Tác giả Võ Ngọc Đoan Dung, người sáng lập dự án hỗ trợ người cao tuổi - Ảnh: ESG.
Trong thành phố thông minh, yếu tố cần thiết nhất là sự tiện lợi. Ví dụ như việc khai báo y tế và cấp "thẻ xanh" trong mùa dịch, thành phố thông minh sẽ cung cấp cho người dân nhiều cách thức để khai báo y tế cũng như cấp chứng nhận "thẻ xanh" một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất.
Điều này TP.HCM đã làm được khi cung cấp đa dạng cách khai báo y tế như quét mã QR, khai báo trên trang web cổng y tế điện tử và cả khai báo trên giấy.
Có thể nói, thành phố thông minh là nơi công nghệ phục vụ cho những nhu cầu sinh hoạt của người dân từ những điều nhỏ nhất như di chuyển trên phương tiện công cộng, các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe... Nhưng ý nghĩa của thành phố thông minh còn nằm ở việc cho dù có phát triển về công nghệ đến đâu, điều quan trọng nhất là không một ai bị bỏ lại phía sau.
Một thành phố phát triển chỉ thông minh với người trẻ, với đối tượng đại chúng vẫn chưa gọi là thông minh. Nó phải thông minh đối với cả những người lớn tuổi cũng như những người chưa có nhiều hiểu biết về mặt công nghệ, những người khuyết tật.
Là người sáng lập của một dự án dành cho người cao tuổi, tôi thường gặp trường hợp những người lớn tuổi bị công nghệ phức tạp làm khó. Những phương thức trong việc đăng ký và sử dụng của các công nghệ hiện đại thường gây khó hiểu với đối tượng này, dần khiến khoảng cách của các thế hệ xa hơn.
Còn đối với những người khuyết tật, một số công nghệ được phát minh ra mà bỏ qua việc làm sao để những người khuyết tật cũng có thể sử dụng; điều này cũng không tốt khi mà những người khuyết tật cũng là một phần trong xã hội của chúng ta.
Những đối tượng thuộc thiểu số trong cộng đồng này luôn hiện diện ở đó. Chúng ta luôn có những khẩu hiệu về việc phải nhìn nhận họ, thấu cảm họ và xem họ như những người bình thường nhưng những sáng kiến, phát minh của chúng ta vẫn chưa tạo nên sự gần gũi, thân thiện với họ, vô tình khiến họ bị lãng quên phía sau trong công cuộc phát triển của thời đại, của thành phố.
Vì thế, để tiến lên một thành phố thông minh thì những thiết kế công cộng, những quy hoạch của thành phố phải nghĩ đến đối tượng người cao tuổi và người khuyết tật, như làn đường đi bộ riêng dành cho người khuyết tật, những phương tiện giao thông cá nhân thân thiện, dễ sử dụng cho người cao tuổi và có thể thích ứng được với người khuyết tật.
Cuối cùng, thay vì chỉ tập trung phát triển về mặt chiều cao, chạy đua khoa học kỹ thuật hiện đại nhất, tân tiến nhất thì chúng ta cần chú ý và quan tâm đến việc phát triển một thành phố thông minh theo chiều rộng, nơi mà mọi người dân trong xã hội, trong thành phố đều có thể hưởng lợi từ sự "thông minh" của thành phố. Đó mới chính là giá trị nhân văn thật sự của một thành phố thông minh.
Trần Bình Quang (sinh viên năm 4, khoa khoa học máy tính, Trường ĐH Công nghệ thông tin và truyền thông Việt - Hàn, Đà Nẵng):
Hệ thống báo tự động khi ngập
Hiện nay, ngập vẫn đang là vấn đề nan giải của TP.HCM. Đã có một vài ứng dụng giúp người dân biết và tránh tuyến đường ngập, nhưng tôi mong muốn nhiều hơn điều đó.
Tôi mong thành phố thông minh trong tương lai không chỉ giúp người dân biết trước thời điểm ngập, thời gian ngập, vị trí ngập và mức ngập; ứng dụng tạo ra cần có phần ghi nhận những thông tin tai nạn, sự cố tại các điểm ngập lụt trước đó (như vị trí nắp cống thoát nước, chỗ cột điện có nguy cơ đứt dây, đổ gãy...).
Khi gần đến những điểm nguy hiểm, hệ thống sẽ tự động báo cho người dùng. Những đánh dấu đó vừa giúp người dân tránh nguy hiểm, vừa giúp cơ quan có thẩm quyền biết đến và sửa chữa nhanh chóng.
Thêm nữa, ứng dụng cần tích hợp phần "hỗ trợ" - tổng hợp những số liên hệ, cứu trợ, cần thiết cho người dùng khi họ gặp sự cố và muốn tìm sự giúp đỡ. Ở trình độ công nghệ cao hơn, hệ thống hoạt động của phần mềm AI sẽ tự động bật nút "hỗ trợ" khi cảm thấy người dùng gặp sự cố và không thể sử dụng phần mềm.
Ngoài ra, ứng dụng cần chỉ ra những địa điểm có thể tạm dừng chân, sửa chữa mọi sự cố về xe cộ hư hỏng do ngập. Tôi mong TP.HCM sẽ có những giải pháp, ứng dụng thật hữu ích, nhanh chóng giúp người dân đỡ than phiền vì ngập.
THU HƯƠNG ghi
Diễn đàn "Hiến kế giải pháp công nghệ phát triển TP.HCM" do Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM tổ chức với sự phối hợp cùng báo Tuổi Trẻ, Hội Tin học TP.HCM (HCA), diễn ra từ ngày 22-11- 2021 đến hết ngày 30-12-2021.
Diễn đàn mong tiếp tục nhận được những bài viết thể hiện ý tưởng, sáng kiến, ý kiến giải pháp công nghệ phục vụ phát triển TP.HCM. Mọi bài viết xin gửi về: hienkecongnghe@tuoitre.com.vn.
Mỹ Dung
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận