Những ngày đầu làm thủy lợi hồ Dầu Tiếng gặp nhiều khó khăn - Ảnh tư liệu
Niềm tin có nước bị đặt dấu hỏi
Tháng 4-1981, hồ Dầu Tiếng chính thức khởi công. Nhưng từ năm 1977, những công việc ban đầu đã được triển khai. Đó là tháng 3-1977, Đoàn khảo sát thiết kế thủy lợi Đông Nam Bộ, Ban kiến thiết Dầu Tiếng (thuộc Bộ Thủy lợi) được thành lập. Hàng trăm kỹ sư, công nhân được điều vào Tây Ninh, chưa kể hàng vạn bộ đội, dân công, thanh niên xung phong được huy động đào kênh, làm lòng hồ, đập phụ.
Thế nhưng, trước và ngay sau ngày khởi công chính thức, công trình hồ Dầu Tiếng vẫn phải đối diện với muôn vàn khó khăn. Có người không tin sẽ chặn được sông Sài Gòn để tích nước và không có nước để làm thủy lợi, bởi đất Tây Ninh nổi tiếng "nắng cháy da người".
Kể lại sau 40 năm, những người đi xây hồ Dầu Tiếng còn nhớ một câu chuyện để minh chứng cho việc niềm tin có nước từng bị nghi ngờ. Đó là đêm 10, rạng sáng 11-1-1985 khi hồ Dầu Tiếng bắt đầu mở nước vào kênh Đông và kênh Tây, có người dân không tin nước sẽ về đến ruộng nhà mình nên dõng dạc tuyên bố: "Có bao nhiêu nước về đây, tôi uống hết!".
Đặc biệt, không chỉ người dân, ngay cả một số lãnh đạo Tây Ninh lúc đó cũng "nghi ngờ" và "ái ngại" với dự án hồ thủy lợi Dầu Tiếng. Có lẽ, người biết điều ấy sâu sắc nhất là chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh lúc đó - ông Đặng Văn Thượng (Sáu Thượng, mất năm 2013).
Trong hồi ký "Trên nẻo đường quê hương" của mình, ông Sáu Thượng kể lại người dân Tây Ninh ngày đó phải đối diện muôn vàn khó khăn, thời tiết khí hậu quá khắc nghiệt nên sản xuất chậm, năng suất thấp.
Giữa tình thế này, Tây Ninh được Phó thủ tướng Phạm Hùng và ông Nguyễn Thanh Bình, bộ trưởng Bộ Thủy lợi, thông báo rằng Bộ Chính trị vay một khoản tiền nước ngoài trên 100 triệu đôla Mỹ để xây dựng hồ thủy lợi Dầu Tiếng. Đó là công trình có diện tích mặt hồ rộng 27.000ha, trữ trên 1 tỉ mét khối nước, có khả năng tưới cho trên 70.000ha, khả năng cải tạo cảnh quan lớn. "Nghe nói ai cũng mừng" - hồi ký ông Sáu Thượng viết.
Nhưng ông Sáu Thượng cũng kể rằng việc xây dựng hồ bị ý kiến trong lãnh đạo tỉnh "không tán thành" vì tốn đất và tại sao 2/3 hồ nước nằm trên Tây Ninh nhưng lại có tên Dầu Tiếng của Sông Bé (Bình Dương). "Sự cố tên công trình" được chính Phó thủ tướng Phạm Hùng giải thích. Nhưng vẫn chưa dừng ở đây, sau đó ông Sáu Thượng được gọi lên làm việc riêng và được nói rằng: "Hồ Dầu Tiếng hao tốn đất đai, công sức, không đem lại lợi ích cho dân Tây Ninh" và yêu cầu ông "không được bàn bạc, tiếp xúc, họp hành" với Bộ Thủy lợi về công trình này.
Nhiều lãnh đạo Tây Ninh ngày trước cũng tâm sự dù dự án hồ Dầu Tiếng nhận được sự quyết tâm cao của Trung ương, nhưng không hề suôn sẻ, vấp phải ý kiến trái chiều tại địa phương vì nhiều người cho rằng không thể thực hiện được.
Trước khi có hồ Dầu Tiếng, Tây Ninh cũng có phong trào làm thủy lợi nhưng chỉ với quy mô nhỏ do khó khăn kinh phí. Những công trình thủy lợi này chỉ nằm dọc vùng đất thấp, chủ yếu tận dụng nguồn thủy triều và "chưa thấm" vào đâu so với quy mô sản xuất nông nghiệp. Chính các công trình này đã phần nào làm tăng thêm "nghi ngại" về hồ Dầu Tiếng.
Ông Trần Việt Biên (Bảy Biên, nguyên phó chủ tịch thường trực UBND Tây Ninh) ngày đó là bí thư Tỉnh đoàn Tây Ninh nhớ lại: "Vì từ hồi nào có ai dám chặn dòng sông Sài Gòn đâu. Vì nghe nói hồ Dầu Tiếng cũng tương tự như hồ Kẻ Gỗ ở Hà Tĩnh đã làm xong, nhưng nào ai thấy hồ Kẻ Gỗ ra sao". Ông Lê Quang Thế (66 tuổi), một kỹ sư của Bộ Thủy lợi trực tiếp thi công công trình Dầu Tiếng, nhớ lại: "Một trong những khó khăn ngày đó là không có sự đồng thuận cao của địa phương, thậm chí có người kịch liệt phản đối dự án".
Kỹ sư, chủ nhiệm thiết kế hồ Dầu Tiếng Nguyễn Xuân Hùng năm nay đã 87 tuổi nhưng vẫn nhớ: "Nhiều người không tin có nước, ngay cả lãnh đạo tỉnh". Do đó, Bộ Thủy lợi phải tổ chức hội nghị lớn do chính kỹ sư Hùng trình bày những cơ sở khoa học để chứng minh có nước. Đó là địa mạo trong lưu vực có cây, tức là có nước ngầm. Tầng phủ đất sét dày, chứa nước được và hằng năm ở Dầu Tiếng đều có lũ lớn.
Kênh thủy lợi lấy nước từ hồ Dầu Tiếng những ngày đầu - Ảnh tư liệu
Vừa làm thủy lợi, vừa chống giặc biên giới
Ngay từ tháng 5-1975, dọc biên giới Tây Ninh với Campuchia, Khmer đỏ liên tục quấy phá, xâm lấn bờ cõi, giết hại dân thường. Sản xuất ở tỉnh đã khó khăn vì thời tiết, thêm người dân Campuchia sang Tây Ninh lánh nạn diệt chủng, khiến càng thêm đói khổ.
Ông Lâm Văn Chương (Hai Chương, 76 tuổi, hiện ở xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh) thuở đó trong Ban chỉ huy công trình hồ Dầu Tiếng của tỉnh Tây Ninh (khác với các ban của Bộ Thủy lợi), phụ trách dân công đào đắp kênh. Ông cũng là thường vụ tỉnh đoàn, phụ trách thanh niên nông thôn và là tổng đội trưởng Thanh niên xung phong.
"Lúc đó, tổng đội có sáu liên đội thì ba phải lên biên giới, phục vụ chiến đấu chống quân Khmer đỏ, ba ở lại làm thủy lợi Dầu Tiếng"- ông Hai Chương nhớ lại.
Thanh niên xung phong, dân công làm thủy lợi ngày đó ăn uống rất kham khổ. "Chúng tôi phải mua đồ khô về phát cho anh em. Có những bữa cơm chỉ có lá giang, trái điều nấu canh chua" - ông Hai Chương bùi ngùi nhớ.
Không chỉ gặp khó về niềm tin, họ còn gặp muôn vàn khó khăn trong năng suất lao động thấp vì làm theo "giờ đánh kẻng". Chưa kể, một số thanh niên trốn khỏi công trường. Đoàn thanh niên cử người về vận động họ trở lại, nhưng cũng được vài ngày họ lại trốn.
"Sau khi khởi công, thanh niên được vận động lên công trường đào đắp kênh mương. Qua một tháng thi công, khối lượng chỉ đạt khoảng 100.000 mét khối đất. Nếu với tiến độ này phải mất cả chục năm mới hoàn thành công trình" - ông Bảy Biên nhớ lại.
Khó khăn bủa vây. Việc quan trọng nhất của công trình thủy lợi Dầu Tiếng là nếu lòng hồ, các đập chặn dòng, cống xả đã xong mà chưa có kênh để xả nước thì rất nguy hiểm. Nhưng chính trong khó khăn đã xuất hiện những người anh hùng, những sáng kiến cải tiến lao động...
Để lòng hồ Dầu Tiếng tích nước và có nước, phải chặn sông Sài Gòn. Tháng 1 và tháng 12-1983, có hai dấu mốc quan trọng của đại công trình là chặn dòng đợt 1 và đợt 2. Ngày 2-7-1984, hồ Dầu Tiếng bắt đầu tích nước. Sau khi hoàn thành các tuyến kênh, nước tích đã đủ trong lòng hồ, ngày 10-1-1985, hồ Dầu Tiếng chính thức mở nước. Kể từ đó, ruộng vườn Tây Ninh phủ màu xanh.
Tháng 8-1978, Hội Phát triển quốc tế (IDA - một thành viên của Ngân hàng Thế giới) đã ký với Chính phủ Việt Nam thỏa thuận cấp tín dụng để làm dự án thủy lợi Dầu Tiếng. Theo thỏa thuận này, IDA cấp cho Việt Nam khoản vay 60 triệu USD gồm: phương tiện, trang thiết bị 31 triệu USD; nguyên vật liệu 20 triệu USD; đào tạo 500.000 USD và dự phòng 8,5 triệu USD.
Ông Phạm Phúc Trinh (66 tuổi, nguyên cán bộ thư ký dự án của Ban kiến thiết Dầu Tiếng, sau này là Ban quản lý 301) cho biết sau hợp đồng tín dụng nói trên, dự án hồ thủy lợi Dầu Tiếng được cho vay thêm 50 triệu USD, nâng tổng số vốn vay thành 110 triệu USD để nâng sức chứa của hồ lên gần 1,6 tỉ mét khối nước và tưới trực tiếp cho 100.000ha của ba tỉnh Tây Ninh, TP.HCM và Long An.
----------------------
"Đời tôi ao ước chỉ mong được làm người thợ, người công nhân lái máy…".
Kỳ tới: Anh hùng trên kênh chính Tây
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận