Nghiên cứu vắcxin COVID-19 tại Đại học Copenhagen - Ảnh: euronews.com
Tháng 12-2006, Chính phủ Indonesia từ chối trao mẫu phẩm virus cúm gia cầm nếu không được đảm bảo hưởng lợi từ vắcxin sản xuất nhờ mẫu phẩm này. Tờ Guardian (Anh) đánh giá khi vắcxin là một trong những giải pháp hiếm có trong xử lý khủng hoảng dịch COVID-19 thì lo ngại về 'chủ nghĩa dân tộc vắcxin' cũng xuất hiện.
Mỗi bước phát triển, thử nghiệm và sản xuất hàng loạt vắcxin thực sự là thách thức. Nhưng quyết định về chính trị và đạo đức về phân phối vắcxin cũng kéo theo nhiều thử thách khác. Các chính phủ thắc mắc về thời điểm sử dụng vắcxin, ai quyết định phân phối, nguồn cung sẽ đến tay nước đấu giá cao nhất hay không, những quốc gia giàu có có mua sạch vắcxin hay không? Lệnh cấm xuất khẩu vắcxin cũng là mối lo rõ ràng.
Bà Marie-Paule Kieny, người đứng đầu sáng kiến nghiên cứu vắcxin của WHO, đánh giá: "Mọi thứ sẽ tồi tệ nếu đại dịch nghiêm trọng hơn và cũng rất khó khăn để phân phối công bằng vắcxin. Các chính phủ thường mang khuynh hướng ít chia sẻ vắcxin mà họ có trong tay".
Theo các chuyên gia, sẽ cần ít nhất 1 năm để có thể chuyển giao vắcxin cho toàn thế giới tính từ thời điểm phát triển thành công vắcxin.
Ngày 24-4, nhiều lãnh đạo thế giới như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel cùng bà Melinda Gates thống nhất ủng hộ sáng kiến đảm bảo điều trị và vắcxin chia sẻ công bằng trên toàn cầu. Nhưng Mỹ, Trung Quốc, Nga và Ấn Độ không tham gia sự kiện này.
Có một tổ chức nhận nhiệm vụ phân phối công bằng vắcxin là Liên minh Toàn cầu về vắcxin và tiêm chủng (GAVI) vốn chủ trương tăng hỗ trợ đối với những nước nghèo. Tuy nhiên, việc phân phối hợp tác toàn cầu về vắcxin vẫn khá mơ hồ.
Cựu lãnh đạo bộ phận miễn dịch tại Bộ Y tế Anh, ông David Salisbury nhận định: "Khó có thể tưởng tượng nổi việc WHO nói với Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng ông ấy sẽ chỉ có 1/10 số vắcxin ông ấy muốn. Chắc chắn Tổng thống Trump sẽ tìm đối tác có thể sản xuất lượng vắcxin mà Mỹ cần và không để thất thoát số vắcxin này ra nước ngoài".
Chuyên gia vắcxin người Canada Steven Jones đánh giá: "WHO có thể cố gắng giữ vai trò đầu tàu nhưng tổ chức này đang trong tình thế khó khăn. Họ có thể đưa ra huớng dẫn mang tính đạo đức và tiêu chuẩn".
Bên cạnh đó, nhiệm vụ sản xuất hàng tỉ liều vắcxin cũng khó khăn hơn nhiều chỉ vài triệu liều. Ông Charlie Weller tại tổ chức phi lợi nhuận Wellcome Trust (Anh) nhận định: "Trong vòng ít nhất một năm kể từ khi vắcxin COVID-19 đạt điều kiện, có nhiều khả năng không đủ nguồn cung hàng tỉ liều toàn cầu".
Ông David Salisbury cũng lo ngại về "cuộc kéo co chính trị" liên quan đến vắcxin COVID-19: "Sẽ có số lượng lớn khách hàng với những đồng USD, euro và bảng Anh". Do vậy, hợp tác quốc tế là yếu tố quan trọng. Lãnh đạo Hiệp hội dược của Anh cho biết: "Đây là thời điểm các chính phủ đối thoại về nguyên tắc phân phối. Đừng đợi cho đến khi có thứ để tranh đấu".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận