20/04/2020 14:49 GMT+7

Hệ thống bác sĩ gia đình là lá chắn đại dịch

VÕ TRUNG DUNG
VÕ TRUNG DUNG

TTO - Theo thống kê năm 2018, nước Pháp có 102.466 bác sĩ gia đình. Mật độ bình quân 153 bác sĩ cho 100.000 dân, các phòng mạch chủ yếu tập trung ở các thành phố đông dân cư.

Hệ thống bác sĩ gia đình là lá chắn đại dịch - Ảnh 1.

Bác sĩ gia đình ở Pháp (trái) khám bệnh trong mùa dịch - Ảnh: AFP

Buổi sáng đầu xuân ở Antony, một quận khá giả thuộc ngoại ô phía nam thủ đô Paris. Bác sĩ Hélène Grimaud rời nhà, băng qua đường, tới phòng mạch gần đó. Ngày làm việc của cô bắt đầu bằng lao động... chân tay: khử trùng phòng chờ và phòng tiếp bệnh nhân, từ nắm tay cửa, ghế ngồi cho tới bàn phím máy vi tính.

Lo trận bão kế tiếp

"Hôm nay lịch khám ở đây hầu như trống. Lượng khách tới phòng mạch đã giảm 30-70%, tùy theo ngày, từ khi tuyên bố đại dịch và phong tỏa. Các bệnh nhân bình thường hoặc phần lớn có bệnh mãn tính mà tôi theo dõi định kỳ chọn cách gọi cho tôi. Một là khám qua điện thoại hoặc trực tuyến nghe nhìn nếu có thể. Hai là xin toa thuốc qua thư điện tử. Ba là xin khám tại nhà. Mọi người đều sợ bị lây nhiễm khi tới phòng mạch".

Đến lúc này, bác sĩ Hélène cũng như các đồng nghiệp của cô đều phải tuân thủ biện pháp cách ly và có mất thu nhập đôi chút. Nhưng điều họ đang lo sợ nhất là "một trận bão khác" sẽ đến do kiểu khám bệnh từ xa. "Những bệnh nhân tiểu đường, tim mạch, ung thư... từ bị nhẹ sẽ thành nặng sau vài tháng không được theo dõi chặt chẽ. Đây sẽ là vấn đề lớn cho cộng đồng" - bác sĩ Hélène nhìn nhận.

Như bác sĩ Hélène Grimaud, đại đa số các bác sĩ gia đình đều trong cùng hoàn cảnh nghề nghiệp và tổ chức. Và cùng là "nạn nhân" của chính sách và thông tin lủng củng từ các nhà chức trách, khi họ ban hành khuyến cáo: hãy ở nhà và khám qua phương tiện viễn thông. Vấn đề là trong nghề y rất ít triệu chứng lâm sàng có thể chẩn đoán qua ứng dụng nghe nhìn!

Những trinh sát tay trần

Trong chiến lược và chiến dịch chống COVID-19 của Pháp hiện nay, các bác sĩ gia đình đóng vai trò như lớp chiến sĩ trinh sát. Họ đi tới tận nhà bệnh nhân, khám, chẩn đoán nhưng không thể xét nghiệm mà chỉ trấn an, giải thích về bệnh. 

Rồi họ làm công việc tổ chức, vừa là "liên lạc viên" vừa là "lớp sụn" cho khoa cấp cứu ở bệnh viện. Họ đảm nhiệm tận tâm nhưng trong nỗi sợ hãi. Nỗi sợ hãi cho sự an toàn của gia đình mình nhiều hơn cho chính bản thân.

Thực tế trong những ngày đầu chống dịch, các bác sĩ gia đình gần như "tác chiến tay không". Chính quyền chưa kịp chuẩn bị đủ các công cụ bảo vệ, thiếu không chỉ các bộ đồ bảo hộ an toàn mà đến cả khẩu trang.

Trao đổi qua điện thoại, nữ bác sĩ gia đình tên Anne F. ở thành phố Toulouse cũng không giấu được sự phẫn nộ: "Tôi và đồng nghiệp sẵn sàng làm tất cả, có thể là hi sinh cho cộng đồng, cho bệnh nhân trong thời dịch bệnh khủng khiếp này. Đó là nhiệm vụ của thầy thuốc và cũng là nhiệm vụ công dân. 

Nhưng chúng tôi nhận thấy rõ điều này: những tuần đầu của đại dịch, chính phủ đã dùng bác sĩ gia đình như quân tiền vệ, quân cảm tử, giáp giặc với hai bàn tay không! Không khẩu trang, không áo bảo hộ và gần như không có thông tin y học về con virus này".

Bác sĩ Anne cho biết họ đã và đang đóng vai trò thanh lọc và lá chắn cho các bệnh viện đang bị quá tải. "Chúng tôi được giao trách nhiệm chẩn đoán ai cần nhập viện, ai chưa và ai không. Nhưng thẩm quyền của chúng tôi lại bị giới hạn và tùy thuộc vào khả năng đón tiếp ở bệnh viện. Nếu câu chuyện này không phải là bi hài kịch thì là cái gì?", bác sĩ Anne đặt lại câu hỏi.

Thật ra, giới chức trách Pháp hiện thừa biết sự trớ trêu về chính sách và tổ chức. Vấn đề nằm ở bộ máy hành chính và chuỗi quyết định nặng nề, không linh động, thiếu kỹ năng thực tế của các cơ quan y tế và liên quan.

Hệ thống bác sĩ gia đình

Tuổi trung bình của bác sĩ gia đình ở Pháp trong khoảng 47-55. Tỉ lệ giới tính: 47% nữ và 53% nam. Thu nhập bình quân sau khi khấu trừ các chi phí hành nghề (phòng mạch, thiết bị, viễn thông, thuế, bảo hiểm, tập huấn chuyên môn) trong khoảng 1.300 - 2.500 euro/tháng.

Bác sĩ gia đình đều có "hợp đồng" với bảo hiểm y tế công. Tuy ít thay đổi, phí khám vẫn được quy định mỗi năm theo thời giá và lạm phát. 94% bác sĩ chấp nhận thỏa thuận "1" với phí khám 25 euro. Giá của thỏa thuận "2" cao hơn, 30 euro, nhưng bảo hiểm y tế vẫn trả giá sàn, phần còn lại được trả bởi bảo hiểm (tư nhân) phụ nếu có. Chất lượng khám không khác nhau. Sự khác biệt nằm ở cơ sở vật chất, như phòng chờ "sang trọng" và lấy hẹn nhanh chóng hơn.

300

là số khách sạn thuộc Tập đoàn Accor tham gia Hệ thống thử nghiệm cách ly bệnh nhân COVID-19 tại khách sạn mang tên "Covisan". Nhằm phá vỡ các chuỗi lây nhiễm virus corona, hệ thống này dành cho bệnh nhân có tình trạng sức khỏe ổn định và chưa đến mức phải nhập viện.

Mạng lưới bệnh viện Paris (AP-HP) chủ trì thử nghiệm này. Họ huy động sự tham gia của Hội Chữ thập đỏ và hệ thống phòng khám gia đình để các bác sĩ gia đình có thể đưa bệnh nhân của họ vào danh sách đối tượng dự án. Việc theo dõi diễn biến bệnh tình của bệnh nhân dựa trên kinh nghiệm triển khai hiệu quả nền tảng Covidom trợ giúp người nhiễm virus trong một tháng qua.

Bác sĩ gia đình 'gỡ' quá tải Bác sĩ gia đình "gỡ" quá tải

TTO - Bác sĩ gia đình (BSGĐ) được ngành y tế xem là giải pháp triệt để chữa trị “bệnh quá tải bệnh viện” ngày càng trầm trọng ở VN, tuy nhiên vẫn còn nhiều trăn trở, thách thức...

VÕ TRUNG DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên