24/01/2019 10:46 GMT+7

Hào quang Nga trở lại lục địa đen

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Liên bang Nga, quốc gia kế tục Liên Xô, đang mạnh mẽ quay trở lại châu Phi trong bối cảnh quan hệ giữa Matxcơva với phương Tây ngày càng bị xói mòn.

Hào quang Nga trở lại lục địa đen - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đến Nam Phi dự hội nghị thượng đỉnh lần thứ 10 nhóm BRICS năm 2018 - Ảnh: Điện Kremlin

Người Nga đang gia tăng sự hiện diện từ Algeria đến Uganda và cả những nước đã từng là thuộc địa của châu Âu.

Không chỉ đảm nhận các dự án khai thác tài nguyên ở những quốc gia bất ổn vì xung đột, Matxcơva còn cam kết giúp xây dựng các nhà máy điện hạt nhân, nhà máy lọc dầu cho một số nước.

Người Trung Quốc có tiền, còn người Nga có sức mạnh cơ bắp!

Christian Malanga (một chính trị gia đối lập ở CHDC Congo) nói về cái mà ông cho là sự bổ sung cho nhau giữa Nga và Trung Quốc trong chiến lược chống lại ảnh hưởng của phương Tây

Điều chỉnh chiến lược

Dấu ấn của Nga còn được bắt gặp trong việc huấn luyện đội cận vệ cho các nguyên thủ quốc gia châu Phi, vốn được đặt nền tảng bởi các hợp đồng xuất khẩu vũ khí.

Nhu cầu tìm kiếm các đồng minh và đối tác mới trở thành vấn đề cấp thiết tại Nga sau khi Nga sáp nhập trở lại bán đảo Crimea từ Ukraine năm 2014. Sự kiện này dẫn tới việc phương Tây lên án và áp đặt các lệnh trừng phạt đối với nền kinh tế Nga, đi liền với việc đẩy Matxcơva ra khỏi khối G8.

"Nga bắt đầu đánh giá lại chính sách đối ngoại sau khi các lệnh trừng phạt của phương Tây có hiệu lực. Matxcơva nhận ra đã tới lúc cần phải có thêm những người bạn mới. Dù nhảy lên chuyến tàu cuối cùng, người Nga luôn tin rằng họ có thể cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ đang có mặt ở châu Phi bằng cách cung cấp những dịch vụ đặc biệt với giá rẻ hơn nhiều" - học giả Olga Kulkova thuộc Viện châu Phi của Học viện Khoa học Nga nói với tờ Financial Times (FT).

Năm 2017, kim ngạch thương mại giữa Nga và toàn châu Phi dù tăng 26% nhưng vẫn còn ở mức khiêm tốn 17,4 tỉ USD. Nhưng xét về doanh số bán vũ khí, không quốc gia nào kể cả Mỹ và Trung Quốc vượt qua Nga ở lục địa đen.

Theo số liệu của Viện Nghiên cứu hòa bình Stockholm (Thụy Điển), số vũ khí Nga cung cấp cho châu Phi đã tăng gấp hai lần trong năm 2017 so với 5 năm trước đó. Tổng cộng trong giai đoạn này, 39% lượng vũ khí của châu Phi đến từ Nga, 17% đến từ Trung Quốc và chỉ có 11% do Mỹ cung cấp.

Không phải tất cả các hợp đồng vũ khí đều được thanh toán bằng tiền mặt. Chẳng hạn, năm 2014 giữa lúc đang bị châu Âu cấm vận vũ khí sát thương, Zimbabwe đồng ý trao hợp đồng khai thác platinum trị giá 3 tỉ USD với Nga để đổi lấy một số lượng không rõ các tiêm kích Su-35, theo FT.

Danh sách các tập đoàn khai khoáng Nga tại châu Phi đang tiếp tục kéo dài trong lúc các nhà địa chất Nga xông xáo trên khắp lục địa này. Ngoài tập đoàn chuyên sản xuất nhôm Rusal đang khai thác bôxit tại Guinea, tập đoàn khai thác kim cương Alrosa đang lên kế hoạch tiến vào Zimbabwe sau các cơ sở đang có tại Angola và Botswana. 

Trong lúc Rosneft - tập đoàn thăm dò và khai thác dầu khí lớn nhất của Nga - đang phát triển các dự án ở Ai Cập, Mozambique và Algeria, đối thủ của nó là Lukoil cũng không chịu lép vế với các dự án tại Nigeria, Ghana và Cameroon.

Mỹ lo lắng?

Theo tiết lộ của FT, Valery Zakharov - một cựu quan chức tình báo Nga - hiện đang là cố vấn an ninh quốc gia cho Tổng thống Cộng hòa Trung Phi Faustin-Archange Touadéra. Hồi tháng này, trong chuyến thăm đến Nga, bộ trưởng quốc phòng Cộng hòa Trung Phi đã đề cập đến "khả năng" sẽ có một căn cứ quân sự của Nga được mở tại nước này. 

Nếu một động thái như vậy xảy ra, đó thật sự là gáo nước lạnh với Pháp - quốc gia đi từ "mẫu quốc" đến trở thành đồng minh nước ngoài truyền thống của Cộng hòa Trung Phi khi nước này độc lập.

Các động thái dồn dập tại châu Phi của Nga và Trung Quốc - hai quốc gia thuộc nhóm BRICS - có vẻ như khiến Mỹ lo lắng. Hồi tháng 12 năm ngoái, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton đã công bố một chiến lược mới nhằm chống lại "sự bành trướng" của Matxcơva và Bắc Kinh tại châu Phi.

"Thói hành xử của Nga và Trung Quốc đang kìm hãm động lực tăng trưởng kinh tế của châu Phi, đe dọa độc lập tài chính của các nước này và đặt ra mối đe dọa đáng kể đối với an ninh quốc gia của Mỹ" - ông Bolton cáo buộc.

Đáp lại các chỉ trích rằng Nga đang hành xử như thực dân kiểu mới ở châu Phi, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố ngắn gọn: "Quan hệ giữa Nga và châu Phi có truyền thống lịch sử phong phú. Không giống như các cường quốc khác, Nga không bị vấy bẩn bởi các tội ác của chế độ nô lệ và chủ nghĩa thực dân".

Lạ mà quen

Trong khi Matxcơva tiếp tục kiên trì với các nỗ lực tạo dựng quan hệ mới, người Nga không hề xa lạ ở lục địa này. Trong suốt thời kỳ Chiến tranh lạnh, Liên Xô có quan hệ thân thiết với nhiều quốc gia châu Phi, ủng hộ phong trào độc lập và chống lại thực dân phương Tây của các nước này. João Lourenço, tổng thống Angola kể từ năm 2017 đến nay, là cựu sinh viên Học viện Quân sự - chính trị Lenin của Liên Xô thập niên 1970.

Nước Nga chưa thôi “ám” ông Trump Nước Nga chưa thôi “ám” ông Trump

TTO - Tổng thống Mỹ Trump hôm 14-1 (giờ Mỹ) đã phải lên tiếng khẳng định chưa bao giờ làm việc cho Nga - sự phủ nhận trực tiếp đầu tiên của ông sau hai năm bước vào Nhà Trắng.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên