Giới trung lưu sẽ là nguồn lực khôi phục kinh tế lớn nhất của Trung Quốc thời hậu COVID-19 - Ảnh: AFP
Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại Trung Quốc, Emma Wang bắt đầu dành dụm phần tiền tính dùng cho việc đi lại và du lịch.
Đến thời điểm các chính quyền địa phương tại Trung Quốc dần nới lỏng các hạn chế, cô Wang duy trì việc tiết kiệm và thay đổi chi tiêu cho phù hợp.
Các hộ gia đình Trung Quốc thời kỳ hậu phong tỏa phải đối mặt với tình hình suy thoái kinh tế trong nước, tỉ lệ thất nghiệp tăng và thu nhập sẽ sụt giảm.
Đại dịch đã nâng tầm quan trọng của việc tiết kiệm tiền bạc để dành trong mắt Wang. Sự thay đổi của cô có thể xem là tín hiệu cho sự dịch chuyển nhu cầu trong giới trung lưu của Trung Quốc.
Theo báo South China Morning Post, các hộ gia đình tại quốc gia này hiện tập trung chi tiêu cho gia đình nhiều hơn, chọn lựa những nhãn hàng nhất định và dành nhiều thời gian mua sắm trực tuyến.
"Gần đây tôi đã nghĩ về các ưu tiên cá nhân của mình. Sau khi dịch bệnh đi qua, tôi sẽ trân trọng những dịp đặc biệt mà cả gia đình ở bên nhau. Không cần phải cắt giảm chi tiêu cho những điều như thế", cô Wang giải thích.
Kể từ tháng 3-2020, Trung Quốc nhìn chung đã thành công trong việc đẩy mạnh sản xuất với tỉ lệ quay trở lại làm việc tăng khoảng 70-95% của thời điểm trước COVID-19, các chuyên gia phân tích ước tính.
Tuy nhiên, tiêu dùng nội địa của Trung Quốc vẫn chưa thể trở lại mức cũ. doanh thu bán lẻ trong tháng 3 giảm 15,8% so với cùng kỳ năm ngoái, tức giảm liên tiếp từ đầu năm. Chi tiêu cho ăn uống ở ngoài giảm 46,8% và doanh thu bán xe giảm 18,1% trong tháng 3.
Doanh thu bán lẻ tại Trung Quốc sụt giảm gần 16% trong tháng 3-2020 - Ảnh: XINHUA
Xu hướng tiêu dùng mới
Ông Aidan Yao - chuyên gia kinh tế cấp cao của AXA Investment Managers về thị trường mới nổi của châu Á, cho rằng sự thay đổi trong hành vi chi tiêu của người Trung Quốc hậu COVID-19 đã dẫn đến sự mất cân bằng trong khôi phục tiêu dùng. Đây là thứ có thể tạo áp lực lớn cho nền kinh tế nước này thêm một khoảng thời gian nữa.
"Lo ngại lớn nhất nằm ở khu vực hộ gia đình, nơi cú sốc từ giãn cách xã hội và thị trường lao động có thể ngăn người dân chi tiền cho các nhà hàng, rạp chiếu phim, đi lại và những thứ đòi hỏi tương tác xã hội khác.
Các lĩnh vực dịch vụ như nhà hàng - khách sạn, giải trí và hàng không có thể sẽ không trở lại bình thường cho đến năm 2021", ông Yao dự đoán.
Bà Geraldine Chew - giám đốc điều hành khu vực Trung Quốc của công ty quản lý sự kiện Uniplam, nhận định xu hướng tiêu dùng tại quốc gia 1,4 tỉ dân này đang thay đổi. Người Trung Quốc nay muốn "sự kết nối cảm xúc hoặc sự liên kết với các thương hiệu".
Với thị trường rộng lớn, các chuyên gia cũng đánh giá Trung Quốc là nơi có tiềm lực khôi phục kinh tế mạnh nhất thế giới sau đại dịch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận