24/12/2020 12:00 GMT+7

Hàng tết bình dân sẵn sàng lên kệ

NHƯ BÌNH
NHƯ BÌNH

TTO - Sau một năm ảnh hưởng của dịch COVID-19 với nhiều khó khăn, nhưng lượng hàng được các doanh nghiệp dự trữ chuẩn bị bán tết ở TP.HCM vẫn tăng 13-15% so với năm trước tùy mặt bằng, trong đó tập trung hàng thiết yếu, bình dân.

Hàng tết bình dân sẵn sàng lên kệ - Ảnh 1.

Nhân viên siêu thị chất giỏ quà tết 2021 lên kệ hàng (ảnh chụp chiều 23-12) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đây là nhận định được đưa ra tại buổi khảo sát của Ban kinh tế - ngân sách HĐND TP về công tác chuẩn bị hàng hóa tết với các doanh nghiệp (DN), nhà bán lẻ lớn chiều qua 23-12. 

Các DN kỳ vọng sức mua của nhiều nhóm hàng sẽ tăng do một lượng lớn người dân không thể đi du lịch nước ngoài, hoặc không muốn về quê do lo ngại dịch bệnh.

Giá có xu hướng giảm

Ông Nguyễn Phúc Khoa, phó tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), cho biết tổng lượng hàng tết được đơn vị này chuẩn bị vào khoảng 800 tỉ đồng, riêng hàng bình ổn khoảng 272 tỉ đồng, tập trung vào mặt hàng gạo, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến...

"Khả năng cung ứng một tháng hàng bình ổn Tết Tân Sửu của chúng tôi khoảng 2.421 tấn, tăng 63% so với tháng thường và tăng 43% so với kế hoạch đăng ký" - ông Khoa nói, đồng thời khẳng định với mức dự trữ cao hơn so với năm trước 13-15%, hàng hóa của đơn vị này sẽ đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường.

Cũng theo ông Khoa, giá cả nhiều mặt hàng sẽ bằng, thậm chí thấp hơn cùng thời điểm này năm ngoái. "Các nhà sản xuất lẫn nhà bán lẻ đều tìm cách giảm chi phí, giảm lợi nhuận để đẩy hàng đi, việc ôm hàng trong mùa tết này là rất rủi ro", ông Khoa đánh giá.

Theo ông Nguyễn Vũ Toàn - giám đốc kinh doanh Saigon Co.op, tổng trữ lượng hàng hóa của Saigon Co.op, bao gồm hàng bình ổn Tết Tân Sửu tăng 15-30% so với cùng kỳ năm trước tùy mặt hàng, đảm bảo đủ hàng bình ổn trong 3 tháng trước, trong và sau tết. Chủ yếu rơi vào nhóm thực phẩm tươi sống và thực phẩm tết.

Riêng mặt hàng thịt sẽ không lo thiếu hàng, không những đã chuẩn bị xong 3.500 tấn thịt an toàn, đảm bảo giá thấp hơn thị trường từ các đơn vị cung cấp thịt heo lớn. 

Ngoài ra, Saigon Co.op cũng chuẩn bị một lượng lớn thịt bò, thịt gà, thịt vịt, thủy hải sản... để luân phiên giảm giá, giúp người tiêu dùng có thêm lựa chọn.

Cũng theo ông Toàn, trong 8 tuần kinh doanh tết, hệ thống này kỳ vọng đạt doanh số trên 6.800 tỉ đồng, trung bình mỗi tuần hơn 1.000 tỉ đồng. 

"Chúng tôi phân kỳ các dịp mua sắm, trong đó doanh số tập trung vào hai tuần cao điểm trước tết", ông Toàn nói và cho biết hệ thống sẽ có những chương trình khuyến mãi được tung ra phù hợp với nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân theo từng thời điểm.

Hàng tết bình dân sẵn sàng lên kệ - Ảnh 2.

Nhân viên siêu thị Co.op Mart Lý Thường Kiệt (TP.HCM) chất giỏ quà tết 2021 lên kệ trưng bày để bán (ảnh chụp chiều 23-12) - Ảnh: Q.ĐỊNH

Thay đổi cơ cấu dự trữ hàng

Theo kế hoạch, mùa kinh doanh tết bắt đầu chạy từ giữa tháng 12. Trong đó các doanh nghiệp đều thay đổi cơ cấu dự trữ lượng hàng, tập trung vào nhóm hàng thiết yếu và hàng bình dân, giảm các nhóm mang tính "xa xỉ" như bia, rượu, thực phẩm chế biến cao cấp...

Đại diện Vincommerce cho biết với chương trình có chủ đề "Đón tết to, không lo về giá" xuyên suốt từ cuối tháng 12-2020 đến tháng 2-2021, hệ thống này sẽ đưa ra nhiều hình thức khuyến mãi hấp dẫn, đó là các gói kích cầu mua sắm hàng hóa thiết yếu tết với giá cả hợp lý, ưu đãi giảm giá tới 50%. 

Đặc biệt, hệ thống này cũng phát triển các dịch vụ giao hàng tận nhà, đa dạng kênh bán hàng như đặt hàng qua điện thoại, ứng dụng điện thoại và website VinMart.com.

"Để chuẩn bị hàng hóa cho dịp Tết Tân Sửu, chúng tôi đã lên kế hoạch và làm việc với các nhà cung cấp trước tết 4 tháng để lên số lượng dự phòng hàng hóa đầy đủ, giá tốt" - vị này nói. 

Đồng thời cho biết ngay cả các mặt hàng "sốt" giá suốt một năm qua như thịt heo, rau củ quả... cũng được dự trữ nguồn hàng dồi dào, khó tăng giá đột biến.

Ông Triệu Đỗ Hồng Phước, trưởng Ban kinh tế - ngân sách HĐND TP, cho biết chủ trương của TP.HCM là đảm bảo người dân có một cái tết vui tươi, an toàn và tiết kiệm, hiệu quả. 

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc chuẩn bị hàng hóa, mua sắm tết của người dân cũng như doanh nghiệp phải đảm bảo phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

"Bên cạnh chuẩn bị nguồn hàng dồi dào, các siêu thị, doanh nghiệp cần có những phương án phòng khi dịch quay lại và có những giải pháp phù hợp từng loại hình kinh doanh, trong đó tăng cường hình thức bán hàng online, giảm tiếp xúc, giải quyết nhanh cho người mua sắm tại siêu thị, tránh ùn ứ" - ông Phước nói. Đồng thời yêu cầu các nhà bán lẻ cần tăng cường kiểm soát vấn đề an toàn thực phẩm tết nhằm đảm bảo cái tết an toàn cho người dân.

Siêu thị mở cửa đến nửa đêm

Các trung tâm thương mại, siêu thị cho biết sẽ tăng giờ hoạt động thêm 3-4 giờ mỗi ngày, cửa hàng tiện lợi tăng 2-3 giờ. Từ ngày 20 đến 25 tháng chạp, siêu thị Satra sẽ mở cửa từ 7h sáng đến 23h đêm.

Từ ngày 26 đến 29 tháng chạp, hệ thống Co.op Mart mở cửa từ 6h đến nửa đêm (24h). Các cửa hàng khu vực vùng sâu vùng xa trung tâm cũng được điều chỉnh phù hợp. Siêu thị chỉ nghỉ trọn mùng 1 tết, đóng cửa lúc 12h trưa 30 tết và mùng 2 tết đã mở cửa hoạt động trở lại.

Hà Nội: tăng mạnh nguồn hàng tết

Việc chuẩn bị nguồn cung hàng hóa tết được UBND TP Hà Nội đưa vào chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu.

Lượng dự trữ hàng hóa tết sẽ tăng thêm khoảng 35% so với nhu cầu tiêu thụ ngày thường. Cơ sở tham gia chương trình bình ổn giá sẽ được vay vốn với mức lãi suất phù hợp.

Các hệ thống phân phối cũng sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi trong việc cung ứng hàng hóa vào hệ thống với mức chiết khấu ưu đãi, chia sẻ chiết khấu và các chi phí khác khi có biến động giá nhằm bình ổn giá.

Đặc biệt, Hà Nội cũng tổ chức thực hiện chương trình "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" nhằm kết hợp với chương trình hàng Việt gắn với bình ổn thị trường, đẩy mạnh công tác đưa hàng bình ổn về các vùng ngoại thành, khu công nghiệp, giúp người dân được tiếp cận, mua sắm nhiều mặt hàng bình ổn, đặc biệt dịp lễ, tết…

N.AN

muasamcuoinam

Người dân Đà Nẵng bước vào tuần lễ khuyến mãi mua sắm cuối năm 2020 từ hôm nay 24-12 - Ảnh: TẤN LỰC

Đà Nẵng: tăng hàng thiết yếu, giảm hàng cao cấp

Sở Công thương Đà Nẵng cho biết Tuần lễ khuyến mãi kích cầu mua sắm cuối năm tại địa phương sẽ diễn ra từ ngày 24 đến 30-12, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ, tăng doanh số bán ra, khắc phục hoạt động sản xuất kinh doanh sau ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Theo bà Phan Như Yến - giám đốc Công ty CP Intimex Đà Nẵng, chủ sở hữu chuỗi siêu thị Danavi Mart, dù kinh tế Đà Nẵng gặp nhiều khó khăn trong năm 2020 do ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh và mưa lũ nhưng lượng hàng dự trữ Tết dương lịch và Tết Nguyên đán của hệ thống vẫn tăng 20-30% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, cơ cấu hàng hóa có sự thay đổi như giảm tỉ lệ các mặt hàng cao cấp, hàng xa xỉ và tăng lượng hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng.

TẤN LỰC

Cần Thơ: hơn 3.400 tỉ đồng trữ hàng hóa phục vụ tết

Ngày 23-12, ông Nguyễn Quang Vinh, trưởng phòng quản lý thương mại Sở Công thương Cần Thơ, cho biết tổng mức giá trị hàng hóa dự trữ tết của các doanh nghiệp tại địa phương là trên 3.414 tỉ đồng, với số lượng hàng hóa dự trữ tăng 10-30% so với năm trước.

Trong đó, riêng 14 doanh nghiệp tham gia bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán 2021 với 55 điểm bán lẻ, tổng giá trị hàng hóa tham gia bình ổn trên 294 tỉ đồng.

9 mặt hàng được bình ổn giá gồm: gạo, thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thủy hải sản, dầu ăn, đường, thực phẩm chế biến, rau củ quả với giá bán luôn thấp hơn giá thị trường ít nhất 5% trong thời gian thực hiện chương trình.

LÊ DÂN

Vừa phòng dịch, vừa lo chuẩn bị hàng Tết Vừa phòng dịch, vừa lo chuẩn bị hàng Tết

Tết đã rục rịch đến, khoảng 2 tháng nữa nhưng Saigon Co.op đã tăng cường nguồn hàng dự trữ trên toàn hệ thống, chuẩn bị chu đáo các kịch bản cung ứng và đặc biệt dành nhiều ưu đãi cho hàng Việt trong dịp Tết này.

NHƯ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên