
Bà Chu Thị Hạnh - phó cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Nội vụ) - đồng chủ trì họp ban chỉ đạo - Ảnh: HÀ QUÂN
Sáng 9-4, Ban chỉ đạo Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động Trung ương đã thống nhất kế hoạch tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2025.
Tăng tập huấn an toàn lao động ở nhiều ngành
Theo bà Chu Thị Hạnh - phó cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Nội vụ), Tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động (từ ngày 1 đến 31-5) sẽ phát động cùng với Tháng công nhân năm 2025 với chủ đề về tăng cường đánh giá, nhận diện nguy cơ, rủi ro và chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.
Dự kiến sự kiện diễn ra vào sáng 25-4 tại Cung Văn hóa lao động Hữu nghị Việt Xô (số 91 Trần Hưng Đạo, Hà Nội).
Triển khai chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường lãnh đạo của Đảng về an toàn vệ sinh lao động, lãnh đạo Cục Việc làm nêu rõ giải pháp tuyên truyền, tập huấn cho người lao động, doanh nghiệp ở ngành rủi ro cao như khai khoáng, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, điện…
Ông Nguyễn Mạnh Kiên - phó trưởng Ban tuyên giáo - nữ công, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho hay dự kiến có 100% các tỉnh, thành tổ chức ngày hội Công nhân sáng tạo, vững tin bước vào kỷ nguyên mới và diễn đàn Công nhân với Đảng, Đảng với công nhân.
Đây vừa là dịp công nhân cho ý kiến, đề xuất, đóng góp vào văn kiện đại hội Đảng, vừa là dịp cấp ủy, chính quyền địa phương truyền thông điệp đồng lòng xây dựng, phát triển, hướng tới các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Trong Tháng công nhân, doanh nghiệp và công đoàn phối hợp tổ chức các hoạt động tôn vinh lao động sáng tạo, vui chơi giải trí…
Có người sử dụng lao động còn nhắn tin cảm ơn, gửi thiệp kèm các phần quà đặc biệt, giá trị với công nhân, thậm chí là vàng, như cách tri ân đội ngũ của mình.

Ông Nguyễn Văn Yên - Cục Việc làm, Bộ Nội Vụ - Ảnh: HÀ QUÂN
Số người tử vong do tai nạn lao động tăng
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, số vụ tai nạn lao động, số người tử vong năm 2024 tăng so với năm 2023.
Cụ thể, cả nước có trên 8.200 vụ tai nạn lao động (tăng 892 vụ, tương đương 12,1%), làm 8.472 người bị nạn (tăng 919 người bị nạn). Trong đó có 675 vụ tai nạn chết người, làm 727 người chết (tăng 28 người).
So với năm 2023, tổng chi phí cho tai nạn lao động và thiệt hại tài sản chưa đầy đủ lên tới trên 42.500 tỉ đồng (tăng hơn 26.200 tỉ đồng), và khoảng 154.000 ngày công (tăng gần 5.000 ngày), chỉ tính riêng khu vực có quan hệ lao động.
Đáng chú ý, năm 2024, nhiều địa phương có nhiều khu công nghiệp, đông công nhân xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động, khiến nhiều người thương vong.
Đó là Bình Dương (gần 1.500 vụ, hơn 1.500 người bị nạn), Đồng Nai (hơn 1.400 vụ, trên 1.400 người bị nạn), TP.HCM (hơn 900 vụ, trên 900 người bị nạn)…
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Văn Yên (Cục Việc làm) cho biết có nhiều nguyên nhân như các doanh nghiệp chưa quan tâm, chú ý thực hiện quy định của pháp luật về quản lý, kiểm soát nguy cơ, rủi ro.
Nhiều người lao động chưa được huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, thiếu kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn đầy đủ và tác phong công nghiệp còn rất hạn chế, chủ quan.
Chính quyền cơ sở ở một số nơi chưa thực sự quan tâm, dành nguồn lực cho công tác an toàn, vệ sinh lao động.
Ông Yên nói thêm để phòng ngừa tai nạn lao động ở khu vực đông lao động như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, ngoài thường xuyên thanh kiểm tra, việc tuyên truyền, hoàn thiện quy trình quản trị rủi ro con người, máy móc tại doanh nghiệp phải được nâng cao.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận