08/09/2020 11:16 GMT+7

Hành trình mở nguồn nước Dầu Tiếng - Kỳ 3: Anh hùng trên kênh chính Tây

ĐÔNG HÀ
ĐÔNG HÀ

TTO - 35 năm trước, anh công nhân Thân Công Khởi lái máy cạp đào kênh chính Tây của hồ Dầu Tiếng, được phong tặng danh hiệu anh hùng lao động.

Hành trình mở nguồn nước Dầu Tiếng - Kỳ 3: Anh hùng trên kênh chính Tây - Ảnh 1.

Ông Khởi vẫn chưa quên những ngày gian khó mà đầy ý chí - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Một buổi chiều, máy đào chúng tôi đang làm thì bất ngờ dưới đất xuất hiện vật dụng bộ đội mình. Chúng tôi dừng máy, nhẹ nhàng tìm thấy bốn hài cốt liệt sĩ. Tôi xúc động vô cùng và nghĩ rằng sự hi sinh của họ mới là anh hùng.

Ông THÂN CÔNG KHỞI

"Danh hiệu này là của tập thể"

Ông Thân Công Khởi (70 tuổi) đang ở một con hẻm trên đường Nguyễn Xí, phường 26, Q.Bình Thạnh, TP.HCM. Ít ai biết ông từng là công nhân lái máy cạp thi công hồ thủy lợi Dầu Tiếng cách đây gần 40 năm. Và cũng ít ai biết ông trở thành anh hùng lao động ngay chính trên đại công trường ấy.

Nói về danh hiệu anh hùng lao động của mình, ông Khởi khiêm tốn, nhắc đi nhắc lại: "Thành tích của tôi cũng qua nhiều lớp, nhiều cấp xét duyệt, thẩm định. Nhưng đây là danh hiệu của tập thể, của toàn thể những anh em lái máy cạp trên công trường".

Năm 1969, ông Khởi vào thanh niên xung phong, đi làm thủy lợi ở vùng Lạng Giang, Bắc Giang. Ngày đó, làm thủy lợi đào kênh bằng tay, bưng bê đất bằng thúng, bằng cạp. Một thời gian sau, ông được bố trí vào đội cơ giới.

Ban đầu, ông chỉ là người lái phụ nhưng với bản tính ham học hỏi tại công trường, lại chịu khó, dần dần ông Khởi trở thành lái chính.

"Đời tôi ao ước được làm người thợ, người công nhân lái máy" - ông Khởi nhớ lại.

Sau ngày đất nước thống nhất, ông Khởi cũng như hàng ngàn kỹ sư, công nhân phía Bắc được tăng cường vào Nam để xây dựng các công trình thủy lợi, thủy điện, trong đó có hồ Dầu Tiếng.

Ông Khởi nhớ như in ngày 23-9-1979, mình lên tàu vào Nam. Trên đường, tàu bị mắc kẹt do lụt nên đến tận ngày 28-9-1979, tàu mới đến ga Bình Triệu, TP.HCM. Xuống ga, ông được xe chở thẳng tiến lên hồ Dầu Tiếng vào sáng 29-9-1979.

Vào đại công trường Dầu Tiếng, ông Khởi làm tổ trưởng tổ cạp 1, Đội cơ giới 22, Liên hiệp các xí nghiệp xây dựng thủy lợi 4 (Bộ Thủy lợi cũ) nay là Tổng công ty Thủy lợi 4.

Ngày ấy, ông Lương Viên - tổng giám đốc - thông báo sắp tới công trường sẽ nhận máy mới, hiện đại. Đó là 46 máy cạp tự hành, chở được 16 khối đất, và dòng máy xích D85 của Komatsu hiện đại lúc bấy giờ được nhập từ Nhật Bản.

"Nghe tổng giám đốc nói vậy, tôi mừng lắm, mấy đêm liền thao thức, khó ngủ. Chỉ mong nhanh được nhận máy, ra công trường thôi" - ông Khởi nhớ lại.

Khoảng 10 ngày sau, máy móc, phương tiện kéo về công trường Dầu Tiếng ầm ầm. Ông Khởi nhận máy, nhận tổ viên, lao ra công trường ngay. Tổ của ông Khởi có bảy máy cạp Komatsu D85, đảm nhiệm đào kênh chính Tây, dài từ chân núi Bà Đen đến xã suối Đá, huyện Dương Minh Châu. Mỗi máy do 3, 4 người phụ trách.

Với sức trẻ, lòng nhiệt huyết, chăm chỉ, tổ cạp do ông điều hành đều hoàn thành xuất sắc khối lượng thi công do xí nghiệp giao khoán. Ông luôn đi đầu trong công việc để làm gương cho mọi người. Mọi việc ông đều gánh vác như một tổ viên bình thường, không nề hà chức vụ.

Ông vào rừng chặt củi, cùng mọi người dựng lán trại. Ông vào bếp nấu ăn cho tổ viên. Tết đầu tiên ở Dầu Tiếng, ông đích thân đi vào trong dân, sắm sửa cho mọi người có một cái tết ấm cúng.

Trong công việc, ông luôn nhắc nhở anh em không được lơ là, luôn động viên mọi người để làm sao có năng suất cao nhất. Ông dặn dò tổ viên phải biết cách "nuôi người - nuôi máy" để có sức khỏe làm việc, máy móc bền lâu.

Mỗi khi "phóng" đoạn kênh mới, ông Khởi lại đi trước quan sát địa hình, địa thế để lên phương án thi công tốt nhất, "chứ không thể làm bừa, làm ẩu". Sẵn có chút kiến thức địa lý, ông còn tìm đất dựng lán trại ở những nơi có nguồn nước, thông thoáng để anh em ăn ở khỏe mạnh.

Chỉ sau một thời gian ngắn, tổ cạp của ông như một gia đình lớn gắn bó, hòa đồng, vui vẻ, "có rau ăn rau, có mì ăn mì". 

Trong công việc, ông cũng có những sáng kiến làm lợi cho tập thể. Đó là bộ phận bơm của máy hư, ông hàn lại và sử dụng vẫn tốt trong khi nếu mua mới hết 2.500 USD. Ông cũng có những sáng kiến để chống lầy khi máy đào trúng vào vùng bùn dày.

Miệt mài trên công trường, làm việc năng suất, hiệu quả, ngày 25-9-1985, ông Thân Công Khởi vinh dự được Chủ tịch nước Trường Chinh phong tặng danh hiệu anh hùng lao động.

Hành trình mở nguồn nước Dầu Tiếng - Kỳ 3: Anh hùng trên kênh chính Tây - Ảnh 3.

Kênh Tây, nơi ông Khởi trở thành anh hùng lao động - Ảnh: ĐÔNG HÀ

"Giữ được anh hùng mới khó"

Sinh ra, lớn lên ở xã Đan Hội, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tháng 12-1969, ông Khởi vào thanh niên xung phong. Gần 20 năm sau, thanh niên xung phong Thân Công Khởi trở về làng. Đó là lúc ông đã "hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ", được phong anh hùng lao động.

Lần trở về này, ông còn được vinh hạnh là "đại biểu chính thức dự Đại hội đại biểu lần thứ VI của Đảng". Ông Khởi đã trở thành "báo cáo viên" thuật lại những nội dung cơ bản, đột phá của "đại hội đổi mới" cho mọi người cùng nghe.

Ông cũng vinh dự được Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh mời cơm, trò chuyện thân mật, khi ra về còn được tặng sách. Sau khi trở thành anh hùng lao động, ông Khởi được cấp một căn nhà lớn ở Q.5, nhưng ông từ chối không nhận vì nghĩ "nhà to làm gì".

Tại Đại hội VI, ông cũng đã tham gia góp nhiều ý kiến và gặp trực tiếp Bí thư Thành ủy TP.HCM Mai Chí Thọ để trình bày ý kiến, đóng góp cho Đại hội Đảng. Trong đó, ông Khởi đặc biệt ủng hộ chính sách "khoán" vì ông đã từng kinh qua ở công trường Dầu Tiếng.

"Cứ kẻng, kẻng thì không ai làm. Cứ đánh kẻng mãi thế này là không ổn chút nào. Ngày đó, tôi góp ý như vậy đấy" - ông kể lại.

Sau khi thi công hồ Dầu Tiếng, ông Khởi tiếp tục đến với các công trường khác như Trị An, Thác Mơ, Suối Dầu (Nha Trang), Đồng Tháp Mười. Năm 2005, ông nghỉ hưu với chức phó chủ tịch công đoàn Công ty Xây dựng thủy lợi 6, Tổng công ty Xây dựng thủy lợi 4.

Ông rút ra kinh nghiệm rằng: Phải làm việc. Làm việc để nuôi mình. Làm việc hết mình và trách nhiệm thì tập thể tín nhiệm. Tập thể tín nhiệm thì càng làm được việc, càng làm tốt và có động lực để làm tốt hơn nữa công việc của mình.

"Đã được anh hùng rồi phải giữ. Và giữ được danh hiệu anh hùng mới khó" - ông Khởi tâm niệm.

Người thợ cũng như lính

Ông Khởi nhớ lại lúc bấy giờ, đất Tây Ninh khô cằn lắm. "Cả khu vực hồ Dầu Tiếng chỉ bạt ngàn cây cỏ. Dân chúng thưa thớt, đời sống khó khăn, đường sá lầy lội, chỉ xe bò đi" - ông nhớ lại.

Gặp cảnh khô cằn, ăn uống lại kham khổ, nên một số anh em công nhân nao núng, có người bỏ về. Nhưng ông xác định: "Người thợ cũng như lính. Đã ra chiến trường không được đào ngũ. Đã đến công trình không được bỏ về". Ông vững chí ở lại Dầu Tiếng.

"Niềm vui lớn nhất của tôi là được ra công trường, có máy móc để làm. Làm gì cũng được" - ông tâm sự.

"Khi đó, toàn bộ Dầu Tiếng là rừng rậm, chỉ có mấy đường mòn khai thác gỗ của chế độ cũ để lại. Đi rừng khảo sát mà chúng tôi chỉ ăn bo bo cầm hơi. Bảy người đi khảo sát địa hình đã chết vì vướng bom mìn".

Kỳ tới: Ăn bo bo và đối mặt với mìn

Hành trình mở nguồn nước Dầu Tiếng - Kỳ 2: Những Hành trình mở nguồn nước Dầu Tiếng - Kỳ 2: Những 'rào cản' ở Dầu Tiếng

TTO - Được Ngân hàng Thế giới cho vay ưu đãi hơn 100 triệu đôla Mỹ để xây dựng, nhưng quá trình thi công ban đầu của đại công trình thủy lợi hồ Dầu Tiếng gặp nhiều trở ngại. Trong đó, khó khăn lớn nhất là "niềm tin có nước".

ĐÔNG HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên