22/01/2019 10:13 GMT+7

'Cái gai' 70 năm tuổi của Nga - Nhật

BÌNH AN
BÌNH AN

TTO - Đã hơn 70 năm kể từ sau Thế chiến 2, Nga và Nhật Bản vẫn chưa ký kết được hiệp ước hòa bình và vấn đề tranh chấp quần đảo Nam Kuril/lãnh thổ phương bắc chính là “cái gai” lớn nhất cản trở quá trình này.

Cái gai 70 năm tuổi của Nga - Nhật - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gặp mặt tại Diễn đàn kinh tế phương Đông (EEF) ở Nga hồi tháng 9-2018 - Ảnh: Reuters

Hôm nay (22-1), Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dự kiến có cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Matxcơva. Đây không phải lần đầu tiên hai nhà lãnh đạo gặp mặt và cũng không phải lần đầu tiên hai nước nỗ lực nhổ bỏ "cái gai" kéo dài bằng cả một đời người.

Tranh chấp dai dẳng

Theo Đài NHK, đây là cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 25 giữa ông Abe và ông Putin kể từ khi ông Abe lên lãnh đạo Nhật Bản trong nhiệm kỳ đầu tiên hồi năm 2006. Hai nhà lãnh đạo Nga - Nhật chỉ vừa gặp nhau tại Argentina vào tháng trước.

"Đây là một vấn đề dai dẳng trong hơn 70 năm qua kể từ Thế chiến 2 và chắc chắn không dễ dàng (giải quyết). Tôi muốn dành nhiều thời gian nói chuyện một cách thẳng thắn với Tổng thống Putin tại Matxcơva và đạt được nhiều tiến bộ nhất có thể trong các cuộc đàm phán hiệp ước hòa bình" - ông Abe bày tỏ mục tiêu trước khi lên máy bay sang Nga.

Trong khi đó, phía Nga lại cho thấy lập trường cứng rắn ngay trước chuyến thăm của ông Abe.

"Nhật Bản là quốc gia duy nhất trên thế giới không công nhận hoàn toàn kết quả của Thế chiến 2" - Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuần trước tuyên bố. Ông Lavrov nhấn mạnh trước hết Tokyo phải công nhận chủ quyền của Nga đối với 4 đảo tranh chấp trước khi hai nước đi tới bất kỳ thỏa thuận nào.

Tuy nhiên, Hãng tin Bloomberg dẫn một nguồn tin Chính phủ Nga và một nhà ngoại giao Nhật giấu tên nhận định giọng điệu cứng rắn của Nga có thể chỉ là chiến lược đàm phán của Matxcơva trước thềm cuộc gặp giữa ông Abe và ông Putin.

Nhật Bản và Nga hiện đang tranh chấp chủ quyền tại 4 hòn đảo cực nam của quần đảo Kuril mà Tokyo gọi là "lãnh thổ phương bắc", còn Matxcơva gọi là Nam Kuril. Liên Xô đã chiếm đóng 4 đảo này là Shikotan, Habomai (thật ra là một nhóm đảo nhỏ), Etorofu và Kunashiri vào những ngày cuối của Thế chiến 2 và trục xuất 17.000 dân Nhật khỏi đây.

Nhật Bản luôn khẳng định chủ quyền đối với tất cả 4 đảo này và nhấn mạnh việc Matxcơva chiếm đóng là không có căn cứ pháp lý. Trong khi đó, Nga lại bám theo Tuyên bố chung Xô - Nhật năm 1956, trong đó nêu rõ Matxcơva sẽ chuyển giao 2 đảo Shikotan và Habomai cho Tokyo sau khi ký hiệp ước hòa bình.

Đã đến lúc linh hoạt

Tuyên bố Tokyo năm 1993 nêu rõ Nga và Nhật Bản chỉ ký một hiệp ước hòa bình để chính thức kết thúc tình trạng thù địch thời chiến một khi hai nước giải quyết xong tranh chấp chủ quyền ở 4 đảo trên.

Trước chuyến thăm của ông Abe một ngày, Hãng thông tấn Kyodo của Nhật dẫn các nguồn tin chính phủ cho biết ông Abe hiện cho thấy xu hướng chấp nhận một hiệp ước hòa bình hậu chiến với Nga, chỉ cần Matxcơva bàn giao 2 trong số 4 đảo đang tranh chấp là Habomai và Shikotan.

Cách tiếp cận linh hoạt này đang được xem xét trong bối cảnh các quan chức Nhật nhận định việc thuyết phục được Nga bàn giao 2 đảo còn lại - Etorofu và Kunashiri, chiếm tới 93% tổng diện tích 4 đảo tranh chấp - là "phi hiện thực".

Trong một cuộc gặp ở Singapore hồi tháng 11-2018, ông Abe và Putin từng gây sự chú ý khi nhất trí tăng cường đàm phán dựa trên tuyên bố chung năm 1956. Thỏa thuận làm dấy lên những đồn đoán rằng ông Abe sẽ tập trung vào việc chuyển giao 2 đảo Shikotan và Habomai trước khi lo cho số phận của 2 đảo còn lại.

Chính quyền ông Abe lo ngại nếu Tokyo liên tục đòi Nga trao trả 2 đảo lớn nhất Etorofu và Kunashiri trước, động thái này có thể làm đình trệ các cuộc đàm phán hiệp ước hòa bình và thậm chí có thể đóng sập cánh cửa trao trả 2 đảo nhỏ.

Nga và Nhật Bản từng nhiều lần đặt ra mục tiêu ký kết hiệp ước hòa bình nhưng rồi những tranh cãi xoay quanh "cái gai" mang tên Kuril lại chấm dứt giấc mộng.

Một bản tin vào tháng 11-1998 của báo Japan Times từng tường thuật rằng Nga và Nhật đã ra tuyên bố chung nêu rõ mục tiêu của hai nước là trong năm 2000 phải ký kết hiệp ước hòa bình. Đây là lần đầu tiên Tokyo và Matxcơva ấn định thời gian trong một tài liệu chính thức về ký kết hiệp ước hòa bình kể từ Tuyên bố Tokyo năm 1993. 

Tuy nhiên, đến nay đã gần 20 năm, tương lai của quần đảo Kuril và hiệp ước hòa bình Nga - Nhật vẫn còn bỏ ngỏ.

Tại Diễn đàn kinh tế phương Đông (EEF) ở thành phố Vladivostok, Nga hồi tháng 9-2018, Tổng thống Putin cũng từng đề xuất đặt bút ký hiệp ước hòa bình với Nhật Bản "mà không cần điều kiện tiên quyết" trước khi bước sang năm mới 2019, nhưng cuối cùng vẫn chưa thể thực hiện.

Tương lai sau chông gai

Việc giải quyết những bất đồng tại quần đảo Kuril sẽ giúp Nhật Bản cải thiện quan hệ với một trong những nhà cung cấp nhiên liệu hóa thạch lớn nhất của nước này cũng như giúp đối trọng với Trung Quốc - một láng giềng đang trỗi dậy mạnh mẽ.

Trong khi đó, về phía Nga, nước này sẽ kiếm thêm được một "đồng minh" trong bối cảnh Matxcơva đang gồng mình chống lại áp lực trừng phạt của phương Tây. Nga cũng muốn nhận được sự ủng hộ của Nhật Bản trong các dự án năng lượng ở Bắc Cực cũng như một kế hoạch hợp tác song phương 8 điểm từ y tế cho tới sản xuất.

BÌNH AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên