Solve for Tomorrow là cuộc thi dành cho học sinh THCS và THPT do Samsung Việt Nam tổ chức, khuyến khích các em chủ động nghiên cứu và ứng dụng giáo dục STEM để giải quyết những vấn đề của địa phương.
Tìm giải pháp cho tương lai từ thực tại
Lần thứ 5 được tổ chức, Solve for Tomorrow đã có sức lan tỏa mạnh mẽ với hơn 150.000 học sinh, giáo viên đăng ký và nhận về 2.266 bài dự thi, tăng gấp đôi so với năm 2022.
Ngày 25-11, vòng chung kết Solve for Tomorrow 2023 diễn ra tại Hà Nội với sự tranh tài của 10 đội thi xuất sắc nhất đến từ nhiều tỉnh thành trên cả nước bao gồm 5 đội thi của bảng A (khối THCS) và 5 đội thi của bảng B (khối THPT) với các dự án thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau từ môi trường, giáo dục cho đến y tế, sức khỏe...
Với phần tranh biện tự tin, hai sản phẩm robot nông nghiệp của đội thi Khóm Cầu Đúc - Hậu Giang (khối THCS) và thiết bị y tế đo bốn chỉ số của đội Mindful Medical Brand - Hà Nội (khối THPT) đã giành ngôi vị quán quân của cuộc thi.
Điểm chung thú vị của cả hai đội thi là sản phẩm của hai đội đều xuất phát từ cách các bạn quan sát, nhìn nhận về cuộc sống xung quanh và có tính thực tiễn cao.
Sinh ra và lớn lên tại huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang), hai bạn trẻ Mai Nguyễn Gia Mỹ và Vũ Trần Gia Huy đã quá quen với cây lúa.
Quan sát cách ông bà canh tác lúa hằng năm, Gia Mỹ đã nảy ra ý tưởng chế tạo robot để giúp người nông dân tại địa phương hiểu hơn về thửa ruộng nhà mình.
"Quê em là vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đất thường bị nhiễm phèn cao, thêm nữa việc người dân sử dụng phân bón quá liều lượng cũng ảnh hưởng đến môi trường đất làm đất bị thoái hóa.
Vì vậy, em đã thiết kế và chế tạo Agrorobot để giúp người nông dân nắm được tình trạng đất và có phương thức sản xuất phù hợp", Gia Mỹ bộc bạch.
Agrorobot có ba chức năng: di chuyển được trên đồng ruộng, giám sát qua web hoặc ứng dụng bằng công nghệ IOT và tổng hợp dữ liệu về đất để hỗ trợ nông dân sản xuất lúa.
Phụ trách lập trình và thiết kế bản vẽ, Vũ Trần Gia Huy cho biết robot được thiết kế cao hơn so với cây lúa để khi chiếc máy này di chuyển trên đồng ruộng cây lúa sẽ không bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, phần bánh xe cũng đảm bảo có thể di chuyển trên địa hình bùn lầy, độ ma sát cao tại ruộng.
Đánh giá cao ý tưởng của hai bạn học sinh lớp 9 Trường THCS Thuận An, thầy Nguyễn Văn Sơn - giảng viên Trường đại học Hoa Sen, người hướng dẫn nhóm - nhấn mạnh Agrorobot có tính thương mại hóa cao, hai bạn cũng có ý tưởng cải tiến Agrorobot thành máy bay không người lái để thuận lợi hơn cho việc di chuyển và đo đạc.
Còn sản phẩm MedIQ - hộp y tế thông minh của bốn chàng trai Nguyễn Hoàng Dũng, Tô Hữu Phát, Lê Gia Bách và Nguyễn Quang Anh trong nhóm Mindful Medical Brand (Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam) - lại nảy ra từ câu chuyện có thật.
"Năm ngoái một người bác của em bị đột quỵ, sau thời gian nằm điều trị hơn ba tháng tại bệnh viện, khi về nhà bác vẫn cần chăm sóc đặc biệt từ các nhân viên y tế.
Sau đó, em biết nguyên nhân chính khiến bác bị đột quỵ là do bệnh cao huyết áp nhưng không được điều trị sớm. Chính vì vậy, sản phẩm này ra đời nhằm giúp người dân theo dõi sức khỏe của mình", Hữu Phát chia sẻ.
Ưu điểm của hộp y tế thông minh này là thiết kế nhỏ gọn, có thể đo được bốn chỉ số: huyết áp, nhịp tim, thân nhiệt và nồng độ SPO2 trong máu.
Việc tích hợp bốn tính năng kể trên trong một sản phẩm là điều mà các sản phẩm khác trên thị trường chưa làm được.
Theo cô Lê Thị Thúy - giáo viên môn tin học Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, người hướng dẫn của nhóm, sản phẩm này có tính ứng dụng cao, rất phù hợp cho phòng y tế của trường học.
"Các cô y tế khi khám sức khỏe cho các bạn thường phải nhập liệu thủ công, xử lý báo cáo dữ liệu rất lâu. MedIQ có khả năng cập nhật, lưu trữ dữ liệu theo thời gian thực có thể giúp công việc của mọi người nhẹ nhàng hơn.
Dữ liệu thu được có vai trò quan trọng trong định hướng sức khỏe, chế độ ăn cho học sinh nhất là tại các trường có tỉ lệ béo phì cao", cô Thúy cho biết.
Ươm mầm tài năng công nghệ Việt
Đánh dấu chặng đường 5 năm, cuộc thi Solve for Tomorrow tiếp cận với hơn 300.000 học sinh, giáo viên, gần 5.200 bài dự thi được gửi về.
Qua đó, cuộc thi đã góp phần phổ cập giáo dục STEM, đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động nuôi dưỡng nhân tài công nghệ tại Việt Nam.
Ông Choi Joo Ho, tổng giám đốc Samsung Việt Nam, đánh giá thanh thiếu niên là thế hệ mang trong mình tiềm năng vô hạn.
Đây cũng chính là thế hệ có thể đưa ra những giải pháp về các vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt như thịnh vượng chung cho nhân loại, bảo vệ môi trường, xây dựng xã hội an toàn...
"Chúng ta cần không ngừng quan tâm và hỗ trợ thế hệ trẻ trên hành trình nuôi dưỡng khả năng giải quyết vấn đề một cách sáng tạo.
Bên cạnh đó, năng lực cạnh tranh về khoa học công nghệ chính là năng lực cạnh tranh của quốc gia. Đây cũng chính là lý do để Việt Nam cần phải đẩy mạnh giáo dục STEM hơn nữa.
Samsung sẽ luôn nỗ lực trong việc nuôi dưỡng và phát triển nhân tài khoa học công nghệ Việt Nam thông qua các chương trình như Solve for Tomorrow, Samsung Innovation Campus...", ông Choi Joo Ho chia sẻ.
Với tầm nhìn "Together for Tomorrow! Enabling People" (Cùng nhau vì ngày mai - Trao quyền cho mọi người), Samsung đang tập trung triển khai các hoạt động bồi dưỡng thế hệ trẻ tương lai thông qua nhiều chương trình khác như: dự án Phát triển nhân tài công nghệ Samsung Innovation Campus (SIC); dự án "Không gian chia sẻ S Hub" tại TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng; "Không gian công nghệ S Hub Kids" dành cho các em học sinh yêu thích các môn học STEM; chương trình "Tài năng Samsung" hợp tác với các trường đại học; dự án "Ngôi trường hy vọng Samsung" nhằm mang lại cơ hội học tập ngoại khóa cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận