Hai cháu đang học bài |
Tai nạn giao thông vừa cướp đi người bố trụ cột không lâu, thì người mẹ tảo tần cũng vĩnh viễn bỏ lại hai em, vì căn bệnh tim quái ác. Vượt qua nỗi đau, cô chị - mười hai tuổi đã dìu dắt em trai chín tuổi cùng vươn lên, cố gắng viết tiếp ước mơ còn dang dở…
Đói nghèo không quật ngã ước mơ…
Năm 2008, anh Nguyễn Đăng Luyện – cha của hai em Nguyễn Thị Nhân và Nguyễn Đăng Phúc – chẳng may qua đời trong một tai nạn giao thông thương tâm. Khi đó, bé Nhân vừa tròn bốn tuổi, còn em Phúc chỉ mới một tuổi. Sự mất mát ấy đã để lại một khoảng trống không gì bù đắp được.
Chị Nguyễn Thị Dương, vợ anh phải lặn lội vào Sài Gòn bươn chải. Với đồng lương công nhân ít ỏi, chị cố gắng tiết kiệm chi tiêu để có thể gởi trọn vẹn về nuôi con.
Sức khỏe vốn không tốt, lại mắc bệnh tim từ lâu nên sau một cơn tai biến do lao lực, chị đã bất ngờ ra đi mãi mãi. Hai đứa bé côi cút còn quá nhỏ để có thể hiểu được vì sao chúng không nhận được những món quà con con như rau câu, xúc xích, kẹo bánh... mà mẹ Dương hay gửi về nữa.
Khi quá nhớ mẹ, chúng lại đem tấm ảnh cưới của bố mẹ ra xem, hoặc mân mê từng đường chỉ trong bức tranh thêu Phúc Lộc Thọ mà người mẹ trẻ đã ngày đêm thêu tay, gửi về làm quà Tết cho cả nhà...
Nhà ông bà ngoại vốn nghèo, chỉ có hai sào ruộng, mười con gà và một con bò. Bình thường cuộc sống đã khốn khó, nay ông bà đều đã gần sáu mươi, phải gánh gồng thêm hai đứa cháu non nớt, lại càng túng quẫn hơn. Trồng trọt, chăn nuôi những khi được mùa còn đủ để đắp đổi.
Nhưng lúc mất mùa hay dịch bệnh hoành hành, cả nhà gần như phải rau, cháo nuôi nhau. Bữa đói, bữa no nhưng các bé vẫn luôn ngoan ngoãn và chăm chỉ học hành.
Ngoài giờ học, bé chị dạy kèm thêm cho em trai, và phụ giúp ông bà quét nhà, rửa bát, giặt đồ…, những công việc mà gần như vẫn còn rất xa lạ với nhiều bạn bè cùng trang lứa.
Khi được hỏi “lớn lên sẽ làm gì?”, hai bé đều trả lời rụt rè nhưng đầy kiên quyết:"Chúng cháu muốn trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho những người như mẹ!"
Ông bà và các cháu |
Ước mơ được chắp cánh
Thương hai cháu mồ côi, thiếu thốn trăm bề, ông bà đã cố gắng làm lụng, dành dụm để chúng không phải bỏ dỡ con đường đến lớp, qua đó, dưỡng nuôi mong muốn được trở thành bác sĩ.
Trời không phụ lòng người, ước mơ của hai em đã được vun vén và tiếp sức bởi chương trình Vòng tay nhân ái xoa dịu nỗi đau tai nạn giao thông do Úy ban an toàn giao thông quốc gia, Ban An toàn giao thông tỉnh Nghệ An và Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Prudential phối hợp thực hiện.
Chương trình đã trao tặng hai em 100 triệu đồng. Đây là quyền lợi bảo hiểm được Prudential chi trả cho con, em dưới 18 tuổi của những gia đình thuộc diện nghèo và cận nghèo mà bố hoặc mẹ không may mất đi vì tai nạn giao thông, người còn lại chẳng may qua đời.
Gia đình anh Luyện - chị Dương là trường hợp đầu tiên của tỉnh Nghệ An được chia sẻ nỗi đau kịp thời đến những người ở lại, cũng như hỗ trợ việc tiếp tục đến trường cho các con của họ.
Cầm khoản chi phí được trợ giúp trên tay, ông bà của bé Nhân và Phúc đã không cầm được nước mắt. Họ cho biết sẽ dùng 30 triệu đồng để lo cho hai cháu tiếp tục đi học, và 70 triệu đồng còn lại sẽ gửi ngân hàng để dành làm vốn khi hai cháu lớn lên.
“Chúng tôi chỉ mong đủ sức khỏe để lo cho hai cháu. Sự hỗ trợ đầy thiết thực và ý nghĩa này tiếp sức không chỉ cho vợ chồng tôi mà còn giúp mang lại cho hai cháu niềm tin và dũng khí để vượt qua những khó khăn phía trước, chắp cách cho hai cháu biến ước mơ thành hiện thực trong một ngày không xa”. Ông Nguyễn Mỹ Long, ông ngoại của hai bé xúc động chia sẻ.
Chương trình Vòng tay nhân ái chia sẻ nỗi đau tai nạn giao thông do Úy ban an toàn giao thông quốc gia, Ban an toàn giao thông các tỉnh và Prudential phối hợp tố chức, nhằm hỗ trợ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn mà người thân không may bị tai nạn giao thông, nhằm chia sẻ, động viên, hỗ trợ và giúp họ có cơ hội, động lực vươn lên trong cuộc sống. Các hoạt động chính của chương trình gồm: Cấp học bổng “Vòng tay nhân ái”; Tìm kiếm việc làm phù hợp cho người thân của nạn nhân; Tặng sổ tiết kiệm, bảo hiểm miễn phí, hỗ trợ cây, con giống; Hỗ trợ chi phí chữa bệnh và phương tiện hỗ trợ sinh hoạt. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận