Tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS Donald Cook của Mỹ đi qua eo biển Bosphorus khi đang trên đường đến biển Đen ngày 19-1 - Ảnh: REUTERS
"Các tàu chiến Mỹ đang trở thành du khách thường xuyên ở biển Đen. Những chuyến đi này không liên quan gì đến an ninh của nước Mỹ" - ông Pushkov viết trên trang Twitter ngày 20-1.
"Họ giương cao cờ của họ, gửi tín hiệu cho chúng tôi và xoa dịu các thượng nghị sĩ của họ - những người đang yêu cầu họ gửi cả một hạm đội quân sự đến biển Đen. Họ nên tránh xa bờ biển của chúng tôi" - ông Pushkov, thành viên của Ủy ban Thượng viện về Chính sách thông tin của Nga, mỉa mai.
Trước đó, theo Hãng tin Reuters, Hải quân Mỹ tuyên bố tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Donald Cook của Mỹ bắt đầu di chuyển đến biển Đen trong ngày 19-1 "để tiến hành các hoạt động an ninh hàng hải và tăng cường sự ổn định hàng hải, sự sẵn sàng và năng lực của hải quân trong khu vực".
Hãng thông tấn Nga RIA Novosti dẫn lời Trung tâm Kiểm soát Quốc phòng Nga ngày 19-1 cho biết Hạm đội biển Đen của Nga sẽ bắt đầu giám sát tàu chiến Donald Cook một khi tàu đi vào khu vực này.
Trong một diễn biến khác, trong tuần qua một tòa án tại Nga đã kéo dài thời gian giam giữ 24 thủy thủ Ukraine - bị bắt cùng với các tàu của họ hồi tháng 11-2018 tại eo biển Kerch, thêm 3 tháng. Họ bị buộc tội vượt biên trái phép vào lãnh thổ Nga.
Mỹ và liên minh châu Âu đã kêu gọi Nga thả những thủy thủ này nhưng điện Kremlin tuyên bố phải xét xử họ.
Theo công ước quốc tế Montreux, tàu chiến Mỹ có thể ở lại biển Đen không quá 21 ngày.
"Việc chúng tôi đến biển Đen sẽ thể hiện khả năng tương tác của hải quân trong việc theo đuổi các mục tiêu an ninh chung, cho phép chúng tôi phản ứng hiệu quả với các cuộc khủng hoảng trong tương lai hoặc ngăn chặn các cuộc xâm lược" - sĩ quan chỉ huy tàu Donald Cook, Matthew J. Powel tuyên bố.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận