27/10/2021 17:12 GMT+7

Hàng triệu người Ấn Độ không thể đi nước ngoài vì tiêm vắc xin chưa được WHO cấp phép

NGUYÊN HẠNH
NGUYÊN HẠNH

TTO - Hàng triệu người Ấn Độ vẫn không thể ra nước ngoài tiếp tục công việc làm ăn dù đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin Covaxin. Loại vắc xin ngừa COVID-19 này vẫn chưa được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp phép.

Hàng triệu người Ấn Độ không thể đi nước ngoài vì tiêm vắc xin chưa được WHO cấp phép - Ảnh 1.

Ông Sugathan P.R. đứng trong vườn nhà của mình ở làng Pandalam, bang Kerala, Ấn Độ - Ảnh: REUTERS

Mắc kẹt tại một ngôi làng phía nam Ấn Độ suốt 9 tháng, ông Sugathan P.R., 57 tuổi, mong WHO sớm cấp phép cho vắc xin Covaxin để có thể sớm trở lại làm việc ở Saudi Arabia.

Covaxin là vắc xin COVID-19 của Ấn Độ, do Hãng dược Bharat Biotech phối hợp với Hội đồng nghiên cứu y khoa Ấn Độ phát triển. “Tôi không thể tiếp tục ở yên đây thêm nữa”, ông Sugathan nói.

Ông Sugathan trở về làng Pandalam, bang Kerala, Ấn Độ hồi tháng 1-2021 để đoàn tụ cùng gia đình. Ông đã bỏ lỡ lễ tang cha mình hồi năm ngoái vì các chuyến bay ngừng hoạt động trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng.

“Tôi có một phương án là đến Saudi và tiêm bổ sung Covishield (vắc xin AstraZeneca do Viện Serum Ấn Độ sản xuất) sau khi cách ly 4 ngày, nhưng tôi lo cách này ảnh hưởng đến sức khỏe của mình”, ông nói.

Dù vậy, ông cho biết mình sẽ “chấp nhận rủi ro” nếu Covaxin không được cấp phép.

Ông Rajan Pallivadakethil Unnunni, 59 tuổi, cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Ông Rajan đã làm thợ hàn tại Kuwait suốt 20 năm qua và bay về Ấn Độ hồi năm ngoái.

Không thể trở lại Kuwait dù đã tiêm 2 mũi Covaxin, ông Rajan chỉ có thể sống dựa vào sạp bán thịt gà của mình để kiếm 4 USD/ngày. Số tiền ông kiếm được quá ít ỏi để trang trải khoản nợ ngân hàng lên đến 20.000 USD.

“Nếu không thể trở về Kuwait, tôi sẽ không thể trả nợ và cho con cái của mình hoàn thành việc học”, ông Rajan buồn bã nói.

Giống như ông Sugathan và ông Rajan, hàng triệu người Ấn Độ đã tiêm Covaxin và gặp khó khăn trong việc đi lại vì nhiều nước vẫn chưa chấp nhận loại vắc xin này.

Sau cuộc họp ngày 26-10, nhà khoa học hàng đầu của WHO - bà Soumya Swaminathan - cho biết các chuyên gia độc lập cần Hãng dược Bharat Biotech làm rõ thêm một số nội dung, trước khi đưa ra kết luận cuối cùng vào ngày 3-11.

WHO đã bắt đầu xem xét dữ liệu do Bharat Biotech cung cấp từ đầu tháng 7-2021 nhưng cho biết họ không thể “đốt cháy giai đoạn”.

Nếu không được WHO chấp nhận, Covaxin sẽ khó lòng được thế giới chấp nhận. Các công dân Ấn Độ đã tiêm đủ 2 mũi loại vắc xin này cũng sẽ đối mặt với không ít trở ngại để ra nước ngoài.

COVID-19 ngày 27-10: Bao nhiêu % dân số thế giới đã tiêm vắc xin, nước nào cao nhất? COVID-19 ngày 27-10: Bao nhiêu % dân số thế giới đã tiêm vắc xin, nước nào cao nhất?

TTO - Theo cập nhật của trang Our World in Data, tính đến sáng 27-10, có 48,7% dân số thế giới đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin COVID-19. Dân số thế giới khoảng 7,8 tỉ người.

NGUYÊN HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên