19/08/2020 10:50 GMT+7

Hãng Đài Loan bán 2 nhà máy sản xuất vỏ iPhone cho công ty Trung Quốc

NGUYÊN HẠNH
NGUYÊN HẠNH

TTO - Hãng công nghệ Đài Loan Catcher Technology đã bán lại 2 nhà máy sản xuất vỏ kim loại của iPhone cho đối thủ Lens Technology của Trung Quốc, giúp các nhà cung cấp Trung Quốc tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của Apple.

Hãng Đài Loan bán 2 nhà máy sản xuất vỏ iPhone cho công ty Trung Quốc - Ảnh 1.

Một khách hàng mở hộp iPhone 11 Pro Max tại cửa hàng Apple ở Bắc Kinh, Trung Quốc - Ảnh: REUTERS

Theo Nikkei Asian Review, thỏa thuận trên trị giá 1,42 tỉ USD.

Lens Technology có trụ sở tại tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) từ lâu đã giữ vai trò nhà cung cấp mặt kính trước và sau cho iPhone. Trong khi đó, Catcher Technology là nhà cung cấp chính vỏ kim loại cho thương hiệu này.

Thỏa thuận mới sẽ cho phép Lens sản xuất vỏ kim loại chất lượng cao và tiếp cận tốt hơn tới một số bí quyết lắp ráp của Apple.

Giới quan sát dự đoán điều này có thể đẩy năng lực cạnh tranh của Lens lên cao so với đối thủ tại chính quê nhà, Luxshare ICT. Cả 2 doanh nghiệp đều đang nỗ lực chiếm phần bánh lớn hơn trên chuỗi cung ứng hàng điện tử tiêu dùng toàn cầu.

"Các động lực thay đổi nhanh chóng trên trường quốc tế, sự thay đổi trong chiến lược của khách hàng, đi kèm với cuộc cạnh tranh giảm giá tiếp tục diễn ra là lý do chúng tôi quyết định bán các nhà máy tại Thai Châu (Chiết Giang, Trung Quốc)", người phát ngôn James Wu của Catcher tuyên bố tại một buổi họp báo hôm 18-8.

Trong khi đó, chủ tịch Allen Horng của hãng này cho biết lý do Catcher rút vốn ở hai nhà máy trên là để "đầu tư cho các lĩnh vực có tiềm năng phát triển trong tương lai".

"Máy tính xách tay, máy tính bảng, thiết bị điện tử ôtô, công nghệ 5G và y tế sẽ là trọng tâm của chúng tôi sau này", ông Horng giải thích cho quyết định rút khỏi thị trường cung ứng điện thoại thông minh vốn cạnh tranh gay gắt.

Thỏa thuận giữa Catcher và Lens bao gồm 2 nhà máy và cả các thiết bị tại Thai Châu và sẽ được hoàn tất vào cuối năm 2020. Nguồn nhân lực tại Thai Châu của Catcher, tính cả các kỹ sư, đều không nằm trong thỏa thuận chuyển giao này.

Nikkei Asian Review cho biết đây là sự hợp nhất thứ 3 trong chuỗi cung ứng của Apple, một tháng sau khi nhà cung ứng Wistron của hãng bán xưởng lắp ráp iPhone cho Luxshare. Luxshare được ví như phiên bản Trung Quốc của hãng Foxconn (Mỹ).

Hôm 13-8, nhà lắp ráp hàng đầu của iPhone, Pegatron tuyên bố sẽ sáp nhập công ty con Casetek Holding vào công ty mẹ để hợp nhất nguồn tài nguyên và tăng khả năng phản ứng trước biến động của thị trường toàn cầu. Casetek Holding là hãng chuyên sản xuất khung vỏ kim loại của Pegatron.

Apple xóa hơn 2.500 game khỏi kho ứng dụng Trung Quốc Apple xóa hơn 2.500 game khỏi kho ứng dụng Trung Quốc

TTO - Trong tuần đầu tiên của tháng 7, Apple xóa hơn 2.500 trò chơi điện thoại (mobile game) khỏi kho ứng dụng tại Trung Quốc, nhằm đáp ứng điều kiện cấp phép của quốc gia này, theo hãng phân tích SensorTower.

NGUYÊN HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên