Sinh viên các trường đại học có công trình nghiên cứu xuất sắc được tặng bằng khen của UBND TP.HCM tại Ngày hội doanh nghiệp công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo năm 2019 - Ảnh: TỰ TRUNG
Đây cũng là cơ hội, đồng thời là bài toán để TP tận dụng được tiềm lực từ thế hệ trẻ năng động cho sự phát triển công nghệ trong tương lai.
Để tận dụng được nguồn chất xám trẻ cũng như sự năng động, nhiệt huyết từ sinh viên đang học tập và nghiên cứu tại TP.HCM cho sự phát triển chung của công nghệ thành phố, theo tôi, việc trước tiên là cần tạo thêm nhiều môi trường cho các bạn trải nghiệm các nghiên cứu hay khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
ThS LÊ QUANG NHẬT
Chặng đường dài từ ý tưởng đến thực tế
Lớn lên trong sự tăng trưởng của kinh tế và công nghệ, thế hệ Z gắn liền với thế giới số. Sinh viên gen Z am hiểu nhiều nền tảng công nghệ, luôn chủ động trong những gì mình muốn làm dù là khởi nghiệp, nghiên cứu, khám phá...
Đặc biệt ở ĐH Quốc gia TP.HCM, năng lực của sinh viên thường rất tốt nên luôn có những sáng kiến, ý tưởng được đánh giá cao trong lĩnh vực khoa học, công nghệ.
Tuy nhiên, để những ý tưởng từ chất xám sinh viên trở thành những sản phẩm, giải pháp thiết thực trong cộng đồng nhằm đóng góp cho sự phát triển đổi mới sáng tạo của TP.HCM là cả một chặng đường dài.
Chẳng hạn, sản phẩm cần phải qua nhiều vòng kiểm chứng tính khả thi, tính ứng dụng, tính mới và chi phí cạnh tranh. Nhiều sáng kiến khoa học, công nghệ của sinh viên ở những bước đầu có thể rất hay nhưng vẫn chưa đến được với thực tế thì đã phải dừng lại bởi những tiêu chí khắt khe trên.
Một trở ngại khác là khả năng kết nối giữa các đội nhóm khi triển khai một ý tưởng công nghệ. Nhiều bạn rất giỏi về công nghệ thông tin cũng không thể tự mình thành công nếu thiếu những đối tác đến từ các mảng mà sản phẩm, giải pháp đang hướng tới.
Ví dụ, một sinh viên mạnh về lập trình có tiềm năng sáng tạo những ứng dụng cho trồng trọt tự động sẽ không thể tiến xa nếu thiếu những người đồng đội hiểu biết trong lĩnh vực nông nghiệp. Khi các bạn có được một đội nhóm toàn diện, khả năng các bạn có được một sản phẩm mang tính ứng dụng sẽ cao hơn.
Không gian mở rộng năng lực và tư duy
Để tận dụng được nguồn "chất xám" trẻ cũng như sự năng động, nhiệt huyết từ số lượng lớn sinh viên đang học tập và nghiên cứu tại TP.HCM cho sự phát triển chung của công nghệ TP, theo tôi, việc trước tiên là cần tạo thêm nhiều môi trường cho các bạn trải nghiệm các nghiên cứu hay khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Có thể từ các cuộc thi tìm kiếm ý tưởng, các sự kiện, các khóa học hoặc chương trình ươm tạo cho các dự án tiềm năng. Tại đó, các bạn sẽ có không gian mở rộng kiến thức nền tảng của mình về hoạt động sáng tạo, được "kiểm chứng" những ý tưởng, các sản phẩm, giải pháp đang và sẽ triển khai.
Nhiều trường có những chương trình liên quan đến nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cho sinh viên giao lưu từ rất sớm. Một số bạn cũng được tham gia vào các công trình của giảng viên, trong đó nhiều thầy cô đang đảm nhiệm các dự án thương mại hóa cho các doanh nghiệp. Nhờ vậy, sinh viên càng có dịp cọ xát thực tế.
Khu công nghệ phần mềm thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM hằng năm cũng tổ chức nhiều cuộc thi. Điển hình là cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp CiC, tạo sân chơi cho các bạn trẻ đang có những ý tưởng công nghệ.
Các bạn sẽ trải qua nhiều bước từ khi có mô hình giải pháp cho tới lúc đưa sản phẩm vào thị trường. Các bạn sẽ được kết nối với nhiều chuyên gia và doanh nghiệp, từ đó có thể nâng cao nội lực của chính mình và sau đó có thêm các đầu mối hợp tác tiếp tục được phát triển giải pháp công nghệ của mình.
Những môi trường cho các bạn trẻ trải nghiệm như thế sẽ hình thành trong các bạn một "tư duy đổi mới sáng tạo" ở thời đại số. Rõ ràng không phải một dự án khoa học, công nghệ nào xuất phát từ sinh viên cũng có thể đứng được trên thị trường.
Tuy nhiên nhờ "lăn lộn" để có được "tư duy đổi mới sáng tạo", các bạn sẽ luôn giữ được tâm thế "làm chủ" dù ở bất kỳ vị trí nào. Bạn sẽ có động lực liên tục cập nhật, ứng dụng công nghệ cho công ty, tổ chức. Bạn luôn năng động và bắt kịp được những xu hướng mới trong thời đại công nghệ.
Thực tế hiện nay các công ty luôn cần những người có "tư duy đổi mới sáng tạo" như vậy. Không phải chỉ cần cho những vị trí dẫn dắt cả công ty mà ngay ở từng phòng ban hay từng dự án cũng cần người có tố chất này.
Nhìn rộng ra càng nhiều lao động thế hệ tương lai có tư duy sáng tạo, TP chắc chắn sẽ có thêm nhiều động lực từ con người để phát triển công nghệ.
Môi trường trải nghiệm cho sinh viên
Kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp cũng là rất cần thiết trong việc xây dựng một môi trường trải nghiệm cho sinh viên đi sát với thực tế. Doanh nghiệp có thể tham gia vào việc hướng dẫn, hỗ trợ các dự án có tiềm năng, qua đó các bạn trẻ sẽ có thêm cơ hội để học và làm.
Nhiều sinh viên sau khi tham gia nhiều cuộc thi, khóa học có sự đồng hành từ các chuyên gia trong doanh nghiệp đã tích lũy được rất nhiều kiến thức, kỹ năng hữu ích và trưởng thành hơn rất nhiều với các sản phẩm công nghệ của mình.
Mời tham gia hiến kế giải pháp công nghệ phát triển TP.HCM
Diễn đàn "Hiến kế giải pháp công nghệ phát triển TP.HCM" do Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM phối hợp cùng báo Tuổi Trẻ, Hội Tin học TP.HCM tổ chức từ ngày 22-11 dự kiến đến 30-12-2021. Bạn đọc trong và ngoài nước đều có thể tham gia đóng góp ý kiến cho diễn đàn.
Các sáng kiến, ý tưởng, hiến kế hay, thiết thực được biên tập thành kỷ yếu để tiếp tục tuyên truyền rộng rãi; các tác giả có bài đăng được mời tham dự gặp gỡ, đối thoại với lãnh đạo thành phố về công nghệ và được TP.HCM xem xét đặt hàng, hỗ trợ phát triển theo quy định.
Email hienkecongnghe@tuoitre.com.vn hoặc tòa soạn báo Tuổi Trẻ, số 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Ghi rõ tham gia diễn đàn "Hiến kế giải pháp công nghệ phát triển TP.HCM".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận