28/04/2020 16:35 GMT+7

Bị thế giới chỉ trích, người Trung Quốc lo gặp khó về kinh tế hậu đại dịch

NGUYÊN HẠNH
NGUYÊN HẠNH

TTO - Nhiều người tại Trung Quốc đang thắc mắc quốc gia của họ sẽ tiếp tục phát triển như thế nào trong bối cảnh quốc tế liên tục chỉ trích cách phản ứng ban đầu của Trung Quốc với dịch bệnh COVID-19.

Bị thế giới chỉ trích, người Trung Quốc lo gặp khó về kinh tế hậu đại dịch - Ảnh 1.

Một xưởng sản xuất thép tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 2-2017 - Ảnh: REUTERS

Đại dịch COVID-19 cho đến nay đã cướp đi sinh mạng của hơn 200.000 người và khiến hơn 3 triệu người mắc bệnh trên toàn thế giới. Dịch COVID-19 được phát hiện đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12 năm ngoái.

Trong một bài viết được lan truyền rộng khắp trên ứng dụng WeChat của Trung Quốc mới đây, tác giả Lu Shihan đặt vấn đề: "Vì sao Trung Quốc luôn phải đứng ở vị trí bất lợi trong các cuộc khẩu chiến của cộng đồng toàn cầu? Vì sao quá nhiều người tin rằng Trung Quốc che giấu thông tin khỏi các nước phương Tây và vì sao không ai công nhận chúng tôi một cách công bằng, ngay cả khi chúng tôi đã làm được nhiều thứ? Tại sao chúng tôi không thể giành được sự công nhận của mọi người cho văn hóa của mình, ngay cả khi chúng tôi đã là nền kinh tế đứng thứ hai?".

Theo báo South China Morning Post, một trong những thách thức lớn nhất mà Bắc Kinh phải giải quyết là việc "tái kết nối" chuỗi giá trị toàn cầu đang bị ngắt quãng do dịch bệnh. Tình trạng này có thể ảnh hưởng tới thị trường lao động của Trung Quốc trong ngắn hạn và giới hạn vai trò của cường quốc hàng đầu châu Á trong nền kinh tế toàn cầu về dài hạn.

Giới học giả và phân tích lo lắng liệu Trung Quốc có thể duy trì được vị thế của mình, hay sẽ rơi vào thế cô lập hậu đại dịch.

Sự thay đổi đã bắt đầu xuất hiện trong quan hệ thương mại của Trung Quốc với các nước. Ở quý 1 năm 2020, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã thay thế Liên minh châu Âu (EU) trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc.

Bị thế giới chỉ trích, người Trung Quốc lo gặp khó về kinh tế hậu đại dịch - Ảnh 2.

Hàng người chờ kiểm tra thân nhiệt tại một cao ốc văn phòng ở Bắc Kinh, Trung Quốc hôm 28-4 - Ảnh: REUTERS

Ông Hoàng Kỳ Phàm, cựu thị trưởng Trùng Khánh và là người chứng kiến sự bùng nổ kinh tế của thành phố này, tuyên bố trong một bài phát biểu hồi đầu tháng 4 rằng sự phân phối theo "đường ngang" của chuỗi giá trị toàn cầu đang đối mặt với thay đổi lớn vì dịch bệnh.

Bức tranh tương lai của nền sản xuất sẽ là các "căn cứ sản xuất" - những khu vực có bán kính 50-200km, tập trung 70% các thành phần chính trong chuỗi giá trị. Các bán thành phẩm cũng sẽ tập trung tại những nơi này, theo ông Hoàng. Phát biểu của vị cựu thị trưởng Trùng Khánh được cho là ăn khớp với chủ trương của Bắc Kinh.

Ông Ding Yifan, cố vấn chính sách cao cấp tại Trung tâm nghiên cứu phát triển của Trung Quốc, cho biết nền kinh tế của Trung Quốc quá lớn để sụp đổ.

"Phát triển kinh tế ở những ngày đầu của Trung Quốc quả thực phụ thuộc rất nhiều vào các nhà đầu tư ngoại... và mỗi lúc các nước phương Tây nói về việc rời bỏ Trung Quốc, Trung Quốc rất lo lắng. Nhưng thật ra, điều đó nay không còn là vấn đề nữa. Trung Quốc đã xây dựng được hệ thống công nghiệp riêng của mình", ông Ding tuyên bố.

Bên cạnh đó, South China Morning Post nhận định cuộc khẩu chiến giữa Washington và Bắc Kinh đang "thêm dầu" vào "bầu không khí thù địch" nhắm vào Trung Quốc, đồng thời thổi bùng chủ nghĩa dân tộc tại đây.

Tư tưởng sử dụng sức mạnh kinh tế và thương mại để chiếm thế thượng phong, giành lấy vinh quang đang lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc.

Theo Quỹ Hinrich (Mỹ), trong khi Mỹ vẫn dẫn đầu trong những chuẩn mực truyền thống, đặc biệt là mảng công nghệ, Trung Quốc đã dần xây dựng vị thế của mình một cách bền vững.

"Các quy chuẩn quốc tế trong các ngành nghề thế hệ kế cận như 5G, AI (trí tuệ nhân tạo) và thiết kế Internet đã hoặc sẽ ngày một chịu ảnh hưởng lớn từ Trung Quốc", ông Stephen Olson, chuyên gia của Quỹ Hinrich, nhận định trong bài viết mới đây.

Khả năng phân phối công bằng vắc-xin COVID-19 trên toàn cầu Khả năng phân phối công bằng vắc-xin COVID-19 trên toàn cầu

Các chuyên gia cảnh báo rằng việc hình thành chương trình chia sẻ vắc-xin toàn cầu công bằng và tiêu chuẩn không phải là điều dễ dàng.

NGUYÊN HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên