Phóng to |
Một trong những nhà in của Gia Định báo, nay là tòa nhà số 4-6 Hồ Tùng Mậu, Q.1, TP.HCM - Ảnh: Minh Đức |
Kỳ 1: Tờ báo tiếng Việt đầu tiênKỳ 2: "Bếp núc" tờ Gia Định báo
In ấn, trình bày
Phần trình bày báo chia ra làm hai cột ở tất cả các trang. Đầu tiên là ghi tóm tắt những tin bài thuộc về “công vụ và tạp vụ” (cho tới những số báo năm 1872 mới có hình thức này) và sau đó là những tin bài thuộc về công vụ. So với trình bày báo ngày nay thì không khác gì mấy, trừ trang báo chỉ có hai cột nên đọc hơi mệt hơn. Vấn đề này có thể do kỹ thuật in ấn hồi ấy. Báo cũng không có tranh, ảnh minh họa mà chỉ thuần chữ là chữ. Không thấy tên người trình bày, do đó có thể đoán rằng việc trình bày báo do nhà in thực hiện.
Số lượng trang của báo về nguyên tắc là bốn trang. Song những năm về sau thì có sự thay đổi, có khi tăng lên tám, 12 và tối đa là 16 trang vì có nhiều thông tin cần kíp. Những năm từ sau 1879 do có nhiều thông tin, biên bản từ các cuộc họp của hội đồng quản hạt nên số trang thường nhiều hơn bốn. Về phụ trang thì từ năm 1874 đã xuất hiện phụ trang. Song số lượng không nhiều lắm, thông thường là hai trang và nội dung chủ yếu của các phụ trang cũng chỉ đăng thông tin “thứ vụ” như đua ngựa, đua ghe ngo ngày lễ tết, danh sách những người được giải thưởng canh nông, hội đấu xảo...
Báo được in ở đâu? In số lượng bao nhiêu? Ai phát hành? Những điều này hoàn toàn chưa được biết đến.
Khoảng 20 năm, báo được in ở “nhà in nhà nước”. Vì các tờ báo chỉ ghi tên “chánh tổng tài” và “bản in nhà nước” nhưng không có địa chỉ nhà in nên không biết nhà in này ở đâu. Theo Lục Châu học thì Sài Gòn thập niên 1960-1970 của thế kỷ 19 chỉ có hai nhà in. Một của nhà nước và một của tư nhân ở nhà thờ Tân Định.
Có tư liệu cho rằng nhà in nhà nước nằm ở số 63 Catinat (Đồng Khởi). Một đoạn dài trên đường Catinat ngày xưa đều là nhà in như Claude et Cie ở số 119, 121, 123, 125, 127 đường Catinat, Phát Toán ở 55-57 đường d’Ormay (Mạc Thị Bưởi), Imprimerie - Librairie de l'Union, số 157 Catinat... Và một vài tài liệu thuộc nhà nước những năm 1945 đã được in tại địa chỉ nêu trên. Song theo trang cinet.gov.vn, nhà in nhà nước ở Sài Gòn từ năm 1862-1868 nằm ở góc đường Nguyễn Du - Hai Bà Trưng nhưng không rõ ở phía nào.
Rất có thể là như thế vì nơi đây rất gần với “dinh quan thượng thơ” ở đường Catinat (có thể là Sở Văn hóa - thể thao và du lịch hiện nay - theo Nguyễn Hữu Hiệp). Từ năm 1893, báo in ở “nhà hàng Rey, Curiol et Cie”. Đây là nhà in tư nhân chuyên in sách báo thời ấy và cũng là nhà in quyển Đại Nam quấc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của, nằm ở số 4 đường d’Adran (Hồ Tùng Mậu ngày nay). Tới năm 1895 báo lại đổi nhà in và năm này báo in tại Imprimerie nouvelle Claude et Cie. Đây là một công ty in lớn thời kỳ này thành lập vào năm 1881 và có địa chỉ ở 99, 119, 121, 123,125, 127 Catinat (Đồng Khởi hiện nay).
Quảng cáo báo chí thời sơ khởi
Cho tới năm 1881, báo xuất hiện những trang quảng cáo ở trang cuối cùng. Thoạt đầu chỉ có nửa trang, dần dần số lượng tăng lên một trang và kéo dài khá ổn định, ít nhất cho tới năm 1900. “Nhà hàng ông Lacaze ở đường Catinat, Saigon có bán rượu chát, các thứ rượu, các món múi và làm dưa, để lâu, đồ đi săn bắng (bắn), thuốc súng, bì súng bể (bì không), đạng (đạn) súng sáu lòng (nòng), hạng nào cũng có...” hoặc “Pharmacie Normale ở góc đường Catinat và đường Olivier... Và cho ai nấy đặng hay, ông ấy có các vị thuốc riêng, làm theo bên I-viện thành Paris, cho đặng mà chữa các bệnh đau đậu mới cũ đặng và khỏi đau đớn gì; nội trong chừng 5-6 bữa thì lành bệnh...”.
“Pharmacie Normale ở góc đường Catinat và đường Olivier. Ông chủ thứ nhứt tiệm thuốc nầy làm lời rao cho mấy thân chủ năng tới bỏ thuốc đặng hay ông ấy có các thứ thuốc nhứt hạng để mà trị hết thảy các bệnh và trị các bịnh thuở nay người ta năng lấy làm khó...” (Ngày 28-1-1881). Có thể coi đây là những mẩu quảng cáo báo chí đầu tiên của nước ta.
Còn giấy in báo thì chắc chắn phải từ Pháp sang bởi kỹ thuật làm giấy in báo lúc ấy VN chưa có. Số lượng phát hành bao nhiêu chúng ta cũng không thể biết chắc. Theo Smith D.Warres, dân số Sài Gòn năm 1897 là 32.561 người, Chợ Lớn có 67.712 người, còn dân số cả Nam kỳ là 1.860.872 người (Đông Dương thuộc Pháp thế kỷ 19 - Ngô Bắc dịch). Theo Lục châu học của Nguyễn Văn Trung, báo Nông Cổ Mín Đàm những số đầu thập niên 1900 chỉ phát hành có 350 tờ. Trong tình hình và dân số như vậy, ước đoán số lượng phát hành của báo cũng không nhiều lắm, chừng 500 tới 1.000 tờ là nhiều.
Về thời điểm tồn tại của Gia Định báo trong bao lâu cũng chưa xác định rõ ràng. Có tài liệu cho rằng báo chấm dứt vào năm 1897, có người lại nói là năm 1909. Tập san hành chánh Nam Kỳ (Bulletin de Administration de la Cochinchine) năm 1909 cho biết nghị định của thống đốc Nam kỳ Guorbeil ngày 21-8-1909 ấn định ngày đình bản của tờ báo là 1-1-1910 (Nguyễn Văn Trung - Lục Châu học).
Mục lục trong vi phim về Gia Định báo ở Thư viện Tổng hợp thành phố cũng ghi số báo cuối cùng vào năm 1909 dù chỉ có bản phim tới năm 1900. Còn nhà nghiên cứu Lê Nguyễn xác định báo tồn tại đến ngày 31-12-1909. Nếu chọn năm 1909 là thời điểm cuối cùng thì tờ báo tồn tại đúng 45 năm.
Theo một số nhà nghiên cứu thì thời điểm của những năm 1880, chính quyền thực dân tập trung biến tờ báo thành một tờ công báo đúng nghĩa và phần “thứ vụ” hoặc “tạp vụ” vẫn còn nhưng không nhiều, tập trung cho các “thứ vụ” của chính quyền như thông báo “bán đất công thổ”, “danh sách các tiệm bán nha phiến”, thông báo nhắc dân chúng về những lệnh, quyết định đã công bố sắp có hiệu lực, thông báo về việc tòa án... “Cho ai nấy đặng hay nhà nước cho phép người ta lảnh (lãnh) mãi công ti đặt rượu, từ năm 1882, 1883 và 1884, lảnh riêng từ chỗ, mà không phải đấu giá, vậy ai muốn lảnh thì phải làm đơn, ở ngoài địa phương thì do quan chánh tham biện, ở tại Saigon thì do quan tá lý phó thượng thơ mà đầu đơn. Còn về lời giao ước, thì cũng tựu hai sở ấy mà coi” (Lời rao ngày 25-4-1881). |
_______________________
Dù bản chất là tờ công báo của chính quyền thực dân nhưng Gia Định báo, qua nội dung của mình, vẫn thể hiện được một phần bức tranh xã hội của Sài Gòn và Nam bộ xưa kia...
Kỳ tới: Nam bộ trên mặt báo xưa
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận