19/01/2024 14:54 GMT+7

Hoa hậu Hà Kiều Anh: Áo dài là sự tự hào của tất cả con gái Việt Nam

Bà Huỳnh Ngọc Vân - giám đốc Bảo tàng Áo dài - cho biết những ngày đầu năm 2024 bảo tàng đón gần 2.000 khách mỗi ngày.

Nhiều người chọn mặc áo dài khi đến Bảo tàng Áo dài - Ảnh: HOÀI PHƯƠNG

Nhiều người chọn mặc áo dài khi đến Bảo tàng Áo dài - Ảnh: HOÀI PHƯƠNG

Sáng 19-1, Bảo tàng Áo dài tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm thành lập (2014 - 2024), đánh dấu một thập kỷ bảo tồn, gìn giữ và tôn giá trị văn hóa truyền thống của áo dài Việt Nam.

Bảo tàng Áo dài là trường học đặc biệt

Bảo tàng Áo dài tọa lạc tại phường Long Phước, thành phố Thủ Đức, TP.HCM; hoạt động từ tháng 1-2014.

Bảo tàng được khởi xướng và xây dựng từ ý tưởng của nhà thiết Sĩ Hoàng. Đến năm 2015, Bảo tàng Áo dài trở thành công trình văn hóa do Công ty cổ phần Dấu Ấn Việt sở hữu và quản lý.

Nhiệm vụ của bảo tàng là lưu giữ, vinh danh những câu chuyện về chiếc áo dài Việt Nam; trưng bày những hiện vật, tư liệu quý về áo dài; đồng thời đưa áo dài đến gần hơn với người dân trong và ngoài nước.

Hiện Bảo tàng Áo dài là một trong hai bảo tàng tư nhân trực thuộc nhóm bảo tàng chuyên đề của Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM.

Thời gian qua, Bảo tàng Áo dài đã tổ chức nhiều hoạt động góp phần quảng bá áo dài đến với đông người dân.

Đặc biệt bảo tàng tạo điều kiện cho sinh viên các trường đại học tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu về trang phục dân tộc, học vẽ áo dài…

Nơi đây trở thành "trường học đặc biệt" của sinh viên quan tâm đến văn hóa, đến áo dài.

Giám đốc Bảo tàng Áo dài cho biết đơn vị luôn nỗ lực hợp tác, thực hiện và tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa cùng các cơ quan lãnh sự, tổ chức quốc tế, đưa áo dài trở thành một "sứ giả văn hóa".

Tổng lượt khách đến với bảo tàng năm 2022 là 39.150 khách (tăng 128,3%), khách đến bảo tàng năm 2023 là 55.295 khách (tăng 41,2%) so với năm trước.

Riêng những ngày đầu năm 2024, mỗi ngày bảo tàng đón khoảng 2.000 khách.

Năm 2023, Bảo tàng Áo dài được công nhận là một trong 10 điểm tham quan thú vị của TP.HCM.

Nhiều chiếc áo dài ý nghĩa được bảo tàng lưu giữ

Dịp này, ông Furudate Seiki - phó tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM - tặng chiếc áo dài vải Tsumami cho Bảo tàng Áo dài.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh - nguyên phó chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, nhà thiết kế Thủy Nguyễn cũng tặng áo dài cho bảo tàng.

Bà Ninh tặng chiếc áo dài cưới truyền thống của gia đình. Chiếc áo dài này từng được mẹ bà mặc trong ngày cưới để lại cho bà.

Nhà thiết kế Thủy Nguyễn tặng chiếc áo dài trong bộ sưu tập Cô Ba Sài Gòn. Chiếc áo dài có sự kết hợp giữa cái mới và cái cũ qua công nghệ, kỹ thuật cắt may, họa tiết.

"Để người trẻ mặc áo dài nhưng không thấy cũ kỹ nên tôi luôn cải tiến để tạo ra những cái mới, phù hợp nhiều vóc dáng, nhiều màu sắc để trông luôn tươi vui, trẻ trung. Họa tiết vừa cũ vừa mới, có sự giao duyên giữa phong cách châu Âu và châu Á" - Thủy Nguyễn nói.

Nhà thiết kế Thủy Nguyễn chia sẻ về chiếc áo dài chị tâm huyết - Ảnh: HOÀI PHƯƠNG

Nhà thiết kế Thủy Nguyễn chia sẻ về chiếc áo dài chị tâm huyết - Ảnh: HOÀI PHƯƠNG

Hoa hậu Hà Kiều Anh

Hoa hậu Hà Kiều Anh

Tham dự lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Bảo tàng Áo dài, hoa hậu Hà Kiều Anh nói: "Tôi đăng quang hoa hậu đến nay đã 32 năm. Ngần ấy năm qua, khi tham dự lễ hội trong và ngoài nước tôi đều mặc áo dài.

Áo dài là sự tự hào của tất cả con gái Việt Nam. Tôi tin rằng mỗi người khoác lên chiếc áo dài sẽ thấy gói gọn trong đó tình yêu quê hương, đất nước. Chính điều đó khiến tôi thấy xúc động khi diện áo dài".

Bảo tàng Áo dài tôn vinh hát ru, đờn ca tài tử dịp Vu lanBảo tàng Áo dài tôn vinh hát ru, đờn ca tài tử dịp Vu lan

Những câu hát ru, bài ca vọng cổ hát về người mẹ được các nghệ nhân, nghệ sĩ biểu diễn đã chạm đến cảm xúc của nhiều người xem.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên