10/03/2021 06:30 GMT+7

Hàng loạt thương hiệu có nguy cơ bị dân Myanmar tẩy chay, ASEAN vô thế khó

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) chắc chắn không muốn và không thể thể bỏ Myanmar lại phía sau. Nhưng bằng cách nào?

Hàng loạt thương hiệu có nguy cơ bị dân Myanmar tẩy chay, ASEAN vô thế khó - Ảnh 1.

Người dân Myanmar đổ bia xuống chân, một hành động tẩy chay Myanmar Beer - Ảnh: TWITTER

ASEAN sẵn sàng hỗ trợ Myanmar một cách tích cực, hòa bình và trên tinh thần xây dựng.

Ngoại trưởng các nước ASEAN trong tuyên bố không chính thức về tình hình Myanmar ngày 2-3

Vấn đề Myanmar gần như chắc chắn sẽ phủ bóng Hội nghị Cục trưởng tác chiến quân đội các nước ASEAN (AMOM), diễn ra theo hình thức trực tuyến vào hôm nay (10-3). Chính biến tại Myanmar, kéo theo các cuộc biểu tình có người chết gần đây, đang trở thành mối quan tâm lớn nhất của cộng đồng quốc tế và Đông Nam Á nói riêng.

Nguy cơ tẩy chay hàng loạt

Trong bức tranh hỗn loạn của cuộc biểu tình, hôm 6-3 vừa qua người ta thấy một số người bày tỏ thái độ phản kháng bằng việc đổ Myanmar Beer xuống đường. Đây là một thương hiệu bia địa phương được một công ty liên quan với quân đội sản xuất. Đối tác của Myanmar Beer là một công ty Nhật Bản - Kirin, vốn đã chấm dứt hợp tác sau cuộc đảo chính.

Chi tiết này diễn tả bức tranh đáng lo ngại cho các nước láng giềng của Myanmar, khi cuộc khủng hoảng chính trị - xã hội tại đây kéo theo tác động kinh tế. Không riêng Myanmar Beer, tất cả những thương hiệu trong và ngoài nước dính tới quân đội hay câu chuyện chính trị này đều trở thành đích ngắm của các màn tẩy chay.

Singapore, nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Myanmar, đã lọt vào tầm ngắm của các cuộc biểu tình và phong trào bất tuân dân sự tại quốc gia này. Chương trình chuyên đưa tin về ASEAN - Reporting ASEAN - dẫn lời một người dùng Facebook ở Myanmar khẳng định "Tạm biệt, Singapore", và đăng danh sách các thương hiệu Singapore mà Myanmar đang tẩy chay như bia Tiger hay bánh mì BreadTalk. Những hành động này nhằm gây áp lực lên Singapore, để nước này có động thái kinh tế cứng rắn hơn với quân đội Myanmar.

"Singapore không đại diện cho tiếng nói của người Myanmar. Hãy tẩy chay sản phẩm từ Singapore, vì Singapore là nhà đầu tư lớn nhất ở Myanmar", một người dùng khác viết.

Trao đổi với Tuổi Trẻ từ Yangon, Aung Shin - biên tập viên một ấn bản báo chí tại Myanmar - xác nhận rằng hiện nay người biểu tình đã nhắm tới nhiều quốc gia cũng như hàng hóa của các quốc gia đó mà họ cho rằng đang ủng hộ chính quyền quân sự.

Thế khó của ASEAN

Ở mức độ quốc gia, chính biến và biểu tình chết người tại Myanmar đang đẩy ASEAN vào một tình huống khó khăn trong việc hỗ trợ, tìm giải pháp, hay thậm chí đưa ra một thông điệp thống nhất.

Tại cuộc họp không chính thức bộ trưởng ngoại giao 10 nước ASEAN ngày 2-3, tuyên bố không chính thức của ASEAN khẳng định với tư cách một gia đình, ASEAN nhất trí rằng ổn định chính trị của bất kỳ và tất cả các nước thành viên ASEAN là cần thiết để đạt được một Cộng đồng ASEAN hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung. 

ASEAN khẳng định kêu gọi tất cả các bên không kích động bạo lực hơn nữa, đồng thời thể hiện kiềm chế và sự linh hoạt tối đa, cũng như tìm kiếm giải pháp hòa bình thông qua đối thoại mang tính xây dựng và hòa giải một cách thực chất vì lợi ích của người dân và kế sinh nhai của họ.

Tại cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan ngày 4-3, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh cho rằng tình hình bạo lực và căng thẳng gia tăng gây tổn thất sinh mạng người dân trong những ngày gần đây tại Myanmar đã ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định không chỉ của Myanmar mà cả khu vực. 

Phó thủ tướng đề nghị ASEAN phối hợp chặt chẽ, phát huy vai trò, sử dụng hiệu quả các công cụ, cơ chế hợp tác hiện có, trong đó có phối hợp với các tổ chức và cơ chế toàn cầu bao gồm Liên Hiệp Quốc.

Các nỗ lực này, theo Phó thủ tướng, nhằm giúp Myanmar ổn định tình hình vì lợi ích của nhân dân và đất nước Myanmar cũng như vì hòa bình, ổn định khu vực và đoàn kết, uy tín của ASEAN.

Cụm từ "uy tín của ASEAN" diễn tả vai trò và kỳ vọng đặt vào ASEAN trong việc tìm kiếm giải pháp vẹn toàn cho Myanmar - một thành viên ASEAN, trong bối cảnh ASEAN đề cao tính trung tâm và đã đẩy mạnh việc hội nhập với nhiều cơ chế - sáng kiến do ASEAN dẫn dắt.

Tuy nhiên, câu chuyện lại phức tạp hơn khi bản thân các thành viên của khối cũng phải tôn trọng nguyên tắc được đề cập trong Hiến chương ASEAN, đó là nguyên tắc đồng thuận và không can thiệp. 

Trong tình huống Myanmar, ASEAN không thể vi phạm bằng cách can thiệp vào Myanmar, nhưng cũng phải chịu sức ép phải tiếp tục thể hiện vai trò trung tâm trong một câu chuyện thu hút dư luận quốc tế mạnh mẽ như hiện nay.

Trong thời gian tới, giải pháp cho vấn đề Myanmar dự kiến tiếp tục là trọng tâm trong các cuộc họp của ASEAN. Ngoài mục tiêu tạo ra một nền tảng đối thoại và xử lý cho Myanmar, nhiệm vụ của ASEAN cũng tập trung vào việc tìm cách phối hợp với các đối tác quan tâm tới vấn đề này.

Kênh truyền hình MRTV của Myanmar ngày 9-3 đưa tin Myanmar triệu tập ông Kyaw Swar Minn, đại sứ tại Anh trở về Bộ Ngoại giao. Quyết định này đưa ra một ngày sau khi đại sứ Kyaw Swar Minn có cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Anh Dominic Raab và đăng tuyên bố kêu gọi thả nhà lãnh đạo đang bị quản thúc là bà Aung San Suu Kyi trên Facebook của đại sứ quán do mình phụ trách.

"Ông ấy đã không hành xử theo đúng hướng dẫn và trách nhiệm, vì vậy, đã có quyết định triệu hồi và chuyển ông về Bộ Ngoại giao", kênh truyền hình MRTV đưa tin.

Quân đội Myanmar gây chính biến ngày 1-2 và bắt giữ bà Suu Kyi cùng hầu hết nội các.

Chính trị gia Myanmar bị bắt lúc 1h30 sáng nay 9-3 đã chết Chính trị gia Myanmar bị bắt lúc 1h30 sáng nay 9-3 đã chết

TTO - Zaw Myat Linn, quan chức thuộc Đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ của bà Aung San Suu Kyi, được xác nhận đã chết sau khi bị bắt vào sáng sớm hôm nay 9-3.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên