Chiều 17-10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị ngăn chặn nhập lậu gia súc, gia cầm và giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững.
Gà, heo, bò 'ồ ạt' nhập lậu vào Việt Nam
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số vụ nhập lậu gia súc, gia cầm gia tăng nhanh, trong 9 tháng đầu năm, lực lượng chức năng đã thu giữ gần 160.000 động vật, gần 44.000 quả trứng gia cầm, hơn 116.000kg sản phẩm động vật.
Ông Phan Quang Minh, phó cục trưởng Cục Thú y, cho biết theo số liệu thống kê của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, ước tính lượng gà sống nhập tiểu ngạch, nhập lậu qua biên giới lên tới 200.000 - 250.000 tấn mỗi năm, chưa kể mỗi tháng có hàng chục nghìn tấn gà thải loại nhập lậu.
Thiếu tướng Bùi Trọng Thế, phó cục trưởng Cục An ninh kinh tế (Bộ Công an), cho biết trong thời gian qua, lực lượng chức năng Lạng Sơn đã bắt giữ 31 vụ vi phạm liên quan tới kinh doanh và vận chuyển gia cầm nhập lậu, xử phạt hành chính hơn 214 triệu đồng, thu tiêu hủy trên 100.000 con giống gia cầm các loại.
Tại Quảng Ninh, lực lượng chức năng đã bắt 3 vụ với trên 50.000 con giống gia cầm các loại, trên 19.000 quả trứng. Tại Long An, Công an Long An bắt giữ 2 vụ, khởi tố 4 đối tượng có hành vi buôn lậu trên 50 con heo. Tại Tây Ninh bắt 7 đối tượng nhập lậu trên 50 con bò.
"Thời điểm này, người chăn nuôi gia cầm trong nước đang tăng đàn để chuẩn bị cung ứng sản phẩm gia cầm vào dịp cuối năm, do vậy nhu cầu về con giống tăng cao.
Nắm bắt được thực tế đó, các nhóm buôn lậu tìm mọi cách nhập lậu gia cầm giống để tiêu thụ, khiến tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm và các sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam càng trở nên phổ biến" - ông Minh phân tích.
Người chăn nuôi thua lỗ... có phần vì nhập lậu
Ông Nguyễn Xuân Dương, chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, cho rằng vấn đề nhập lậu gia súc gia cầm là vấn đề lớn, tác động đến toàn bộ các yếu tố của chăn nuôi bền vững.
"Không kiểm soát tốt nhập lậu không thể kiểm soát được dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là khi đa phần bệnh dịch trong chăn nuôi ở Việt Nam do truyền nhiễm từ nước ngoài vào. Cùng với đó, hệ lụy là không kiểm soát được an toàn thực phẩm, sức khỏe người tiêu dùng bị đe dọa" - ông Dương nói.
Đồng tình với các ý kiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh ngành chăn nuôi phải lớn mạnh, trụ vững, không để làn sóng nhập lậu vào.
Theo ông Tiến, từ trâu bò đến heo gà vịt mà đều nhập lậu thì ngành chăn nuôi không thể phát triển, thậm chí ảnh hưởng tới giá bán gà, heo... của người chăn nuôi.
"Mấy năm nay người chăn nuôi thua lỗ nghiêm trọng, phá sản, chăn nuôi ăn hết cả sổ đỏ, ăn hết cả xe... Chưa kể bao công sức xây dựng vùng an toàn dịch bệnh hướng đến xuất khẩu có thể đổ sông đổ biển nếu không kiểm soát tốt tình hình nhập lậu gia súc, gia cầm..." - ông Tiến nói.
Từ thực tế đó, ông Tiến đề nghị các ngành chức năng, các đơn vị của bộ thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng về ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép gia súc, gia cầm qua biên giới vào Việt Nam.
"Các đơn vị phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, chứ không phải biết rồi bỏ đấy mà phải làm đến nơi đến chốn, phải có quy chế phối hợp cụ thể, rõ ràng" - ông Tiến nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận