07/06/2023 05:45 GMT+7

Hải quân Mỹ lo chạy đua vì Trung Quốc đóng tàu 'như gà đẻ trứng'

Mỹ vẫn có lực lượng hải quân mạnh nhất thế giới, nhưng không phải lớn nhất. Với tốc độ đóng tàu "như gà đẻ trứng", Trung Quốc đang sở hữu nhiều chiến hạm nhất.

Khu trục hạm lớp Zumwalt của hải quân Mỹ - Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ

Khu trục hạm lớp Zumwalt của hải quân Mỹ - Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ

Trong chiến lược "ba lực lượng" mà Tuổi Trẻ đã từng đề cập ở một bài báo gần đây, Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ là những lực lượng được ưu tiên. 

Để bắt kịp Trung Quốc và chuẩn bị cho viễn cảnh xung đột, Mỹ đang nghiên cứu nhiều cách làm chưa có tiền lệ.

Đóng chiến hạm ở nước ngoài?

Trong một bài viết mang tính cảnh báo ngày 3-6, Đài CNN cho biết các quan chức hải quân Mỹ đang "vò đầu bứt tai" vì tốc độ đóng tàu của Trung Quốc khiến nước này không thể theo kịp. 

Một số chuyên gia ước tính Trung Quốc có thể đóng ba tàu chiến trong thời gian Mỹ đóng một chiếc. Vài chiến hạm mặt nước của Hải quân Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLAN) cũng được cho là có hỏa lực mạnh hơn những loại tàu tương tự của Mỹ.

Ví dụ như tàu khu trục Type 055 của Trung Quốc. Mặc dù được định danh là khu trục hạm, Type 055 có lượng giãn nước từ 12.000 đến 13.000 tấn, lớn hơn tàu khu trục lớp Arleigh Burke của Mỹ và có kích thước gần bằng tuần dương hạm lớp Ticonderoga. Với 112 ống phóng thẳng đứng (VLS), Type 055 có thể bắn hàng trăm tên lửa đất đối không và chống hạm. Trong khi đó, hệ thống VLS trên lớp Arleigh Burke chỉ có 96 ống.

Mỹ đã xây dựng chương trình khu trục hạm lớp Zumwalt với tải trọng hơn 15.000 tấn. Tuy nhiên, số ống phóng VLS lại ít hơn tàu Trung Quốc còn giá tiền lại cao hơn rất nhiều. Tốc độ đóng tàu cũng là vấn đề đáng bàn. Với Type 055, Trung Quốc bắt đầu chế tạo những chiếc đầu tiên vào năm 2014 và gần đây đã đưa vào hoạt động chiếc thứ tám mang tên Hàm Dương (Xianyang). Khu trục hạm lớp Zumwalt đầu tiên của Mỹ được chế tạo vào năm 2008, đến nay chỉ mới có ba chiếc hoàn tất.

Trung Quốc nhờ vào chiến lược quân - dân sự kết hợp, tận dụng các nhà máy đóng tàu biển cỡ lớn cho cả tàu chiến nên mới làm được số lượng nhiều trong thời gian ngắn. Nhưng so với Washington, Bắc Kinh không có các đồng minh mạnh như Hàn Quốc và Nhật Bản. Các nước này đang chế tạo những chiến hạm tân tiến không kém Mỹ với giá cả phải chăng và quan trọng là nhanh.

Vấn đề là luật pháp Mỹ hiện đang cấm hải quân nước này mua tàu do nước ngoài đóng - thậm chí từ các đồng minh. Ngay cả việc đóng tàu chiến ở các nước đồng minh cũng bị chặn đứng vì lo ngại rò rỉ bí mật công nghệ và mong muốn bảo vệ ngành đóng tàu nội địa. Trong trao đổi với Đài CNN, các chuyên gia cho rằng đã đến lúc cần phải suy nghĩ lại luật này nếu Mỹ muốn tiếp tục chiếm ưu thế trên biển.

Từng bước thay đổi

Theo báo Nikkei Asia, hải quân Mỹ đang nghiên cứu việc sử dụng các xưởng đóng tàu tư nhân của Nhật để bảo trì, sửa chữa và đại tu các tàu chiến của mình, nhằm giảm bớt thời gian các tàu này không hoạt động. Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Rahm Emanuel đang xúc tiến vấn đề này. Ông đã nói chuyện với các thành viên của Quốc hội và vận động nhân viên Đại sứ quán Mỹ tiếp cận với Chính phủ Nhật Bản.

Hải quân Mỹ từng sử dụng các xưởng đóng tàu ở Nhật Bản, Ấn Độ và Philippines để sửa chữa các tàu hậu cần như tàu phụ trợ và tàu tiếp dầu. Nhưng ý tưởng mới sẽ mở rộng thêm với cả tàu chiến, như tàu khu trục, tàu tuần dương và tàu đổ bộ được triển khai tới khu vực. Các tài sản chiến lược khác, như tàu sân bay và tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, vẫn nằm ngoài diện cân nhắc, theo một quan chức Mỹ nói với Nikkei Asia.

Ngành công nghiệp đóng tàu Nhật Bản chắc chắn sẽ hoan nghênh ý tưởng này. Nhật Bản từng là một trong những nước đóng tàu nổi tiếng nhất thế giới, song gần đây đã mất thị phần vào tay Trung Quốc và Hàn Quốc. Các hợp đồng sửa chữa từ hải quân Mỹ dự kiến sẽ liên tục, giúp ngành công nghiệp đóng tàu khởi sắc.

Trong tương lai Hàn Quốc, Singapore và Philippines cũng có thể nhập cuộc.

Ý tưởng trên cho thấy hải quân Mỹ đang "ném đá dò đường" với việc thay đổi các quy định pháp lý liên quan việc đóng và sửa chữa tàu chiến. Vấn đề này rất quan trọng và là sự chuẩn bị dài hơi nếu có xung đột ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Nó cũng là một sự ngầm thừa nhận những vấn đề cố hữu của ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ.

Chuyên gia Carl Schuster (Mỹ) dẫn ra chi phí chế tạo làm ví dụ. Khác với Mỹ, các hợp đồng đóng tàu ở Nhật Bản không đội giá vì họ buộc nhà thầu làm theo kiểu "lời ăn lỗ chịu". "Nếu nhà thầu hoàn thành con tàu dưới mức chi phí dự kiến, họ sẽ kiếm được lợi nhuận lớn hơn. Nếu chậm trễ và sai sót, họ sẽ phải bỏ tiền bù khoản chênh lệch", ông Schuster giải thích.

Còn nhiều vấn đề phải tính

Năng lực của các xưởng đóng tàu Nhật Bản hay Hàn Quốc là không bàn cãi. Vấn đề còn lại là con người. Mức độ chấp nhận của người dân các nước này là chuyện cần phải tính đến nếu hiện thực hóa ý tưởng. Năm 2019, Mỹ từng đưa tàu khu trục USS Milius đến một ụ tàu của Tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi tại Yokohama để sửa chữa. Công việc suôn sẻ, nhưng một số nhà hoạt động hòa bình đã chỉ trích việc này do lo ngại cảng Yokohama có thể trở thành một quân cảng mới của Mỹ tại Nhật Bản, bên cạnh Yokosuka.

Quan chức Mỹ thăm Trung Quốc sau vụ tàu chiến suýt va chạm ở eo biển Đài LoanQuan chức Mỹ thăm Trung Quốc sau vụ tàu chiến suýt va chạm ở eo biển Đài Loan

Ngày 5-6, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink đã họp với nhiều quan chức cấp cao của Trung Quốc, trong đó có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mã Triêu Húc.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên