Hàng ngàn người nhập cư cố tìm xe buýt trở về nhà ở ngoại ô New Delhi ngày 29-3, trước khi có lệnh đóng cửa thủ đô - Ảnh: REUTERS
Chính quyền Thủ tướng Modi Narenda tuần trước đã yêu cầu người dân ở yên trong nhà trong ba tuần, cấm các sự kiện công cộng, đóng cửa trường học và các cơ sở công nghiệp, thương mại trên toàn quốc.
Động thái cứng rắn được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá cao trong việc ngăn chặn virus corona chủng mới.
Dù vậy, đó lại là thảm hoạ đối với hàng trăm triệu người nghèo của Ấn Độ.
Sợ không có cái ăn
Hơn 90% của 500 triệu lao động phi nông nghiệp của Ấn Độ làm các công việc chân tay như thợ xây dựng, bán hàng rong, chạy xe kéo…
Khi cả nước bị phong tỏa, các ngành công nghiệp đóng cửa, các quy định về đi lại, giãn cách xã hội khiến họ không thể làm việc kiếm sống. Và đối với khoảng 120 triệu lao động nhập cư tại các thành phố, cái ăn và chỗ ở là vấn đề đáng sợ hơn cả virus.
"Tôi rất sợ. Chuyện này sẽ kéo dài trong bao lâu. Nếu không đi làm, làm sao chúng tôi có tiền, làm sao có cái ăn" - một người nhập cư làm nghề đốn cây ở thành phố Nagpur, bang Maharashtra, tỏ ra lo lắng.
Cũng như rất nhiều người khác, anh sống nhờ tiền công mỗi ngày, không có tiền tiết kiệm dằn túi hay bảo hiểm.
Ngày 26-3, Chính phủ Ấn Độ đã công bố gói hỗ trợ 23 tỉ USD để giúp đỡ người nghèo, cung cấp lương thực, miễn phí cho 83 triệu gia đình, hỗ trợ tiền mặt cho 200 triệu phụ nữ.
Nhưng khoản hỗ trợ chỉ chiếm 1% GDP của Ấn Độ, chẳng thấm vào đâu, chưa kể nhiều người lao động nhập cư nằm ngoài các cơ chế chi trả của nhà nước.
Mệt mỏi vì không còn xe về nhà - Ảnh: REUTERS
Hàng trăm ngàn người đánh liều bỏ phố về quê. Cuối tuần qua ở thủ đô Delhi, nhiều người nhập cư tranh giành nhau lên các chuyến xe buýt trở về nhà khiến cảnh sát phải dùng gậy để giữ trật tự. Chuyện hạn chế tiếp xúc xã hội chẳng còn quan trọng lúc này.
Những người không bắt được xe thậm chí quyết đi bộ hàng trăm kilomet để về nhà.
"Tôi cố bắt xe nhưng chẳng còn phương tiện nào trên đường nên tôi đi bộ. Trên đường không có thức ăn nhưng may là có người cho chúng tôi bánh và nước. Trở về quê còn tốt hơn là ở lại thành phố mà không có thức ăn, nước uống" - anh Surendra Pandey, một lao động 28 tuổi ở Uttar Pradesh, nói trên chặng đường vượt hơn 110km về nhà. Nhưng anh còn may mắn, nhiều người có lẽ phải đi xa hơn.
Những ngày qua, nhiều người ở Ấn Độ ẩn nấp trong nhà để trốn dịch đã chứng kiến những câu chuyện rất khác ở phía bên kia cánh cửa: những đoàn người rồng rắn mang vác đồ đạc, ẵm bồng nhau đi bộ trên những đường cao tốc trống trơn để rời các thành phố.
Trên mạng xã hội, người ta chia sẻ những đoạn clip về các đoàn người di cư đói khát nhờ giúp đỡ.
Không lối thoát
Nhưng dù ở lại thành phố hay về quê, những người nghèo ở Ấn Độ cũng đối mặt với những nguy cơ rất lớn trong dịch COVID-19. Ở nhiều làng quê của nước này, hệ thống y tế thường yếu kém trong khi các bệnh viện lớn cách nhà nhiều ngày đi đường. Các biện pháp phong tỏa cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đồng án và chợ búa ở các vùng ngoại ô.
Phần lớn người nghèo ở Ấn Độ sống trong các điều kiện chật chội, kém vệ sinh và thiếu hạ tầng y tế với khoảng 0,7 giường bệnh trên mỗi 1.000 dân, thấp hơn nhiều so với tỉ lệ 3,4 và 2,9 giường ở Ý và Mỹ. Hơn 1,3 tỉ dân của nước này cũng chỉ có khoảng 50.000 máy thở.
Đối phó với virus corona chủng mới sẽ là vấn đề nan giải cho Ấn Độ. "Ấn Độ không áp dụng được lợi thế trong việc kiểm soát nhà nước của Trung Quốc hay có được hệ thống y tế như của châu Âu và Mỹ. Họ sẽ cần phản ứng theo cách riêng của mình" - nhà nghiên cứu Ramanan Laxminarayan của Trung tâm Nghiên cứu biến động bệnh dịch, kinh tế và chính sách (CDDEP) nhận định.
Ấn Độ những ngày qua vẫn đang ra sức khống chế dịch bệnh trong lúc số ca nhiễm tăng mạnh trong những ngày qua.
Nhưng đối với nhiều người nghèo, họ không còn nhiều thời gian...
Nhiều người cố gắng chen lên những chiếc xe buýt đã chật cứng - Ảnh: REUTERS
Bất chấp nguy hiểm, miễn có thể trở về nhà - Ảnh: REUTERS
Nhiều người quyết tâm đi bộ về nhà - Ảnh: Hindustan Times
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận