12/08/2016 09:38 GMT+7

Giấc mơ từ đáy sông Vực Hồng của cậu học trò giỏi

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - “Thằng Lâm thi đậu nhưng rồi cũng nghỉ học thôi”, mấy người phụ nữ cào don nói về chuyện của Trần Văn Lâm (21 tuổi, thôn Thu Xà, xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi).

Hai mẹ con cùng ngụp lặn tìm don trên sông Vực Hồng vẫn nuôi ước mơ Lâm được vào đại học - Ảnh: T.MAI
Hai mẹ con cùng ngụp lặn tìm don trên sông Vực Hồng vẫn nuôi ước mơ Lâm được vào đại học - Ảnh: T.MAI

Họ nói vậy vì Lâm từng nghỉ học do... nghèo và chưa biết ngày mai ra sao!

Giấc mơ thoát nghèo

Ngôi nhà đại đoàn kết rộng chừng 30m2 nằm trong một lối nhỏ vừa đủ lọt chiếc xe máy, sát mép sông Vực Hồng có một thanh niên cao, gầy đang cùng mẹ đan võng, đó là Lâm.

Từ ngày biết điểm thi khối A của mình là 24,2 điểm (toán 9, lý 8, hóa 7,2), Lâm cùng mẹ làm đủ thứ việc từ phụ rửa chén đám cưới, đan võng, móc bùn tìm don... Hai mẹ con làm liên tục với hi vọng sẽ đủ tiền đóng học phí vào Đại học Kinh tế TP.HCM. Với Lâm đó là giấc mơ thoát nghèo.

Mỗi ngày cố gắng, mẹ con Lâm đan được sáu chiếc võng với giá 6.000 đồng/chiếc. Những chiếc võng này đã góp phần giúp Lâm tiếp tục đi học sau hai năm nghỉ học. Đó là vào năm 2009, thời điểm này bà Phạm Thị Đặng (48 tuổi, mẹ Lâm) bị ốm nặng.

Cậu học sinh giỏi nhất nhì Trường THCS Nghĩa Hòa ngày đó phải bỏ học theo người anh bà con vào TP.HCM lao động trong một xưởng inox kiếm 1,2 triệu đồng/tháng gửi về quê nuôi mẹ.

“Chú trong thôn đi Sài Gòn về, chạy vào nhà đưa tiền bảo tháng lương đầu của thằng Lâm. Tôi cầm tiền nhưng không cầm được nước mắt”. Lần này nỗi lo con không thể bước vào cổng trường ĐH lại một lần nữa chập chờn trong suy nghĩ của bà Đặng...

Chiếc võng sắp hoàn thành thì Lâm ngoái đầu nhìn về phía sông Vực Hồng. Cái bến nhỏ bé với mấy chiếc ghe cũ của dân nghèo neo đậu hành nghề móc bùn tìm don nước cạn dần. Hai mẹ con vội nghỉ việc đan võng, lấy rổ... lên ghe ra sông.

Cũng như những phụ nữ nghèo khác đang bới bùn tìm don, Lâm đưa đôi tay cào từng lớp bùn, con don ngày một ít nên việc tìm bắt khó hơn. Mỗi buổi đi cào don trúng lắm thì chỉ 3kg, hai mẹ con kiếm được 60.000 đồng. Đó là số tiền Lâm hi vọng sẽ chắp cánh cho mình bước đầu thực hiện giấc mơ ngồi ghế giảng đường.

Giấc mơ chìm nổi

Sau hai năm làm thuê, Lâm chính thức quay lại học lớp 8. Thầy Trương Thuận Hưng, hiệu trưởng Trường THCS Nghĩa Hòa, vẫn còn nhớ:

“Thầy cô ai cũng mừng vì Lâm đi học lại. Với học lực quá tốt của Lâm, không khó để theo kịp chương trình. Và thực tế đã chứng minh từ khi đi học lại cho đến hết lớp 12, năm nào Lâm cũng là học sinh giỏi”.

Những thầy cô giáo và bạn học của Lâm mà chúng tôi tiếp xúc đều khâm phục nghị lực và ý chí của Lâm, họ bảo hiếm thấy ai nghỉ học đi làm hai năm lúc quay lại trường vẫn giữ nguyên “phong độ” học tập.

Họ hiểu hoàn cảnh của Lâm, hiểu cả nghị lực và giấc mơ thoát khỏi con sông Vực Hồng đã bám đời Lâm từ khi còn bé. Thầy Nguyễn Phú Đồng, hiệu trưởng Trường THPT Thu Xà, bảo đây là trường hợp đặc biệt nhất trong cuộc đời làm giáo viên của thầy.

“Học trò nghèo, mồ côi thì nhiều. Nhưng ở Lâm đó là nghị lực và sự hiếu thảo luôn song hành. Lâm có thể nghỉ học chăm mẹ ốm rồi lặn lội đi gặp bạn, gặp thầy để theo kịp chương trình. Trong thời gian ôn thi vừa rồi, ngày nào Lâm cũng đào don, đan võng và ôn tập. Lâm mà có điều kiện hơn thì số điểm sẽ còn cao nữa” - thầy Đồng nói.

Thầy Trần Văn Quân dạy môn lý, từng chủ nhiệm lớp 10 và 11 của Lâm, nói rằng Lâm là cậu học trò được trường đặc cách chuyện đi học trễ và vắng học không lý do.

Thầy Quân nói: “Hôm nào thấy Lâm nghỉ học là biết một là nhà thiếu gạo, hai là mẹ đang ốm nằm một chỗ. Thế là thầy cô lại xuống nhà thăm. Dù có học bổng hay giúp đỡ gì nhà trường cũng trao cho Lâm đầu tiên, nhưng sự hỗ trợ ấy cùng lắm chỉ vài trăm nghìn đồng mà ngày dài tháng rộng...” - thầy Quân bỏ dở câu chuyện.

Với số điểm đạt được, cánh cửa ĐH không xa tầm tay nhưng lại quá xa bởi gia cảnh đặc biệt của Lâm. Sông Vực Hồng mỗi ngày nước lại lên xuống thất thường như giấc mơ của Lâm cũng chìm nổi theo từng con don, cái võng.

Trong bữa cơm tối cùng tôi với chỉ một tô canh rau và ít cá vụn, hai mẹ con không nói về điểm, về trường. Họ hỏi nhau mai làm gì, có đám cưới nào không để đi rửa chén, có quán nhậu nào cần người phụ bàn. 23g, bà Đặng đau đầu vào uống vài viên thuốc rồi đi ngủ.

Lâm vẫn lầm lũi đan cho xong cái võng của mình và cả chiếc võng mẹ bỏ dở. Đan xong mấy cái võng khi đã 1 giờ sáng, Lâm ngáp một hơi dài rồi nói: “Rồi trời sẽ sáng, trời không tối mãi được”. Tôi hiểu câu nói ấy của Lâm là một niềm tin...

Mơ ước hiện tại của Lâm thật đơn giản, chỉ là đủ tiền nộp học phí ban đầu để vào đại học đúng ngành kinh tế hoặc kinh tế đối ngoại mà cậu yêu thích. Tiếp đó sẽ tự tìm việc làm và trang trải cho việc học của mình.

“Có thể đói một ngày, một tuần nhưng phải theo học, không thể nghèo mãi được”, Lâm tâm sự.

Nhưng nỗi lo lớn nhất của Lâm là người mẹ nay đau mai ốm. Trong những tháng ngày theo học phổ thông, cậu đã phải làm đủ thứ việc để mua thuốc cho mẹ chống chọi với bệnh tật, rời xa mẹ ai sẽ chăm lo việc đó?

Bà Năm Nhạn, sống gần nhà cũng móc bùn tìm don, bảo: “Nó hiếu thảo lắm, sống gần 60 năm rồi tui hiếm thấy ai như nó”.

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên