buồn y như chú ta.
Cuối cùng ốc sên nhận thấy hóa ra ai cũng mang nỗi buồn, chứ không phải chỉ có riêng mình, phải chấp nhận nỗi buồn của bản thân. Chú quyết định không than vãn nữa, học cách vượt qua nỗi buồn.
"Chính nỗi buồn đã làm sâu sắc thêm phẩm chất con người trong chúng ta. Càng nếm trải những đau đớn thì chúng ta càng phát huy được những phẩm chất mạnh mẽ, sâu sắc trong mình.
Tôi cảm nhận người Việt thực sự có những phẩm chất tốt đẹp sâu sắc. Tôi tin rằng từ nay trở đi các tác giả Việt Nam sẽ đi lên từ nỗi buồn chiến tranh của đất nước, cũng như nỗi buồn của từng cá nhân để sáng tác lên những tác phẩm tuyệt vời.
Tôi tin tưởng mãnh liệt vào điều đó", họa sĩ Suzuki Yasumasa nói.
Tuấn sách kết nối - Ehon Week còn có nhiều hoạt động hấp dẫn nhằm nuôi dưỡng tình yêu với sách cho trẻ em như mục đích, sứ mệnh của Quỹ Bắc Cầu.
Đó là triển lãm 100 cuốn tranh truyện Ehon gồm bản gốc tiếng Nhật và bản dịch tiếng Việt tại tòa nhà văn phòng Đại sứ quán Nhật Bản ở Hà Nội, các buổi đọc sách dành cho trường mầm non, giao lưu tác giả tranh truyện Ehon Nhật Bản - bà Hideko Nagano và tác giả Việt Nam - chị Phạm Thị Hoài Anh…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận