Sáng 17-7, tại bàn tiếp người bệnh Trạm y tế P.3 (Q.5, TP.HCM), nhân viên vô tư nhổ tóc sâu dù có khách vào hỏi thăm - Ảnh: HOÀNG LỘC
Có những trạm chỉ có một người đến khám trong ngày, có trạm không có người nào
Ông TĂNG CHÍ THƯỢNG
Ông nói: Hiện nay TP.HCM có tổng cộng 319 trạm y tế, phần lớn là trạm y tế phường. Có những trạm chỉ có một người đến khám trong ngày, có trạm không có người nào.
Số liệu tổng kết cho thấy tỉ lệ người dân đến khám ở các trạm y tế rất thấp, chỉ chiếm 3,5% so với tổng số lượt khám trên địa bàn.
* Như vậy, việc tồn tại các trạm y tế phường hiện nay có thể nói rất lãng phí?
Ông Tăng Chí Thượng - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - Ảnh: H.K.
- Trước đây trạm y tế có hai chức năng chính là phòng và khám chữa bệnh ban đầu, trong đó chức năng phòng bệnh rất quan trọng. Nếu một phường không có trạm y tế để thực hiện chức năng này thì công tác phòng chống dịch bệnh sẽ rất khó khăn.
Hiện nay, ngoài hai chức năng kể trên còn thêm một chức năng rất mới là quản lý sức khỏe từng người dân trên địa bàn. Nghĩa là đang tiến tới mỗi người dân sẽ có một "hồ sơ sức khỏe điện tử" từ lúc sinh ra cho đến khi qua đời.
Đó là xu thế của các nước tiên tiến đã làm, nếu không có hệ thống các trạm y tế thì không thể làm nổi.
* Tính khả thi của mô hình này như thế nào, thưa ông?
- Các trạm y tế sẽ hoạt động theo mô hình y học gia đình, quản lý chặt sức khỏe người dân, tư vấn cách phòng bệnh, tư vấn về tiêm chủng chứ không đơn thuần đến khám rồi về như đến bệnh viện.
Song song với mô hình này, Sở Y tế vẫn đang triển khai các mô hình phòng khám đa khoa quận, huyện đặt ở trạm y tế và thí điểm một trạm y tế theo mô hình xã hội hóa. Hiệu quả ban đầu khá khả quan.
* Thực tế có những trạm y tế ở khu trung tâm rất gần nhau và rất gần với các bệnh viện. Đơn vị có tính toán sắp xếp lại các trạm y tế này cho hiệu quả?
- Sở Y tế cũng đang đánh giá lại những trạm y tế ở khu vực nào có chức năng khám chữa bệnh và trạm nào không có chức năng này để điều chỉnh cho hợp lý. Ví dụ những trạm ngay trung tâm Q.1, Q.3, Q.5, Q.10 rất gần các bệnh viện đa khoa lớn đúng là không cần thiết.
Đứng về góc độ chi phí hiệu quả có nên thực hiện chức năng này hay không đơn vị cũng phải tính toán lại.
* Vậy giải pháp sắp tới là gì, thưa ông?
- Điều mà ngành y tế lo lắng nhất là người dân không tin tưởng đến trạm y tế khám. Để trạm y tế thu hút được người dân, cốt lõi nhất theo Sở Y tế nhận định là phải nâng cao nhân lực về cả số lượng và chất lượng.
Theo lộ trình đến năm 2021 các bệnh viện sẽ sáp nhập vào các trung tâm y tế. Khi đó, đơn vị sẽ tham mưu mỗi trung tâm y tế phải cử ít nhất 2 bác sĩ xuống trạm y tế, luân phiên chứ không phải cố định nhằm giúp người dân tin tưởng hơn.
Đó là giải pháp theo tôi là quan trọng và khả thi.
Ngoài ra, tất cả các trạm y tế sẽ được tổ chức theo mô hình bác sĩ gia đình. Trước mắt Bộ Y tế đã chọn ra 26 trạm thí điểm mô hình này trên cả nước, riêng TP.HCM được chọn 3 trạm ở huyện Cần Giờ, Q.Tân Phú, Q.Thủ Đức.
Đơn vị cũng đã đề xuất thêm mỗi quận huyện còn lại có một trạm để thí điểm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận