29/04/2020 09:07 GMT+7

Nga lo kinh tế không chịu nổi vì dịch COVID-19

PHÚC LONG
PHÚC LONG

TTO - Dù dịch bệnh chưa có dấu hiệu dừng lại, Chính phủ Nga đang cân nhắc nới lỏng một số biện pháp để giải cứu nền kinh tế bên bờ vực phá sản hàng loạt.

Nga lo kinh tế không chịu nổi vì dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Quảng trường Đỏ ở Matxcơva vắng tanh vì lệnh phong tỏa - Ảnh: Reuters

2,2 triệu

Đó là số việc làm nền kinh tế Nga dự báo sẽ mất trong năm 2020 do dịch COVID-19, theo Trường Kinh tế Matxcơva.

Theo RIA Novosti, số người nhiễm COVID-19 ở Nga chính thức vượt qua Trung Quốc hôm đầu tuần này (trên 87.000 so với gần 83.000 ở Trung Quốc), xếp thứ 9 thế giới về quy mô.

Tình hình nghiêm trọng nhưng áp lực nới phong tỏa đối với Chính phủ Nga mỗi lúc một tăng, do nền kinh tế đã không còn chịu nổi sau 1 tháng các hoạt động ngừng trệ.

Tổng thống Vladimir Putin ban bố lệnh cách ly toàn quốc từ cuối tháng 3 do dịch COVID-19, dự kiến có hiệu lực đến ngày 30-4. Rất tiếc một tháng qua Nga đã không thành công trong việc kiềm chế sự lây lan, khiến quy mô dịch tăng nhiều lần so với ban đầu và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Trong tình hình này, chưa rõ ông Putin sẽ kéo dài phong tỏa hay nới bớt để tìm hướng "sống chung với dịch".

Phát biểu trên sóng truyền hình, bà Anna Popova - lãnh đạo Cơ quan liên bang giám sát sức khỏe và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Nga (Rospotrebnadzor) - đề nghị các biện pháp cách ly cần duy trì đến ngày 12-5.

Tuy nhiên, áp lực kinh tế hiện đã quá lớn. Thủ tướng Mikhail Mishustin đã yêu cầu nội các trình lên các đề xuất nới lỏng bớt cho doanh nghiệp trước ngày 30-4. Nhưng việc thực hiện chưa rõ bao giờ, ông Mishustin chỉ nói chung chung rằng "ngay khi tình hình cải thiện".

Hàng ngàn người lao động Nga đã mất việc trong mùa dịch này, nhất là các ngành dịch vụ, trong khi nhiều doanh nghiệp cảnh báo rủi ro phá sản nếu cách ly xã hội kéo dài.

Theo dự báo của Trường Kinh tế Matxcơva (HSE), tỉ lệ thất nghiệp ở Nga năm 2020 sẽ đạt mức 8% trong kịch bản tương đối, tập trung chủ yếu trong khu vực kinh tế phi doanh nghiệp; còn kịch bản bi quan sẽ chứng kiến thất nghiệp 9,5%, tăng lên 9,8% năm 2021, và chỉ bắt đầu phục hồi trong năm 2022.

Một chỉ dấu cho thấy các dự báo sẽ còn thay đổi trong thời gian tới: hai thành phố lớn của Nga là Matxcơva và Saint Petersburg đang cấp tốc xây 3 bệnh viện dã chiến công suất từ 1.000 - 1.500 giường để đối phó với làn sóng COVID-19 sắp tới.

Ông Yaroslav Kuzminov - hiệu trưởng HSE - dự báo tầng lớp trung lưu của Nga sẽ bị mất thu nhập nhiều và nghèo đi do cuộc khủng hoảng kinh tế mang tên COVID-19. Ông giải thích trên Đài RBK của Nga:

"Chắc chắn thu nhập của mọi tầng lớp xã hội sẽ giảm. Nhưng nếu người giàu mất một chút vẫn giàu, người nghèo tiếp tục nghèo, thì riêng tầng lớp trung lưu - nhóm chịu tác động lớn nhất hiện tại - rủi ro rơi xuống ngưỡng nghèo là có".

Nhóm lao động làm việc trong các ngành dịch vụ sẽ bị ảnh hưởng lớn nhất, theo ông Kuzminov.

Ngoài ra, theo bác sĩ Yuri Belenkov - giám đốc phòng khám trị liệu Đại học Y Sechenov (Matxcơva) - dịch COVID-19 sẽ còn để lại ảnh hưởng dài lâu đối với sức khỏe người dân Nga chứ không chỉ ngay tức thì, cụ thể là tỉ lệ tử vong do bệnh tim mạch có thể gia tăng. Trong bức tranh ảm đạm đó, chuyên gia Kuzminov lưu ý một điểm sáng: tinh thần chung của cộng đồng là hi sinh kinh tế vì sinh mạng con người.

Nga tạo điều kiện cho người nước ngoài làm việc trong đợt dịch bệnh Nga tạo điều kiện cho người nước ngoài làm việc trong đợt dịch bệnh

Tổng thống Nga đã ra sắc lệnh cho phép người sử dụng lao động và nhà thầu các công trình được tiếp nhận và sử dụng người lao động nước ngoài không có giấy phép lao động tại Nga.

PHÚC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên