11/09/2020 11:00 GMT+7

Hành trình mở nguồn nước Dầu Tiếng - Kỳ 6: Sức sống xanh từ hồ Dầu Tiếng

ĐÔNG HÀ - ĐỨC TRONG
ĐÔNG HÀ - ĐỨC TRONG

TTO - Nhắc đến hiệu quả công trình hồ Dầu Tiếng mang lại trong hành trình 35 năm qua, tất cả nhân chứng đi xây dựng hồ từ thời sơ khai đều khẳng định: không có nước Dầu Tiếng thì khó có Tây Ninh như hôm nay.

Hành trình mở nguồn nước Dầu Tiếng - Kỳ 6: Sức sống xanh từ hồ Dầu Tiếng - Ảnh 1.

Đồng lúa xanh Tây Ninh bên dòng kênh N4 - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Nguồn sống từ hồ Dầu Tiếng

Ông Lâm Văn Chương (Hai Chương, 76 tuổi, hiện ở xã Phước Minh, nguyên cán bộ Ban chỉ huy công trình hồ Dầu Tiếng) xúc động: "Đời sống nhân dân Tây Ninh thay đổi là nhờ hồ Dầu Tiếng. Đây là điều hiển nhiên, đã được chứng minh, ai cũng phải công nhận".

Từ xã đầu kênh đến xã cuối kênh đều hưởng lợi dòng nước của Dầu Tiếng. Phước Minh (huyện Dương Minh Châu) là xã nằm sát bên lòng hồ Dầu Tiếng, với nông nghiệp chủ yếu là cây lúa. 

Theo dòng chảy của kênh chính Đông, đây là xã đầu tiên được "uống nước" từ hồ và 900ha lúa của xã luôn tươi tốt, trĩu bông. Gần 10 trang trại và gần 100 hộ nhỏ lẻ nuôi cá lóc bông, ba ba cũng khấm khá nhờ nước Dầu Tiếng.

Ngoài ra, lòng hồ Dầu Tiếng còn tạo kế sinh nhai cho hàng trăm hộ dân làm nghề đánh cá trong xã. Ông Đinh Thế Trọng, chủ tịch xã, khẳng định: "Nước hồ Dầu Tiếng không chỉ giúp bà con dùng tưới trực tiếp cho vườn tược mà còn giữ được mạch nước ngầm. Nhờ hồ Dầu Tiếng mà người dân trong xã đều có điều kiện phát triển kinh tế".

Xã Lộc Ninh (huyện Dương Minh Châu) nằm cuối kênh Đông. Trước ngày có nước Dầu Tiếng, cây ăn trái trong xã khô quéo. Nhưng từ ngày nước kênh chính Đông chảy vào kênh N4, xuống các kênh nội đồng, xã trở thành vùng chuyên cây trái. 

Những vườn nhãn, bưởi da xanh, sầu riêng xanh mướt. Những rẫy cao su cao vút. Diện tích cây trái của xã lên đến 1.500ha. Rồi hàng trăm hộ dân lấy nước nuôi cá rô đầu vuông, cá lóc...

Ông Phạm Văn Vẻ - chủ tịch Hội nông dân xã Lộc Ninh - cho biết: "Hồi đó bà con nông dân cày cấy, nuôi trồng đều trông nhờ vào thời tiết, đất bỏ không. Từ ngày có nước Dầu Tiếng, không một tấc đất hoang phí, thu nhập làm nông của bà con tăng 3, 4 lần, thậm chí cả chục lần". 

"Nếu không có hồ Dầu Tiếng, thì có thể lúc này đây, nhà chú phải đi mua nước uống để tiếp các cháu" - ông Đặng Hồng Phước (70 tuổi, xã Truông Mít) nói với khách đến nhà.

Tây Ninh bây giờ là vựa nông sản lớn của vùng Đông Nam Bộ. Từ đây, nhiều nhà máy xí nghiệp chế biến mía, mì và sơ chế, đóng gói trái cây hình thành. Mới năm 2019, một nhà máy chế biến rau củ quả hiện đại với tổng vốn đầu từ hơn 1.700 tỉ đồng được xây dựng tại Gò Dầu, Tây Ninh.

Chủ nhiệm thiết kế hồ Dầu Tiếng - kỹ sư Nguyễn Xuân Hùng khẳng định: "Để làm được hồ Dầu Tiếng, nói theo cách nói bây giờ là cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Đó là có sự quyết tâm của Bộ Chính trị. Thủ tướng trực tiếp đàm phán với Ngân hàng Thế giới để vay vốn. 

Rồi bộ trưởng thủy lợi đến anh kỹ sư, công nhân đều phải vào Dầu Tiếng. Ở địa phương thì người dân nhường đất cho công trình. Và chính quyền đã huy động cả chục triệu ngày công đi làm thủy lợi Dầu Tiếng.

Ngay trước trụ sở Công ty thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa, sát bên lòng hồ, có một tháp bêtông gồm ba trụ và một vòng tròn bên trong kết dính ba trụ. 

Kỹ sư Nguyễn Xuân Hùng lý giải, đó là hình tượng làm nên đại công trình Dầu Tiếng. Ba cột tượng trưng cho ba lực lượng gồm: Đảng, Nhà nước - Nhân dân và vốn nước ngoài cho vay. Vòng tròn bên trong kết ba cột là thể hiện liên kết ba nhân tố đó thành một khối đoàn kết.

Hành trình mở nguồn nước Dầu Tiếng - Kỳ 6: Sức sống xanh từ hồ Dầu Tiếng - Ảnh 2.

Tây Ninh xanh tươi nhìn từ núi Bà Đen - Ảnh ĐÔNG HÀ

Hạt gạo nghĩa tình của dân

Ngày nay, từ đỉnh núi Bà Đen nhìn xuống là những cánh đồng mía mẫu lớn, ruộng lúa tốt tươi, đồng mì bao la, lô cao su thẳng tắp, mãng cầu nặng trĩu... Ngày nay, khắp các con lộ của Tây Ninh, ở đâu cũng bắt gặp cảnh người dân bày bán trái cây, rau quả. 

Lòng hồ Dầu Tiếng và những dòng kênh xanh làm dịu đi nắng gắt, oi ả của mùa hè Tây Ninh. "Nước trong lòng hồ, nước trên các dòng kênh bốc hơi khiến cho khí hậu Tây Ninh biến đổi mát mẻ hơn" - kỹ sư Hùng giải thích.

Trước ngày hồ Dầu Tiếng mở nước, cây lúa ở Tây Ninh chủ yếu gieo sạ dọc vùng đất thấp, hai bên sông Vàm Cỏ Đông. Lúa chỉ trồng được một vụ cùng một số cây công nghiệp ngắn ngày, năng suất thấp. Nhưng kể từ khi có hồ nước Dầu Tiếng, năng suất lúa ở Tây Ninh từ 1-1,5 tấn/ha/vụ thành lúa 3 vụ/năm đạt 5-6 tấn/ha. 

"Đặc điểm cây mì và cây mía là trồng theo tự nhiên, nhưng ở Tây Ninh là tưới nước. Vì vậy, Tây Ninh mới có một năm trồng 2 vụ mì, năng suất khoảng 40 tấn/ha. Mía từ 20 tấn/ha đến nay tăng 90-100 tấn/ha. Đậu phộng khoảng 1 tấn, nay 3 tấn và thậm chí xuất khẩu. Đến cao su cũng tưới luôn nước, tăng 30% lượng mủ..." - ông Nguyễn Văn Tranh, nguyên cán bộ thủy lợi Tây Ninh, liệt kê.

Tổng kết lại, quá trình thi công hồ Dầu Tiếng, nhân dân Tây Ninh đã đóng góp gần cả chục triệu ngày công lao động trực tiếp. Ngoài ra, họ còn nhường 3.000ha đất canh tác của mình để xây dựng công trình. Dù đời sống còn gặp nhiều khó khăn, nhưng bà con nhân dân quyên góp lương thực, thực phẩm, công cụ lao động gửi lên công trường.

Ông Võ Đức Tú, nguyên phó chủ tịch UBND Tây Ninh, lúc còn sống có kể lại câu chuyện xúc động rằng ngay năm đầu tiên hồ Dầu Tiếng mở nước, bà con nông dân đã mang cả trăm tấn gạo - những hạt gạo thơm ngon nhất đến trụ sở UBND Tây Ninh biếu, tặng để cám ơn Đảng, Nhà nước. 

Đó là những hạt gạo mà trước đây chưa bao giờ có được trên đất Tây Ninh vào mùa khô. Và số gạo nghĩa tình này được Tây Ninh gửi cho các đoàn khách quốc tế, các tỉnh bạn.

Ngày hồ Dầu Tiếng mở nước, lòng người dân Tây Ninh rạo rực, tưng bừng. Khắp thôn, xóm đều mở hội ăn mừng, đánh trống, khua chiêng. 

Ông Út Rú nhớ lại, ngay đêm đầu tiên nước theo kênh N4 chảy về đến xã Truông Mít, ông đã chứng kiến dọc trên bờ kênh, những đụn rơm, cây cỏ khô được bà con đốt lên để ăn mừng, rồi tụm năm, tụm ba reo hò. Một cảnh tượng chưa từng thấy...

Ông Trần Việt Biên, nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, kể lúc còn đương nhiệm, ông bay trực thăng cùng với lãnh đạo của Campuchia để thị sát việc phân định, cắm mốc biên giới hai nước.

Lúc bay, lãnh đạo phía bạn có hỏi, làm sao để phân biệt được ranh giới Tây Ninh với Campuchia, ông Biên trả lời: "Màu xanh đến đâu thì địa phận Tây Ninh đến đó".

Ông Phạm Phúc Trinh - nguyên thư ký Ban kiến thiết Dầu Tiếng - cho biết những năm 80 của thế kỷ 20, mỗi năm cả ngành thủy lợi đầu tư khoảng 1,2 tỉ đồng, riêng hồ Dầu Tiếng đã chiếm 300-400 triệu đồng.

Hàng chục đơn vị thi công, xây lắp của Bộ Thủy lợi, Bộ GTVT được tung vào công trường. Chưa kể, tỉnh Tây Ninh cũng có ba công ty cơ giới tham gia xây dựng. Cao điểm nhất, trên công trình có đến gần 90.000 người.

Còn người dân Tây Ninh đã góp cho công trình gần 15 triệu ngày công lao động, đào đắp được gần 12 triệu m3 đất, xây lắp khoảng 55.000m3 bêtông và đá xây... để xây dựng nên hàng ngàn kilômet kênh cấp 1, 2, 3 và hàng ngàn công trình bêtông trên kênh.

Hồ thủy lợi Dầu Tiếng không chỉ có chức năng "mở nước" phục vụ nông nghiệp, công nghiệp và nước sinh hoạt, đẩy mặn, ngăn lũ, mà còn có thể trở thành một hồ "đa mục tiêu" phát triển năng lượng sạch, khai khoáng, trồng rừng, nuôi thủy sản, du lịch sinh thái...

Kỳ cuối: Hướng đến hồ “đa mục tiêu”

Hành trình mở nguồn nước Dầu Tiếng - Kỳ 5: Mồ hôi tuổi trẻ ở Dầu Tiếng Hành trình mở nguồn nước Dầu Tiếng - Kỳ 5: Mồ hôi tuổi trẻ ở Dầu Tiếng

TTO - Nếu ví hồ Dầu Tiếng là quả tim thì các con kênh cấp 2, cấp 3, nội đồng là mạch máu đưa nước đi các nơi. Mạch máu đó được khơi thông nhờ bàn tay, sáng kiến của thanh niên.

ĐÔNG HÀ - ĐỨC TRONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên